Tiếp nhận thông tin và ứng xử có trách nhiệm trên mạng xã hội

Mạng xã hội đã và đang là một trong những phương tiện phổ biến mà nhiều người sử dụng để tiếp nhận thông tin. Thế nhưng, trên môi trường này, nhiều thông tin không được kiểm chứng, với tốc độ lan truyền khủng khiếp, đã khiến cho dư luận hết sức hoang mang. Giữa những ngày nóng bỏng dịch COVID-19, dư luận lại tiếp tục bị "tấn công" bởi tin giả, tin sai, gây nhiễu loạn.

Chỉ cần một cái nhấp chuột vào ứng dụng Facebook, hàng loạt thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra (COVID-19) đập ngay vào mắt người dùng. Những dòng thông tin này lại là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người trong thời điểm dịch bệnh diễn biến khó lường. Thế nhưng, hàng loạt thông tin sai sự thật, lại có tốc độ lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, đã gây tâm lý hoang mang cho không ít người.   

Thời gian gần đây, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì cũng đã có nhiều người nổi tiếng như diễn viên, ca sỹ hay là giáo viên đã bị xử phạt vì chia sẻ, phát tán thông tin thiếu căn cứ, sai sự thật về dịch bệnh. Và đã có nhiều người tiếp tay cho hành vi này bằng việc ấn nút “thích” và “chia sẻ” thông tin. Nỗi hoang mang đã nhanh chóng lan xa từ không gian mạng ra đến ngoài đời thực. Vì vậy, đối với nhiều người, “liều thuốc” ngăn ngừa hiệu quả nhất là bình tĩnh tiếp nhận những thông tin chính thống. 

Ngoài ra, chế tài xử lý những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội cũng được hoàn thiện hơn với Nghị định 15 của Thủ tướng Chính phủ mới ban hành. Trong đó có nội dung đáng chú ý là tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng, thậm chí đến mức có thể bị xử lý hình sự. Nghị định với những quy định xử lý cụ thể hơn, được kỳ vọng sẽ là “liều thuốc dã tật”, góp phần làm "sạch" không gian mạng.

Khi có một sự việc nào xẩy ra trong đời sống xã hội nhiều người vì vô tình hay cố ý khi tham gia Facebook, đã tung tin thật, giả lẫn lộn với mong muốn thu được nhiều Like và thấy vui khi status sau đông vui hơn status trước. Vì thế, họ đã nghĩ ra những cách khác nhau để khiến mọi người vào Like. Chính sự hổn loạn của thông tin trên mạng xã hội không chỉ gây hoang mang dư luận, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, ngoài chế tài xử lý, thì trước hết người sử dụng cần phải là công dân mạng thông minh để chọn lọc, tiếp nhận thông tin và ứng xử có trách nhiệm trên mạng xã hội./.

Nguyễn Hằng - Thành Trọng/http://hatinhtv.vn/