Thực hiện quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới [NTM], công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch (tiêu chí số 1) đóng vai trò then chốt, tạo nền móng để thực hiện các tiêu chí còn lại. Trên địa bàn tỉnh, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng NTM ở các địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, qua đó thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn.
Hàng rào xanh tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ
        Quy hoạch NTM là bố trí, sắp xếp các khu chức năng, sản xuất, dịch vụ, hạ tầng kinh tế-xã hội, môi trường trên địa bàn theo tiêu chuẩn NTM gắn với đặc thù, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Để có mô hình NTM mang tính kế thừa và bổ sung, phát triển mới theo hướng CNH-HĐH thì công tác quy hoạch được đặt lên hàng đầu (nằm ở vị trí số 1 trong 19 tiêu chí xây dựng NTM). Nếu quy hoạch không có chất lượng, tính tổng thể và tầm nhìn, thì lộ trình đến đích NTM của các địa phương là vô cùng gian khó.

Cắm mốc quy hoạch nông thôn mới tại xã Kỳ Giang - Kỳ Anh


        Nhận thức rõ vai trò tiên quyết của công tác quy hoạch trong xây dựng NTM, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương và các đoàn thể nhân dân đồng sức, đồng lòng, thi đua thực hiện. Bằng nhiều biện pháp như tuyên truyền, tập huấn, rút kinh nghiệm, hướng dẫn, đặc biệt tổ công tác của ban chỉ đạo trực tiếp thẩm định góp ý 48 xã về đồ án quy hoạch. Đến nay, công tác quy hoạch xây dựng NTM trên địa bản tỉnh cơ bản đã hoàn thành với chất lượng tốt, các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã đã được phê duyệt. Các địa phương đã nghiêm túc thực hiện việc rà soát góp ý quy hoạch, do đó chất lượng các đồ án sau khi điều chỉnh bảo đảm theo quy định, đáp ứng kịp thời cho kế hoạch xây dựng NTM và gắn kết với Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; Hà Tĩnh là một trong những địa phương đứng đầu trong toàn quốc về phê duyệt quy hoạch đạt 235/235 xã (100%).
        
        Tuy nhiên, việc triển khai Công tác quy hoạch bước đầu gặp khó khăn do phải điều chỉnh theo Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT; điều chỉnh theo Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

         Có thể thấy, xây dựng NTM vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành T.Ư Đảng cộng sản Việt Nam khóa X đã ban hành về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Do đó, các sở, ban, ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa đối với công tác quy hoạch; tiếp tục rà soát, khắc phục những hạn chế; tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên môn, tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Xây dựng quy chế quản lý quy hoạch và thực hiện tốt quy hoạch được duyệt. Quy hoạch nông thôn mới cần được cụ thể hoá, trực quan, mô hình một cách khoa học, trang trọng, rõ ràng, sắc nét, trở thành giá trị văn hóa để mọi người dễ nhìn, dễ hiểu, nâng cao ý thức trách nhiệm và lòng quyết tâm thực hiện. Qua đó, đưa đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát triển…


Nguyễn Khánh Trình – Văn phòng điều phối NTM tỉnh