Trao “cần câu” cho người nghèo
- Thứ tư - 13/03/2013 20:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hà Tĩnh là một trong những địa phương dẫn đầu về doanh số cho vay hộ nghèo. Nhiều cơ hội đã đến với người nghèo là kết quả của quá trình nỗ lực của Ngân hàng CSXH, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội trong suốt thời gian qua.
Sự vào cuộc đồng bộ
Trong 11 chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai trên địa bàn tỉnh thì cho vay hộ nghèo là một trong những chương trình ra đời sớm nhất, được tập trung nguồn lực lớn và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
Chương trình cho vay hộ nghèo đã góp phần gắn kết sự quan tâm và trách nhiệm của toàn xã hội đối với hộ nghèo thông qua hoạt động của Ban đại diện từ tỉnh đến huyện, thực hiện hợp đồng ủy thác của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và 4.163 tổ tiết kiệm và vay vốn trên toàn tỉnh.
Các điểm giao dịch tại xã của Ngân hàng CSXH tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục vay vốn |
Thời gian qua, Ban đại diện HĐQT các cấp đã tập trung chỉ đạo, giám sát chặt chẽ chương trình, Ngân hàng CSXH chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện và tổ chức giám sát cho vay hộ nghèo. Công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, của ngành trong công tác cho vay hộ nghèo được quan tâm và phát huy hiệu quả.
Ngân hàng CSXH tăng cường xây dựng các điểm giao dịch tại xã, phương tiện phục vụ công tác giao dịch, giải ngân; công khai cơ chế, chính sách cho vay, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận và giám sát chính sách. Nguồn vốn cho vay hộ nghèo được ủy thác cho các tổ chức chính trị xã hội quản lý cùng với sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh cho biết, trong quá trình thực hiện việc ủy thác cho vay hộ nghèo, Hội không chỉ tập trung nhiều giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn vốn, đảm bảo cho vay đúng đối tượng mà còn phối hợp hiệu quả với các chương trình hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế của Hội, chú trọng việc chuyển giao kiến thức KHKT cho người vay để phát huy hiệu quả đồng vốn.
Đặc biệt, 10 năm qua, việc thành lập, kiện toàn mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn được đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho 100% hộ nghèo được vay qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Hệ thống tổ tiết kiệm vay vốn không chỉ là cánh tay nối dài của Ngân hàng CSXH trong quá trình quản lý nguồn vốn mà còn góp phần hình thành các tổ chức tự quản, nâng cao trách nhiệm cộng đồng, tạo công bằng xã hội trong việc thực hiện chính sách cho vay hộ nghèo.
Trao cơ hội cho người nghèo
Xây dựng gia đình từ hai bàn tay trắng, dẫu cật lực với công việc đồng áng, gia đình anh Trần Văn Hoàng - chị Nguyễn Thị Thủy (xã Ngọc Sơn- Thạch Hà) nghèo vẫn hoàn nghèo. Năm 2006, gia đình anh Hoàng được vay 10 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo.
“Cầm tiền vay vừa mừng vừa run, vừa lo toan tính cách làm ăn thế nào để trả nợ cho ngân hàng. Vợ chồng tôi mua một con bò giống rồi nhân đàn dần lên. Bên cạnh đó, gây dựng dần vườn đào trên vùng đất đồi của gia đình. 3 năm sau, chúng tôi đã trả được số tiền vay hộ nghèo và lại được vay tiếp 15 triệu đồng nguồn vốn cho vay vùng khó khăn của Ngân hàng chính sách. Đến nay, chúng tôi đã xây dựng được hệ thống chuồng lợn với quy mô nuôi 20-30 con/lứa; tiếp tục phát triển chăn nuôi bò và kinh tế vườn. Từ điểm khởi động của một hộ nghèo, với sự hỗ trợ của nguồn vốn lãi suất thấp, gia đình tôi đã có cuộc sống khấm khá như ngày hôm nay” - Chị Thủy phấn khởi tâm sự.
Ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân), trong số hàng chục hộ đã chiến thắng đói nghèo nhờ sự tiếp sức của Ngân hàng CSXH, chị Trần Thị Thuyên ở xóm 5 là một trường hợp điển hình.
Chồng chị mất vì bạo bệnh. Vượt lên nỗi đau tìm hướng phát triển kinh tế gia đình để nuôi 2 đứa con ăn học, chị Thuyên đã có được sự đồng hành quý giá từ nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo. Số tiền vay tuy chưa lớn nhưng đã giúp chị phát triển mô hình chăn nuôi cá, lợn, vịt với quy mô 0,5ha.
Nguồn thu dẫu chưa lớn nhưng cũng giúp gia đình chị có cuộc sống ổn định và dần thoát khỏi đói nghèo. Hơn 10 năm qua, hàng trăm lượt hộ nghèo ở xã Xuân Lam đã có cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ; dư nợ cho vay hộ nghèo đến cuối năm 2012 đạt hơn 4 tỷ đồng.
Nguồn vốn chính sách đã giúp người dân Hương Sơn phát huy tiềm năng đất rừng để phát triển kinh tế trang trại |
Chương trình cho vay hộ nghèo triển khai thực sự đã mang lại nguồn lực quan trọng cho những địa phương có tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Điển hình như huyện Kỳ Anh, 10 năm qua, doanh số cho vay chương trình đạt trên 220 tỷ đồng với 14-15 ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn; trung bình mỗi xã được đầu tư 2,5-3 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nguồn vốn cho vay hộ nghèo đó góp phần thay đổi tư duy về kinh tế, cách thức tổ chức sản xuất, tiết kiệm trong chi tiêu để tăng hiệu quả vốn vay, tăng thu nhập, trả nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn cho NHCSXH.
10 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo ở Kỳ Anh đã giảm từ 23%(2003) xuống còn 11%(2012), trong đó có sự góp sức đắc lực của nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo.
Đến cuối năm 212, dư nợ cho vay hộ nghèo toàn tỉnh đạt 962,4 tỷ đồng, với 71.215 hộ đang có dư nợ; dư nợ bình quân 13,5 triệu đồng/hộ. Doanh số cho vay tăng từ hơn 58 tỷ đồng (năm 2003) lên hơn 258 tỷ đồng (năm 2012); tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 3,2% (2003) xuống còn 0.41%(2012).
Chương trình cho vay hộ nghèo đang tiếp tục đồng hành một cách đắc lực và vững chắc cùng tiến trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM của tỉnh nhà.
M.T
baohatinh.vn