Thực hiện QĐ 26 ở Hương Sơn Khi ngân hàng và chính quyền cùng vào cuộc

Thực hiện QĐ 26 ở Hương Sơn  Khi ngân hàng và chính quyền cùng vào cuộc
Tại sao huyện miền núi Hương Sơn lại dẫn đầu toàn tỉnh về dư nợ HTLS theo QĐ 26 trong khi nhiều địa phương khác đang gặp khó trong việc giải ngân nguồn vốn này? Câu trả lời mà chúng tôi có được sau chuyến “mục sở thị” đó là nguồn vốn đầu tư cho NTM được khơi thông nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của Ngân hàng No & PTNT và chính quyền các cấp ở huyện Hương Sơn.

Vào cuộc đồng bộ

“Năm 2012, mặc dù nguồn vốn huy động tăng khá nhưng đầu tư tín dụng của Ngân hàng NN&PTNT huyện Hương Sơn hết sức khó khăn do lãi suất tăng cao. Bởi vậy, chính sách HTLS từ QĐ 26 đang góp phần tháo gỡ điểm nghẽn đầu ra cho nguồn vốn tín dụng và là cơ hội tốt để ngân hàng đồng hành với khách hàng, tiếp sức cho các địa phương xây dựng NTM”- Giám đốc Ngân hàng No & PTNT Hương Sơn - Cao Thị Ngân Bích chia sẻ.

Khi ngân hàng và chính quyền cùng vào cuộc

QĐ 26 góp phần tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho nguồn vốn tín dụng và là cơ hội tốt để ngân hàng đồng hành cùng các địa phương xây dựng NTM

Theo đó, toàn bộ lực lượng cán bộ ngân hàng đã được tập trung quán triệt, phân công trách nhiệm và bám sát cơ sở để cùng chính quyền các xã thực hiện QĐ 26. BGĐ Ngân hàng được chia làm 2 mũi trực tiếp xuống cơ sở để quyết định kịp thời đối với những món vay lớn.

Trong quá trình trực tiếp tham gia tập huấn cho người dân ở các xã, để người dân dễ nắm bắt và thực hiện, Ngân hàng không chỉ hướng dẫn về QĐ 26 mà còn lồng ghép các QĐ khác về chính sách hỗ trợ và đầu tư tín dụng cho nông nghiệp nông thôn cũng như cơ chế, thủ tục vay vốn ngân hàng.

QĐ 26 tháo gỡ khó khăn về lãi suất nhưng để tiếp cận chính sách, người vay phải đảm bảo đủ điều kiện vay vốn theo quy định. Để giúp hộ sản xuất tiếp cận vốn rẻ, các chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp ở Hương Sơn đã cố gắng đơn giản hóa thủ tục, linh động trong quá trình xem xét cho vay.

“Điều quan trọng nhất để ngân hàng quyết định cho vay đó là dự án kinh doanh có hiệu quả; người vay có ý chí làm giàu và có trách nhiệm trả nợ” - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng No & PTNT Tây Sơn Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Từ quan điểm đó, Ngân hàng Nông nghiệp đã vận dụng linh hoạt các điều kiện thế chấp, tín chấp để tạo điều kiện cho nhiều khách hàng tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi. Một số hộ tuy tài sản thể chấp chưa đáp ứng yêu cầu nhưng ngân hàng dựa vào uy tín người vay cộng với sự quan tâm và những chính sách của chính quyền các cấp dành cho mô hình để làm cơ sở đầu tư vốn.

Cùng vận động với ngân hàng trong việc triển khai QĐ 26 là sự vào cuộc của chính quyền các cấp ở Hương Sơn với quan điểm đưa chính sách đến với nhân dân, tạo nguồn lực lớn cho việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất mới. QĐ 26 được huyện sớm triển khai và bám sát tiến độ thực hiện của các xã để đôn đốc, chỉ đạo.

Chính quyền cấp xã sau thời gian bỡ ngỡ bước đầu, đến nay đều đã dồn sức thực hiện. Đặc biệt, có một số địa phương còn triển khai sớm trước chỉ đạo của huyện.

