Vợ chồng nghèo 10 năm cuốc đất Khe Mây thành trang trại cam tiền tỷ
- Thứ tư - 07/03/2018 22:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cưới nhau từ năm 2005, sau gần 1 năm suy tính, hai vợ chồng anh Đồng, chị Thiên quyết tâm “nếm mật nằm gai” vào khai hoang vùng Trại Trửa (một vùng đồi ở Khe Mây) để lập nghiệp.
“Ngày đầu, cây cối rậm rạp phủ hết lối đi, hai vợ chồng nhìn nhau không biết bắt đầu từ đâu, chúng tôi phải thuê máy đào, máy xới làm từng vùng đất. Phải mất gần 1 năm sau chúng tôi mới có đất để trồng cam. Khó khăn nhất là hai vợ chồng còn trẻ, thiếu thốn đủ bề, vốn liếng ít ỏi được gom góp từ những ngày đi làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh. Nhờ anh em họ hàng và vay ngân hàng, chúng tôi mượn khoảng 50 triệu đồng. Số vốn này vào thời điểm lúc bấy giờ là rất lớn, tất cả đều được dồn hết vào việc mua cây giống và phân bón. Lứa đầu tiên, chúng tôi trồng hơn 400 gốc cam, ngoài ra, trồng xen thêm một số cây ăn quả khác như quýt, tắt…” - chị Thiên chia sẻ.
Để tiết kiệm chi phí, gia đình anh Đồng hạn chế thuê nhân công, tự tay chăm bón, mở rộng diện tích vườn cam. Thậm chí, để có thêm vốn, anh Đồng còn làm thương lái, thu mua cam của dân trong vùng rồi bán lại cho các đại lý, doanh nghiệp. Sau một thời gian vất vả, năm 2009, lứa cam đầu tiên cho thu hoạch với sản lượng hơn 1 tấn.
Để tiết kiệm chi phí, gia đình anh Đồng hạn chế thuê nhân công mà tự tay chăm bón, mở rộng diện tích
Thấy có tiềm năng và tin tưởng vào con đường đã lựa chọn, vợ chồng anh quyết định sử dụng các khoản lợi nhuận để mở rộng diện tích. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, “lấy công làm lãi”, sau 5 năm, anh Đồng có vườn cam với hơn 1.500 gốc. Khi lợi nhuận cao hơn, anh chị bắt đầu thuê nhân công. Vào mùa chính vụ, trang trại tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương.
Để có thêm kiến thức, anh Đồng tham gia các lớp đào tạo kỹ thuật được cơ quan nhà nước tổ chức ngay tại địa phương. Anh Đồng phấn khởi khoe: Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, anh đã mạnh dạn thay đổi cách làm truyền thống. Kết quả, đến nay, trang trại 3 ha của gia đình anh với 1.500 gốc cam, quýt cho sản lượng khoảng 20 tấn/năm, thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Ngoài ra, tiền thu từ vườn ươm cây giống đạt hơn 200 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, toàn bộ trang trại của gia đình đã được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, thực hiện sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Để quảng bá thương hiệu cam Khe Mây cũng như trang trại cam của mình, anh Đồng đã chủ động tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu, nhãn mác cho sản phẩm.
“Lấy chất lượng làm uy tín, tôi sẽ cố gắng để vị ngọt của cam Khe Mây ngày càng lan tỏa trên thị trường” - anh Đồng nói thêm.
Dương Chiến
http://baohatinh.vn