Vĩnh Kim, đi lên từ nội lực
- Thứ năm - 30/10/2014 01:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chúng tôi theo con đường bê-tông, rộng thoáng xuyên những vườn cây hồ tiêu, cao-su ngút mắt trên địa bàn các thôn Hương Bắc, Hương Nam... của xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh. Cũng như nhiều hộ dân chung quanh, ngoài diện tích trồng cây cao-su và hồ tiêu, gia đình anh Nguyễn Viết Hoàng ở thôn Hương Nam còn xen canh, gối vụ nhiều loại hoa màu, như khoai môn, lạc, ngô lai; mở rộng chăn nuôi theo hướng gia trại, mỗi năm thu được khoảng 200 triệu đồng. Giỏi làm kinh tế, người cựu chiến binh này còn được bà con quý trọng, "bởi anh là cán bộ miệng nói tay làm".
Bà Nguyễn Thị Nậy và nhiều người dân ở đây cho biết thêm: Là Trưởng thôn, anh Hoàng hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình, có nhiều sáng kiến, luôn chủ động cùng với nhân dân xây dựng thôn văn hóa. Có gia đình neo người, thiếu vốn làm ăn, anh đã cùng đại diện chi hội, đoàn thể đến góp sức cải tạo đồng đất, gây trụ, trồng tiêu, hướng dẫn họ vay vốn, kỹ thuật chăn nuôi, để dần dần có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Với phương châm hành động "mỗi cán bộ, đảng viên là một mô hình cho nhân dân học tập", Ðảng bộ xã Vĩnh Kim đã đem lại động lực mới trong công tác vận động quần chúng. Trong chiến tranh ác liệt, sản xuất nông nghiệp nơi đây vẫn đạt năng suất 5 tấn/ha; nhân dân dũng cảm, kiên cường, trọn nghĩa, vẹn tình với hậu phương, tiền tuyến. Năm 1959, xã được Bác Hồ tặng chiếc máy cày Zetor 25 K (của Tiệp Khắc trước đây tặng Bác), vì có nhiều thành tích trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng thành công mô hình hợp tác xã tiên tiến trong khu vực và miền bắc XHCN.
Năm 1967, Vĩnh Kim vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này, từ những hố bom loang lổ năm xưa, giờ đã là một vùng quê trù phú. Tự hào là địa phương được Bác Hồ tặng chiếc máy cày, quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Bác trước lúc đi xa, Vĩnh Kim đã có những quyết sách kịp thời, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế- xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Toàn xã hiện có 60% diện tích cánh đồng cho thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/ha, hàng trăm héc-ta hồ tiêu, gần 420 ha cây cao-su cùng nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, đạt giá trị hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Trong tổng số hơn 700 gia đình của xã, có một phần ba là hộ khá, giàu. Số hộ nghèo là 4,6% đang được các chi bộ, đảng viên tích cực giúp đỡ, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Ðược biết, ba năm qua, cùng với thi đua sản xuất, phát triển ngành nghề, dịch vụ, người dân các thôn trong xã còn hiến gần 100 nghìn m2 đất và tham gia hàng chục nghìn ngày công để cứng hóa thêm 48km đường liên thôn, hoàn thành nhiều công trình phục vụ sản xuất và đời sống.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Tú, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Vĩnh Kim, trước đây kinh tế của xã phát triển khá nhưng chưa mạnh và bền vững. Nhiều cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường, trạm,... xuống cấp, chắp vá, thiếu quy hoạch, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống mọi mặt của người dân. Thực trạng này đã được tiến hành "mổ xẻ" trong nhiều cuộc họp của cấp ủy, chi bộ. Nguyên nhân và trách nhiệm cá nhân được xác định rõ, gắn với biện pháp khắc phục.
Thực hiện Nghị quyết của Ðảng ủy xã về lãnh đạo xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015, Vĩnh Kim tập trung củng cố, nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ, đảng viên; gắn thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ðảng ủy xã từ những giải pháp phù hợp, sáng tạo đã lãnh đạo các phong trào, tạo chuyển biến mạnh về nhận thức trong toàn Ðảng bộ, đưa Vĩnh Kim vững bước vươn lên, trở thành điểm sáng xã nông thôn mới của tỉnh Quảng Trị.
BÀI VÀ ẢNH: HOÀNG LÂM, NGUYỄN VĂN HAI
Nguồn nhandan.org.vn