Tỉnh thành 2013: Hà Tĩnh trong “cuộc chơi lớn” của Formosa
- Thứ tư - 22/01/2014 03:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tỉnh nghèo Hà Tĩnh đang đứng trước cơ hội lịch sử để chuyển mình từ một tỉnh nông nghiệp thành một tỉnh công nghiệp, sau khi tập đoàn Formosa tiến hành dự án khu liên hợp gang thép tại khu kinh tế Vũng Áng, từ đó tạo ra động lực thu hút đầu tư…
Đại công trường
Khi Formosa quyết định đầu tư một tổ hợp gang thép tại Việt Nam, địa điểm lựa chọn ban đầu lại không phải là Hà Tĩnh.
Một chuyên gia tên tuổi trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tiết lộ rằng, xét về điều kiện tổng thể, Hà Tĩnh kém xa nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, nếu xét về cảng nước sâu, Vũng Áng là lợi thế cạnh tranh rất rõ ràng.
Nhiều tài liệu ở Hà Tĩnh còn ghi lại rằng vào năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chấp nhận đề nghị của Hà Tĩnh cho tiến hành nghiên cứu cảng Vũng Áng, bao gồm cả khu vực Sơn Dương. Tập đoàn DAJCA (Nhật Bản) cùng Viện Quy hoạch vận tải biển thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã được chọn vào khảo sát, và sau đó đưa ra kết luận rằng Vũng Áng là nơi có cảng nước sâu và các điều kiện tự nhiên tốt hàng đầu của Việt Nam, rất phù hợp cho mô hình tổ hợp công nghiệp - cảng biển hiện đại.
Đó cũng là lý do mà cuối cùng Formosa đã chọn Hà Tĩnh.
Vũng Áng bây giờ không chỉ có Formosa, tuy nhiên về quy mô thì thì dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Formosa là lớn nhất. Trong giai đoạn 1 đang triển khai với công suất hơn 7,5 triệu tấn/năm, chủ đầu tư đã đăng ký vốn ở mức gần 10 tỷ USD.
Trong khi đó, đề xuất về đầu tư giai đoạn 2 để nâng công suất lên 22,5 triệu tấn/năm và vốn đầu tư lên tới 28 tỷ USD cũng đã được trình lên các cấp có thẩm quyền.
Hiện tại, Formosa sử dụng tới 3.300 ha, gồm 2.000 ha đất liền và 1.300 ha mặt biển. Quy mô ấy khiến cho Vũng Áng giờ đây thực sự là một đại công trường. Các số liệu được cung cấp bởi Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng cho hay hiện có gần 7.000 chuyên gia, cán bộ và công nhân, trong đó có đến 1.000 người Đài Loan đang ngày đêm làm việc tại đây.
Cho dù vẫn đang trong quá trình xây dựng, tổng mức thuế mà Vũng Áng, trong đó phần lớn là từ Formosa, đóng góp cho Hà Tĩnh trong năm 2013 đạt khoảng 3.200-3.500 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng thu ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh.
Đại công trường nhộn nhịp bao nhiêu, thì khối lượng công việc dồn về cho lãnh đạo tỉnh cũng lớn bấy nhiêu.
Người được coi là đã có dấu ấn rất lớn trong quá trình triển khai xây dựng khu kinh tế Vũng Áng cũng như tổ hợp của Formosa chính là vị chủ tịch đương nhiệm, ông Võ Kim Cự, người từng là Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng. Trải nghiệm trước đó với tư cách là một lãnh đạo doanh nghiệp dường như đã cho vị chủ tịch này một tầm nhìn: không dồn sức cho phát triển kinh tế, Hà Tĩnh khó thể phát triển được.
Tháng 8/2010, trong “diễn văn nhậm chức”, ông Cự nhấn mạnh rằng nhiệm vụ quan trọng số 1 của tỉnh nghèo Hà Tĩnh chính là việc tập trung cao chỉ đạo thực hiện các dự án lớn đã và đang triển khai, bởi từ trước đến nay chưa bao giờ Hà Tĩnh có được nguồn lực to lớn như lúc đó.
Khi đó, cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài đã là trên 14 tỷ USD, vốn trong nước trên 4 ngàn tỷ đồng. Nếu thực hiện được nguồn vốn nói trên, theo ông Cự, “sẽ tạo ra một năng lực sản xuất mới to lớn, làm thay đổi cơ cấu kinh tế tỉnh nhà theo hướng phát triển cao và bền vững”.
“Đây là thời cơ và vận hội lớn, nếu chúng ta không quyết liệt giải phóng mặt bằng, không làm tốt công tác tái định cư cho hàng vạn hộ dân, không đồng hành cùng chủ đầu tư và nhà thầu, gây nên sự chậm trễ bao nhiêu, thì khó khăn thực hiện sẽ tăng lên bấy nhiêu. Đứng trước khó khăn, thử thách chúng ta phải tìm ra nhiều giải pháp hữu hiệu; nhưng trước hết là cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc”, ông Cự nói.
Trong “đại chiến dịch” giải phóng mặt bằng cho dự án khu liên hợp Formosa, rất nhiều câu chuyện thú vị và cả kịch tính đã được các cấp lãnh đạo Hà Tĩnh nhớ mãi, trong đó có hình ảnh vị chủ tịch thấp đậm thường xuyên có mặt trong những điểm nóng để chỉ đạo trực tiếp. Sau này, như chính thừa nhận của một đại diện Formosa, nếu không có cách vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo, việc giải phóng mặt bằng khó lòng đạt được kết quả như kỳ vọng.
