Vợ chồng giáo chức già đi bộ xin tiền về làm đường ra nghĩa trang

Vợ chồng giáo chức già đi bộ xin tiền về làm đường ra nghĩa trang
Chứng kiến cảnh người dân đi lại trên con đường ra nghĩa trang còn khó khăn, hai vợ chồng cựu giáo chức (ở Hương Khê - Hà Tĩnh) đã bỏ tiền tiết kiệm của mình, đồng thời lặn lội đi xin từng đồng về để làm đường giúp dân.

Đi bộ đến từng nhà vận động quyên góp

Ông Đinh Công Vượng (80 tuổi) và vợ là bà Bùi Thị Thu (73 tuổi) là hai giáo viên nghỉ hưu, sống tại xóm 5, xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).

Gia đình ông bà có 4 người con thì 3 người lập gia đình và vào sinh sống trong An Giang, một cô con gái lập gia đình ở gần bố mẹ nhất là thành phố Hà Tĩnh, cách nhà 70 km.

Vợ chồng cựu giáo chức già bên “con đường tình nghĩa” do hai ông bà đi quyên góp mấy năm qua để làm.

Về hưu, hai vợ chồng sống với nhau, dù tuổi cao nhưng hai ông bà tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.

Trong thời gian bà Thu làm Hội trưởng Hội Người cao tuổi xóm 5, chứng kiến những đám tang khi chôn cất trên nghĩa trang xóm phải đi len lỏi qua con đường nhỏ, gồ ghề đầy khó khăn, hai ông bà đã bàn bạc thống nhất quyên góp làm đường cho dân đi lại. Để có kinh phí làm đường, ông bà ròng rã suốt mấy năm trời đi xin ủng hộ.

“Sau khi thông qua ý kiến với xóm và xã được họ đồng ý miệng, tôi làm thư ngỏ có sự xác nhận của xã gửi đi khắp nơi để kêu gọi ủng hộ. Tôi vừa làm chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Phúc Trạch và thành viên Hội đồng hương Nghệ An tại Hương Khê, nên đặt vấn đề kêu gọi người ít, người nhiều chung tay góp sức.

Ngoài việc kêu gọi con em ở xa ủng hộ thì hằng ngày hai vợ chồng mang sổ và bút đi hết nhà này đến nhà khác gõ cửa xin tiền. Có nhà có thì họ ủng hộ 400-500 ngàn, có nhà vài chục ngàn, nhà không có thì họ mời ly nước cho đỡ khát”- bà Thu kể lại.

Ai ủng hộ ngày nào, số tiền bao nhiêu đều được ông bà ghi chép lại trong những cuốn sổ cẩn thận. “Có người dân còn trêu đùa ác ý rằng: Ông bà có lương mà suốt ngày đi ăn xin thế à?. Khi họ không hiểu thì mình giải thích cho họ hiểu”, bà Vượng nói.

Không đi được xe đạp, bà Thu phải đi bộ đến từng nhà để xin quyên góp không quản trong xóm hay ngoài xóm, trong xã hay ngoài xã. Dù trời nắng hay mưa, đôi chân của bà vẫn đều đặn đi tích cóp từng đồng về thực hiện tâm nguyện hoàn thành con đường.

Con đường đạt chuẩn theo tiêu chí đường NTM khu vực nông thôn.

“Thấy cô thầy mang nón đi xin tiền, nhiều học sinh cũ điện thoại hỏi thăm tưởng gia đình bà bị hoạn nạn gì, khi bà trình bày công việc mình thực hiện thì các em (học trò cũ) cũng gửi tiền ít nhiều về giúp”, bà Thu tâm sự.

“Con đường tình nghĩa”

 

Ngoài đi xin kinh phí để thực hiện, ông bà phải làm công tác "giải phóng mặt bằng cho dự án”.  Ông Vượng phải đến từng nhà xin hiến đất, xin chặt cây để mở rộng. “Mặt bằng xã hứa nhưng không làm, cuối cùng chúng tôi phải đến từng nhà vận động dân xin đất xin cây để phát dọn” ông Vượng kể.

Không đủ kinh phí làm được một lần, nên năm 2016 xin được 70 triệu, ông bà thuê xe san gạt và đổ đất làm nền rồi chở đá về lu lèn cho dân đi, chờ đợt 2 có tiền sẽ đổ bê tông.

Bà Thu phải nhờ người chở lên huyện để xin xi măng. Được chủ tịch huyện đồng ý và thông báo khi nào tiến hành làm sẽ cho xi măng về tận chân công trình.

Vợ chồng ông bà được các ông Trần Thái (xóm 4, thương binh) và ông Nguyễn Văn Đán (xóm 5) giúp đỡ trong kêu gọi xin ủng hộ tiền đổ bê tông.

Đầu năm 2017, nhóm xin được 86 triệu đồng cùng một số vật liệu cát, đá cùng với 20 triệu tiền ông bà tích cóp từ lương hưu bỏ thêm nên đã tiến hành thuê người đổ bê tông với chiều rộng khổ đường 3m, dày 20cm và chiều dài được 400m.

Còn hơn 200m chưa có kinh phí làm, ông bà tiếp tục đi vận động người dân để xin để gắng hoàn thành “con đường tình nghĩa”. Hiện nay, vật liệu đã được đầy đủ, chỉ còn thiếu tiền thuê nhân công.

“Không đủ tiền tôi sẽ đi vay, rồi sau trả dần cho họ, mong muốn làm xong trước mùa mưa bão năm nay”, ông Vượng quyết tâm.

“Lời kêu gọi” được ông bà gửi đi khắp nơi để xin tiền về làm đường cho nhân dân xóm 4 và xóm 5 xã Phúc Trạch trong những năm qua.

Con đường dài 600m, rộng 3m với tổng kinh phí làm hơn 200 triệu đồng đi vào nghĩa trang Khe Râu đã được ông bà cựu giáo chức già đứng ra chủ trì làm gần xong.

Ông bà được UBND tỉnh và Hội cựu giáo chức tỉnh tuyên dương về đóng góp trong phong trào xây dựng NTM.

Chị Hiếu người có nhà ở cạnh con đường vui mừng nói: “Đường này có nhà tôi và hai hộ nữa, còn phía sau là nghĩa trang và những cánh rừng Khe Râu. Từ lối đi nhỏ, gồ ghề bởi mưa xói lở giờ làm được thành con đường rộng đẹp, gia đình và người dân chúng tôi vui mừng lắm.

Giờ xe ô tô vào tận chân rừng vận chuyển gỗ keo ra mà không phải tăng-bo như trước. Nếu không có vợ chồng bà Thu đứng ra làm thì không biết bao giờ chúng tôi mới có con đường như thế này để đi lại”.

Theo Infonet.vn