Từng bước xây dựng thương hiệu Hải sản Cửa Sót
- Thứ ba - 09/04/2019 06:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mấy năm gần đây, mỗi năm huyện Lộc Hà đạt sản lượng hải sản đánh bắt hơn 6.000 tấn, trong đó khu vực Cửa Sót - xã Thạch Kim chiếm khoảng 1/3. Bên cạnh đó, Thạch Kim là nơi trung chuyển các nguồn hải sản từ các nơi khác với khoảng 5.000 tấn/năm, với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Nhờ có luồng lạch và cảng cá nên hải sản ở Cửa Sót nổi tiếng phong phú, tươi ngon. Bên cạnh các sản phẩm tươi và đông lạnh thì có nhiều cơ sở, hộ gia đình kinh doanh hải sản đông lạnh, mực, cá, tép khô, ruốc, nước mắm. Xã Thạch Kim hiện có khoảng 50 hộ sản xuất thường xuyên, hàng trăm hộ sản xuất thời vụ và nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến hải sản, chủ yếu tập trung ở Cụm công nghiệp chế biến Thạch Kim. Sản lượng hải sản khô trên địa bàn mỗi năm ước đạt trên 100 tấn. Nghề chế biến hải sản đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.
Chuẩn bị đưa cá nục nướng đi tiêu thụ
Tuy vậy, sản phẩm hải sản nơi đây chủ yếu ở dạng sản phẩm thô, chưa bao bì, nhãn hiệu, nên tiêu thụ không ổn định, giá bán chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu. Tại Cụm công nghiệp chế biến Thạch Kim, các cơ sở chế biến hải sản chưa xây dựng được thương hiệu. Các cơ sở đang tự bươn chải thị trường, mạnh ai nấy làm.
Chính vì vậy, Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà đã phối hợp với Công ty TNHH đầu tư Hoàng Anh (Quảng Ninh) tổ chức khảo sát các mặt hàng hải sản tại xã Thạch Kim để xây dựng phương án, kế hoạch đưa các loại mặt hàng hải sản vào chương trình OCOP Hà Tĩnh, xây dựng thương hiệu Hải sản Cửa Sót. Mục tiêu là góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ sở chế biến, kinh doanh hải sản trong việc chấp hành quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; cung cấp cho khách hàng, người tiêu dùng sản phẩm hải sản đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng.
Để xây dựng được thương hiệu, cần sự hỗ trợ tích cực từ các ngành chức năng. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, hộ kinh doanh cần phải quản lý được dòng hàng, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, làm tốt công tác tiếp cận thị trường, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng. Sản phẩm phải được đóng gói, có tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác... Hiện tại, Huyện Lộc Hà tập trung làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy, hải sản trên địa bàn, đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn và tổ chức tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nhằm từng bước xây dựng thương hiệu Hải sản Cửa Sót trên thị trường; nghiên cứu chính sách hỗ trợ các điểm kinh doanh hải sản bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ người tiêu dùng, khách du lịch.
Trần Ngọc Quang - Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Lộc Hà
https://hatinh.dcs.vn