Trần Hợi tập hợp tối đa nguồn lực

Trần Hợi tập hợp tối đa nguồn lực
Đến nay, tổng số tiêu chí mà xã Trần Hợi (Cà Mau) đạt được là 11/19 tiêu chí. Xã phấn đấu trong năm 2014 đạt 3 tiêu chí, năm 2015 hoàn thành 5 tiêu chí còn lại.
 
Trần Hợi tập hợp tối đa nguồn lực
Người dân chung sức làm đường GTNT



Xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) là một trong bốn xã được chọn làm điểm xây dựng NTM của tỉnh Cà Mau, vì vậy chính quyền xã đang rất nỗ lực hoàn thành các tiêu chí để đến năm 2015 được công nhận là xã NTM.

Đến nay, tổng số tiêu chí mà xã Trần Hợi đạt được là 11/19 tiêu chí. Còn lại 8 tiêu chí, phấn đấu trong năm 2014 đạt 3 tiêu chí, năm 2015 hoàn thành 5 tiêu chí còn lại. Tuy kết quả thực hiện so với yêu cầu chỉ đạo của tỉnh, huyện và lộ trình của đề án đưa ra là chưa đạt, nhưng không thể phủ nhận những thành công mà chính quyền cùng nhân dân xã Trần Hợi đã làm được.

Xét về mặt nhận thức, nhân dân đã có sự thay đổi sâu sắc về trách nhiệm xây dựng NTM. Bằng chứng là nhân dân đã chung tay cùng chính quyền trong việc xây dựng các tuyến GTNT (nhân dân góp vốn và hiến đất); thực hiện tốt các chỉ đạo của chính quyền, thay đổi tập quán SX, nâng cao ý thức tự lực tự cường.

Từ khi thực hiện xây dựng NTM, bộ mặt kinh tế của xã Trần Hợi đã thay đổi hẳn. Các hình thức tổ chức SX mới có hiệu quả được áp dụng và nhân rộng. Hiện nay, xã đã có 2 HTX, 18 tổ hợp tác SX, 4 câu lạc bộ khuyến nông, 2 cánh đồng mẫu lớn.

Ngoài ra, còn phải kể đến các mô hình khuyến nông mới rất đạt hiệu quả mà xã đã cho thử nghiệm thành công như: nuôi cá sặc rằn, trồng cam sành, trồng thanh long ruột đỏ. Trong các mô hình này, mô hình nuôi cá sặc rằn và trồng cam sành đang được người dân ưa chuộng và phát triển rộng rãi trong xã.

Anh Nguyễn Văn Khuyến (44 tuổi) ở ấp 1 là nông dân SX giỏi ở xã Trần Hợi. Hiện gia đình anh Khuyến đang sở hữu mô hình nuôi cá sặc rằn kết hợp trồng cam sành rất thành công.

Anh Khuyến bắt đầu lập nghiệp bằng việc trồng lúa trên vài công ruộng. Năm thu hai vụ lúa cộng với một vụ hoa màu (vụ hoa màu được người dân trồng trên ruộng lúa sau khi gặt vụ ĐX xong, khoảng tháng 12 âm lịch). Khu vực ấp của anh được chọn là ấp điểm để vận động trồng lúa theo mô hình cánh đồng lớn. Anh Khuyến cho biết, với mô hình này vừa đỡ công chăm sóc, chi phí thuốc men, năng suất lại cao hơn hẳn so với trước đây.

Tiếp theo, anh được khuyến nông xã khuyến khích làm quen với kĩ thuật trồng cây cam sành. Anh nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn về kĩ thuật trồng cam sành do xã tổ chức. Sau khi có đủ kiến thức về kĩ thuật trồng cam, anh Khuyến mạnh dạn thực hiện.