Khi ngân hàng và chính quyền cùng vào cuộc

Với nguồn vốn chính sách theo QĐ 26, chị Lê Thị Hương (xóm Lâm Đồng - Sơn Lâm) đầu tư mô hình nuôi hươu với quy mô 57 con

Xã Sơn Lâm - một trong những địa phương đi đầu, đến nay đã có dư nợ HTLS theo QĐ 26 đạt trên 1,3 tỷ đồng với 18 hộ vay. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Lê Trọng Lài cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin, chúng tôi đã tìm hiểu và phổ biến đến tất cả các xóm. Căn cứ vào mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương là trồng rừng và chăn nuôi, chúng tôi tập trung nghiên cứu chính sách dành cho đối tượng này và tìm kiếm, hỗ trợ những mô hình có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn”.

Nguồn lực cho mô hình NTM

Mô hình nuôi hươu của chị Lê Thị Hương (xóm Lâm Đồng - Sơn Lâm) được tiếp cận nguồn vốn 26 sớm. Từ 300 triệu vay Ngân hàng Nông nghiệp Hương Sơn, chị đã xây dựng hệ thống chuồng kiên cố và mua con giống, nâng quy mô chăn nuôi lên 57 con hươu sao. Với quy mô sản xuất này dự kiến mỗi năm doanh thu của gia đình chị Hương đạt 500 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.

Nguồn vốn theo QĐ 26 cũng đang tiếp sức cho ông Bùi Quang Huy xóm 12 xã Sơn Diệm xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi quy mô gần 1.000 con lợn thương phẩm. Ông Huy cho biết: “Theo tính toán, hệ thống chuồng trại theo quy chuẩn cùng với hệ thống hồ cá và chi phí xây dựng điện, đường… lên tới trên 1,7 tỷ đồng. Hiện tôi đang xây dựng dãy chuồng thứ nhất và đang vay 600 triệu đồng HTLS theo QĐ 26. Nguồn vốn lãi suất thấp với sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Nông nghiệp Hương Sơn đang là động lực để gia đình tôi có thêm quyết tâm xây dựng thành công trang trại chăn nuôi này”.

Khi ngân hàng và chính quyền cùng vào cuộc

Nguồn vốn theo QĐ 26 cũng đang tiếp sức cho ông Bùi Quang Huy xóm 12 xã Sơn Diệm xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi quy mô 1.000 con lợn thương phẩm

Theo dòng chảy của nguồn vốn HTLS, chúng tôi đến với trang trại của ông chủ trẻ Nguyễn Văn Linh ở xóm 9 - xã Sơn Kim 2. Trang trại chăn nuôi lợn liên kết quy mô 600 lợn thương phẩm này cách trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp Tây Sơn 20 km, nằm cách xa khu dân cư sinh sống gần 5km.

Anh Linh tâm sự: “Tuổi trẻ có ý chí và sức lực để vào núi lập trại, nhưng điều khó vượt qua nhất đó là làm thế nào có được nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để giảm chi phí trong buổi đầu. May mắn là tôi đã được chính quyền xã tạo điều kiện thuận lợi và Ngân hàng Nông nghiệp Tây Sơn đồng hành. Trang trại xa thế nhưng Giám đốc Ngân hàng đã nhiều lần đến kiểm tra và động viên gia đình tôi”.

Theo tính toán của anh Linh, sau khi thu hoạch lứa đầu, anh sẽ tiếp tục vay vốn để mở rộng quy mô nuôi lợn cũng như nuôi cá nước ngọt tận dụng chất thải từ đàn lợn”.

Đến thời điểm này, dư nợ cho vay HTLS theo QĐ 26 của 2 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp trên địa bàn huyện là Hương Sơn và Tây Sơn đã đạt hơn 20 tỷ đồng, chiếm khoảng ¼ tổng dư nợ cho vay HTLS trên toàn tỉnh. Nguồn vốn lãi suất rẻ đã đến với gần 500 mô hình sản xuất ở 30 xã của huyện Hương Sơn, trong đó các mô hình điểm trong xây dựng NTM phần lớn đã được vay với dư nợ lớn.

VŨ DŨNG
baohatinh.vn