Thời vụ sản xuất trà xuân muộn 2014: Sai một ly, đi cả dặm!
- Thứ năm - 09/01/2014 01:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bà con nông dân Đức Thọ xuống đồng gieo mạ trà xuân muộn vụ xuân 2014 |
Theo đúng kế hoạch, trà lúa đầu tiên của xuân muộn bắt đầu xuống giống từ ngày 1/1 với giống chủ đạo là BTE1. Tiếp đó, lịch bắc mạ sẽ kéo dài đến hết tháng cho lần lượt các trà giống nhị ưu 838, Syn 6, TH3-3, nếp 98 và VTNA2.
Vì là trà lúa cuối cùng của vụ xuân, thời vụ sản xuất gần như “khít”, không thể bổ cứu kịp thời nếu gặp bất trắc. Còn nhớ, bài học “xương máu” ở một số xã thuộc huyện Lộc Hà, Nghi Xuân và vùng thượng Can Lộc trong vụ xuân năm trước khi bỏ qua lịch thời vụ, xuống giống trước kế hoạch cả chục ngày khiến hàng trăm ha lúa không cho thu hoạch (giai đoạn trổ bông gặp rét tiết thanh minh). Có lẽ điều này đã nhắc nhở các địa phương khác dè chừng hơn với lịch thời vụ trong năm nay.
Ông Lương Hữu Đình ở Song Lộc (Can Lộc) cho biết: “Hôm 3/1, gia đình tôi đã bắc mạ cho 4 sào BTE1. Vụ xuân năm nay, ngoài giống này, tôi còn làm thêm 2 sào nếp 98, đợi đến lịch sẽ bắc chứ không như năm ngoái, cứ xuống giống đồng loạt, không kể giống nào trước, giống nào sau”.
Đến thời điểm này, toàn huyện Can Lộc đã xuống giống trên 100 ha, chủ yếu là BTE1. Tất nhiên, còn lại vài nơi vẫn xuất hiện tình trạng xuống sớm một số giống, thậm chí như ở Tiến Lộc, bà con gieo thẳng giống Xi23 đúng ngay đợt rét tiết Đông chí khiến nhiều diện tích lúa chết rét; hay ngay tại Tùng Lộc, không ít bà con xuống giống nếp 98 từ hôm trước dù thời vụ chỉ mới bắt đầu. Nhưng, dẫu gì số diện tích này cũng chỉ là cục bộ, không đáng kể.
Cũng phải nói thêm rằng, qua mấy vụ chuyển đổi cơ cấu, đến nay, người nông dân mới thực sự “bắt nhịp” với quy trình sản xuất các loại giống mới. Ở Đức Thọ, đi giữa những cánh đồng vụ xuân này, ai cũng phải tấm tắc bởi sự đều đặn, tươm tất từ ruộng mạ được che phủ nilon đúng quy trình kỹ thuật. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà con tập trung xuống đồng làm đất, chuẩn bị cho lứa sắp tới.
Bà con nông dân thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) chăm sóc rau màu vụ đông. Ảnh: Văn Bảy |
Khác với những vùng thâm canh này là bức tranh khá vắng vẻ ở huyện Thạch Hà. Mặc dù thời vụ đã đến, cả cánh đồng vẫn “đồng không mông quạnh”, thi thoảng mới thấy vài chiếc máy cày rì rì đơn lẻ làm đất. Vẫn biết, tập quán canh tác ở địa phương chủ yếu là gieo thẳng và năm nay, huyện cơ cấu các giống chủ lực thuộc tốp sau của trà xuân muộn (thời gian sinh trưởng 120- 135 ngày) thì tiến độ cày ải đất vẫn diễn ra quá chậm. Đặc biệt là ở Thạch Hương, Thạch Lâm, Thạch Tân, những cánh đồng giờ chỉ là bãi cỏ dại trải dài, đất cằn cỗi, trắng xóa vì lâu ngày không được chăm sóc, cày xới.
Trong khi đó, phía miền biển Lộc Hà, Nghi Xuân, nông dân vẫn “bỏ mặc” lịch thời vụ, xuống giống chẳng theo quy trình nào. Một số giống còn bỏ xa khung lịch đến cả vài chục ngày, song theo lý giải của người nông dân thì ở hai địa phương này đều mang tính đặc thù riêng biệt, hoặc cần mạ dài ngày để cấy ruộng sâu hoặc tranh thủ làm thời vụ để tránh hạn cho cây trồng những vùng không chủ động tưới.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Việc tính toán lịch thời vụ chính là hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại do thời tiết gây ra, bảo toàn năng suất và sản lượng cây lúa. Bắc mạ không đúng lịch thời vụ sẽ dẫn đến hậu quả lúa trổ sớm và trùng vào đợt rét Thanh minh (4/4) và Cốc vũ (20/4), đe dọa đến năng suất lúa xuân. Tốt nhất, khi thời gian đang ủng hộ, các địa phương có diện tích bắc mạ sớm nên vận động người dân làm lại mạ theo đúng khung lịch thời vụ định sẵn”.
Nguồn: baohatinh.vn