Năm 2010, anh trồng thử nghiệm 1.000 m2 với số lượng 500 cây. Cây giống được anh lên tận Bến Tre mua. Đây là giống cam ghép nên rất nhanh được thu hoạch. Năm sau, anh thấy loại cam sành này phát triển tốt nên quyết định đầu tư trồng 1.000 cây. Sau 3 năm chờ đợi, anh đã thu được lợi nhuận từ vườn cam 100 triệu đồng.

Sau khi lên líp (luống) trồng cam sành, anh được một cái ao khá rộng nên đã nghĩ ngay đến việc nuôi cá. Anh Khuyến tiếp tục được khuyến nông xã Trần Hợi tư vấn nuôi cá sặc rằn theo hướng công nghiệp.

Từ cái ao có sẵn, anh đã cho cải tạo lại, nạo vét rộng ra và be bờ lên cao nuôi cá. Vợ anh là chị Trần Thị Phương cũng hơi lo lắng nhưng biết tính anh lâu nay làm gì luôn suy nghĩ rất kĩ nên dù phải vay mượn chị vẫn chạy đủ số tiền gần 100 triệu đồng để anh thả cá sặc rằn.

Năm sau, cùng với vụ cam sành thành công, anh Khuyến trúng luôn vụ cá sặc rằn. Anh thu được gần 4 tấn cá, giá 80 ngàn đồng/kg, trừ chi phí còn lời trên dưới 200 triệu đồng.

Ông Ngô Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Trần Hợi, cho hay:

"Từ khi có chủ trương thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015, chính quyền xã đã tập hợp tối đa nguồn lực để từng bước hoàn thành các tiêu chí đề ra. Đến nay, xã cũng đã đạt được những thành công nhất định. Phương hướng trong thời gian tới là tiếp tục phấn đấu hoàn thành tất cả các tiêu chí để đến năm 2015 xã Trần Hợi đạt chuẩn xã NTM".

Anh Khuyến tâm sự, thành công của gia đình anh với mô hình kết hợp này là nhờ chính sách khuyến nông của xã, chính quyền xã đã giúp đỡ anh không chỉ về kỹ thuật mà còn về nguồn vốn. Điều anh tâm đắc nhất trong mô hình này là sự kết hợp và bổ sung rất hữu ích cho nhau giữa vườn và ao, tức là vườn cam sành và ao cá sặc rằn. Khi lên líp làm vườn được cái ao nuôi cá. Khi nuôi cá thì phải thay nước định kỳ 1-2 lần/tuần, lấy nước đó tưới cho cây cam, rất tiện lợi mà lại bớt được chi phí.

Ông Huỳnh Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Hợi, cho biết: Đây là một mô hình kết hợp khá hay, rất thành công. Mô hình của khuyến nông xã đưa ra là phù hợp. Nhưng không thể không ghi nhận sự dũng cảm của anh Khuyến trong việc tiên phong trồng cam sành và nuôi cá sặc rằn ở địa phương. Nhiều người dân ở đây đang học hỏi kỹ thuật để phát triển mô hình này với sự khuyến khích của xã.

Về các công trình đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng ở xã Trần Hợi như: thủy lợi, trường học, lưới điện, trạm cấp nước,… đã phát huy được nhiều hiệu quả không ngừng. Những mặt này không những đáp ứng được yêu cầu trước mắt mà còn là tiền đề, nền tảng ổn định vững chắc cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.

Về GTNT, toàn xã Trần Hợi có tổng chiều dài các tuyến lộ là 175 km. Được nhựa hóa đạt chuẩn kỹ thuật của bộ GTVT là 23,6 km, bê tông hóa theo chuẩn, xã đã xây dựng được 57,2 km (gồm lộ ngang 2,5 và ngang 1,5 m).

Ngoài ra, xã còn đang tiến hành xây dựng một số tuyến giao thông khác nhằm liên thông các tuyến đường. Các công trình này nhằm phục vụ lợi ích của người dân nên rất được lòng dân và nhân dân cũng cùng chung tay hiến đất, góp vốn để thực hiện.
 

Nguồn: nongnghiep.vn