Trưởng đại diện của Formosa tại Hà Nội, ông Chu Xuân Phàm, trong lần nói chuyện với VnEconomy, đã nói rằng dù đã làm việc với rất nhiều quan chức tại Việt Nam, chưa thấy ai nghiêm túc với công việc như ông Võ Kim Cự, mà một ví dụ cụ thể nhất là ông luôn luôn đúng giờ.
Chuyện dài được, mất
Tổ hợp Formosa hiện vẫn đang là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, cũng là dự án có quy mô giải ngân vốn lớn nhất với tốc độ nhanh nhất. Thế nhưng, từ những ngày đầu, đã có không ít dị nghị về dự án.
Dị nghị đầu tiên là về vị trí của dự án. Với một cảng nước sâu được đầu tư hiện đại, lại chiếm giữ nhiều km bờ biển, vấn đề an ninh quốc phòng được nhiều người đặt ra. Những ý kiến dạng này cho rằng “giao” cho nước ngoài một diện tích lớn với nhiều điều kiện thuận lợi như vậy, thì yếu tố an ninh quốc phòng sẽ không được đảm bảo.
Dị nghị thứ hai là vào thời điểm khởi động dự án, Formosa đã đưa ra một số đề xuất ưu đãi, trong đó có các vấn đề như vay vốn ngân hàng trong nước, bảo đảm ngoại hối, bảo đảm nguyên liệu… Khi đó, xuất hiện nhiều ý kiến đại loại rằng đã là nhà đầu tư nước ngoài thì phải đem vốn “của nhà” vào đầu tư, nếu vay ngân hàng trong nước thì khác nào “lấy mỡ nó rán nó”?!
Thời điểm đó, công luận dường như chưa quen với việc các nhà đầu tư có thể đưa ra các điều kiện với chính quyền địa phương, cho rằng đó là “o ép”, “khó dễ”; điều mà trong thời gian gần đây, đã thấy rất phổ biến trong quá trình cấp phép các đại dự án như là một phần của cuộc chơi.
Gần đây, lại thêm một dị nghị nữa về việc liệu có hình thành một “phố ngoại quốc” ở Vũng Áng khi mà khu vực này đang tập trung hàng ngàn người nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan và Trung Quốc.
Ý kiến nhiều đến mức vào tháng 10/2013, Thủ tướng Chính phủ thậm chí đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về việc giám sát dự án của Formosa, đặc biệt về mặt an ninh, quốc phòng.
Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý, giám sát dự án khu liên hợp, qua đó khẳng định rằng nhờ làm tốt công tác chuẩn bị về quốc phòng, nên đến thời điểm hiện tại công tác quốc phòng trong khu vực vẫn được duy trì và đảm bảo tuyệt đối.
Trên thực tế, trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án, Hà Tĩnh đã xin ý kiến của Bộ Quốc phòng. Tại Công văn số 2808/BQP-TM ngày 4/6/2008, Bộ Quốc phòng khẳng định: “Khu đất xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương không ảnh hưởng nhiều đến vị trí đóng quân và các công trình quốc phòng hiện có trên địa bàn…”.
Đối với vấn đề “phố ngoại quốc”, Hà Tĩnh cho rằng việc tập trung hàng vạn lao động trong và ngoài nước trong khu vực này là có ảnh hưởng đến “thế trận khu vực phòng thủ” huyện Kỳ Anh, nhất là khu vực Đèo Ngang. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, việc có tới gần 2.000 lao động nước ngoài trong khu vực, cũng như việc số lượng lao động trong nước và nước ngoài thực hiện dự án sẽ tăng cao trong thời gian tới là một thực tế cần được chấp nhận trong quá trình phát triển.
“Đây là điều UBND tỉnh cho là hệ quả tất yếu trong quá trình triển khai xây dựng. Ban quản lý khu kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lí, kiểm tra, xử lí đối với lao động nước ngoài tại dự án, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật”, báo cáo viết.
Đem những câu chuyện dị nghị này đến hỏi ông Chu Xuân Phàm, thay vì trả lời, vị đại diện này khẳng định rằng Formosa là một nhà đầu tư và công việc quan trọng nhất là tìm kiếm lợi nhuận dài hạn. Khu liên hợp ở Hà Tĩnh không phải là dự án đầu tiên, trước đó, Formosa đã và đang đầu tư thành công vào một dự án dệt nhuộm lớn tại miền Nam.
Trong khi chưa hề có sản xuất, tất cả mọi chi phí đều phải do tập đoàn chi trả từ nguồn vốn tự có và vay thương mại. “Chúng tôi đến làm ăn ở Việt Nam, thực tình chỉ mong yên ổn làm ăn, sớm thu hồi vốn và tìm kiếm lợi nhuận trong thị trường thép đang rất giàu tiềm năng của khu vực Đông Nam Á. Chỉ vậy thôi”, ông nói.
Một chuyên gia về đầu tư nước ngoài nói với VnEconomy rằng thay vì cứ lo lắng ngược xuôi, việc quan trọng nhất có lẽ là đối xử minh bạch và bình đẳng với các nhà đầu tư để họ có thể triển khai dự án một cách nhanh chóng nhất trên tinh thần “win - win”.
“Dự án họ triển khai trên đất mình, an ninh, quân đội là của mình, đôi khi lo xa quá, thì cũng là bỏ mất cơ hội”, ông nói.
theo vneconomy