Trên 70% tàu ở Hà Tĩnh đã ra khơi sau sự cố cá chết
- Thứ ba - 10/05/2016 22:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Không phát hiện thêm cá chết bất thường
Báo cáo về tình hình thuỷ, hải sản chết bất thường, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho biết, các loại thuỷ sản nuôi trồng chết khoảng 82 tấn, thiệt hại ước tính khoảng 4,7 tỷ đồng. Các loại thuỷ, hải sản tự nhiên chết trôi dạt vào bờ đã được thu gom, chôn lấp khoảng 10 tấn.
Từ ngày 24/4, một số cá nuôi lồng bè, ngao và cá tự nhiên chết rải rác trôi dạt vào bờ nhưng số lượng không lớn; từ ngày 28/4 đến nay không còn phát hiện hải sản chết bất thường.
Ông Khánh cho hay sau khi sự việc xảy ra, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã thăm hỏi, động viên tinh thần và vật chất để người dân an tâm, sớm khôi phục sản xuất.
Tỉnh cũng thành lập ban chỉ đạo do đích thân Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó ban trực để chỉ đạo khôi phục sản xuất, khai thác thuỷ, hải sản, đảm bảo ổn định tình hình tại thị xã Kỳ Anh.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại Hà Tĩnh chiều 9/5. Ảnh: T.Tú. |
Lãnh đạo Hà Tĩnh khẳng định hiện địa bàn Khu kinh tế Vũng Áng nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung tình hình cơ bản được kiểm soát và ổn định. Bước đầu, người nuôi trồng thủy sản chịu thiệt hại được cấp, hỗ trợ 750 triệu đồng; hỗ trợ cho ngư dân vùng bị thiệt hại do hiện tượng cá chết bất thường 15 kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian 1,5 tháng.
Tỉnh đã chuyển hơn 600 tấn gạo đến các địa phương và đã cấp phát đến trên 6.300 hộ. Các doanh nghiệp tổ chức thu mua hải sản cho ngư dân với số lượng tính đến 7/5 là 243 tấn...
Mẫu hải sản, mẫu nước đều an toàn
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với trung ương quan trắc, công bố các chỉ số môi trường biển mỗi ngày 1 lần, đặc biệt tại các khu du lịch ven biển để mọi người dân biết.
Mẫu quan trắc môi trường biển, hải sản đánh bắt tại vùng lộng (20 hải lý trở vào) thường xuyên được lấy, kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, chất lượng các mẫu hải sản, mẫu nước biển đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn.
Hiện, tỉnh phối hợp với các Đoàn công tác của các Bộ, ngành, các nhà khoa học trong nước và quốc tế tiến hành lấy mẫu nước, trầm tích và các mẫu khác để phân tích, đánh giá chất lượng môi trường và xác định nguyên nhân thuỷ, hải sản chết.
Theo ông Đặng Quốc Khánh, đến ngày 8/5, tổng cộng 2.663/3.750 tàu ra khơi đánh bắt hải sản (đạt 71%), trong đó tàu khai thác xa bờ (ngoài 20 hải lý) là 196/253 tàu (77,5%), tàu khai thác gần bờ (20 hải lý trở vào) là 2.467/3.497 tàu (đạt 70,5%).
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng ban hành quyết định số 772 vào sáng 9/5 để hỗ trợ các cơ chế, chính sách cho người dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế khắc phục những khó khăn do hải sản chết bất thường.
Đánh giá cao phản ứng của Hà Tĩnh, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, với con số hơn 70% số lượng tàu đánh bắt trở lại hoạt động là cố gắng và nỗ lực lớn của tỉnh.
Ông cũng biểu dương Bộ Nông nghiệp nhanh chóng tham mưu cho Thủ tướng ban hành quyết định hỗ trợ bà con 4 tỉnh miền Trung ổn định làm ăn, sản xuất.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh liên quan nhanh chóng công bố thông tin tới người dân, doanh nghiệp, triển khai quyết định kịp thời, đúng đối tượng và đặt ra thời gian cụ thể để thực hiện.
“Tuyệt đối không để xảy ra sai phạm tiêu cực trong hỗ trợ nhân dân. Cán bộ nào để xảy ra sai phạm, nhũng nhiễu, xà xẻo hỗ trợ của nhà nước trong việc này phải xử phạt theo tình tiết tăng nặng”, Phó thủ tướng nghiêm khắc nói.
Thu ngân sách tăng 6 lần sau 5 năm
Lãnh đạo Hà Tĩnh thông tin, năm 2015, tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, đạt 17,5%; thu nhập bình quân đầu người năm đạt 39 triệu đồng/người. Hà Tĩnh cũng là địa phương đi đầu trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững...
Sản xuất công nghiệp có bước phát triển đột phá. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, toàn tỉnh có 2 khu kinh tế, 19 khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút 446 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đăng ký trên 49.700 tỷ đồng và 21 tỷ USD.
Khu kinh tế Vũng Áng từng bước trở thành trung tâm công nghiệp nặng, với các sản phẩm chủ lực là thép, nhiệt điện và dịch vụ cảng biển. Trong đó, dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 10,5 tỷ USD triển khai đúng tiến độ...
Hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển đã giúp thu ngân sách của tỉnh tăng nhanh, đạt 12.121 tỷ đồng, tăng gấp 6,1 lần so với năm 2010.
Để Hà Tĩnh phát triển nhanh, mạnh hơn trong thời gian tới, Phó thủ tướng đồng tình với đề xuất của tỉnh xây dựng hai đề án đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và ven biển đến năm 2025 và Đề án phát triển Khu di tích Danh nhân văn hóa thế giới - đại thi hào Nguyễn Du xứng tầm Khu di tích cấp quốc gia để trình Chính phủ cho ý kiến.
Theo news.zing.vn