Xây dựng NTM ở vùng đặc biệt khó khăn: Những gam màu sáng, tối
- Thứ hai - 11/05/2015 20:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Điểm sáng về đích sớm
Hơn nửa thập niên trước, Sơn Kim 1 (Hương Sơn) còn là một xã biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thế nhưng, hiện tại, bộ mặt nông thôn nơi đây đã đổi thay hoàn toàn với hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, sinh kế ổn định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ngành nghề theo hướng tích cực, đời sống người dân ngày một ấm no, hạnh phúc. Được sự giúp đỡ của các cấp, ngành, sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cuối năm 2014, Sơn Kim 1 đã trở thành xã biên giới đầu tiên của cả nước thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Nhân dân xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) làm đường liên thôn ở xã.Ảnh: Đậu Bình |
Ông Trần Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Chúng tôi đã tập trung tối đa các nguồn lực, chủ động lồng ghép một cách phù hợp, hiệu quả, nhất là nguồn đầu tư từ Chương trình 135, nguồn hỗ trợ của chương trình NTM và sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, chúng tôi còn khuyến khích các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tích cực tham gia đóng góp kinh phí hoặc đứng ra thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế cũng như các dự án phát triển sản xuất. Đặc biệt, địa phương đẩy mạnh huy động nguồn lực trong nhân dân đạt 128 tỷ đồng góp phần hoàn thiện các tiêu chí quan trọng”.
Kỳ Trung (Kỳ Anh) cũng là xã miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn. Với xuất phát điểm thấp, hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, nhận thức và quyết tâm của cán bộ, nhân dân chưa cao nên sau khi “khởi động”, kết quả thực hiện NTM ở địa phương này không có nhiều khởi sắc. Đến giữa năm 2014, Kỳ Trung mới chỉ hoàn thành 5 tiêu chí.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Võ Xuân Hiển cho biết: “Chúng tôi xác định xây dựng NTM là cơ hội để đưa địa phương đi lên và muốn làm được điều đó thì phải có quyết tâm chính trị cao, đổi mới trong cách chỉ đạo và có bước đột phá mang tính chiến lược. Cụ thể hóa tinh thần đó, đội ngũ cán bộ cơ sở đã được sắp xếp lại; khơi dậy tiềm năng, lợi thế; huy động tối đa các nguồn lực; tranh thủ sự quan tâm và hỗ trợ của cấp trên. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nhận thức của người dân được nâng lên với tâm thế mới và quyết tâm cao. Nhờ vậy, cuối năm 2014, Kỳ Trung đã về đích một cách ấn tượng…”.
Trong khi các xã đã cán đích tiếp tục hoàn thiện và củng cố các tiêu chí, duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được, năm 2015, các địa phương như Thạch Văn (Thạch Hà), Ân Phú và Đức Lĩnh (Vũ Quang), Sơn Trung, Sơn Kim II (Hương Sơn)… cũng đang tập trung tăng tốc.
Hành trình gian nan
Không như các địa phương khác, Vũ Quang là huyện miền núi đang gặp khó khăn, vướng mắc trong công cuộc xây dựng NTM. Hiện nay, toàn huyện có 100% xã hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ huyện nghèo theo tinh thần Nghị quyết 30a và 11/12 xã hưởng chương trình 135 cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác. Nhưng do xuất phát điểm thấp, địa hình phức tạp, nguồn ngoại lực chưa được tận dụng nhiều, huy động nội lực còn hạn chế nên việc kiến thiết, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng luôn gặp khó khăn.
Nhiều tuyến đường liên xã ở các địa phương đang được hưởng Chương trình 135 chưa được hoàn thiện do nguồn hỗ trợ hạn chế, nguồn nội lực chưa được huy động |
Phó chánh Văn phòng NTM huyện Vũ Quang - Phạm Duy Đạt cho biết: “Bằng việc huy động nội lực và tận dụng các chính sách hỗ trợ đầu tư của cấp trên, những năm gần đây, các địa phương đã tập trung quyết liệt để thực hiện tiêu chí giao thông nhưng đến nay, toàn huyện mới chỉ hoàn thiện được 64/147 km đường trục xã, 56/115 km trục thôn, 40/101 km đường trục nội đồng đạt chuẩn. Vì vậy, lĩnh vực này tiếp tục cần nguồn kinh phí lớn, riêng đường trục xã phải trên 5 tỷ đồng/tuyến, trong khi nguồn thực hiện lại rất khó khăn. Do đó, tiêu chí về giao thông là một trong những bài toán khó đối với các xã trên địa bàn và là trở ngại không nhỏ trong việc cụ thể hóa mục tiêu đưa 9 xã về đích vào năm 2020”...
Tình trạng khó khăn trong việc hoàn thành tiêu chí giao thông nói riêng, nhóm tiêu chí về hạ tầng KT-XH nói chung vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hầu hết những xã khó khăn mà chúng tôi có dịp tìm hiểu đều trăn trở trước thực trạng hệ thống cơ sở vật chất văn hóa xuống cấp không có nguồn tu sửa, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ nhà ở dân cư đạt chuẩn thấp, môi trường sống chưa được cải thiện đáng kể. Riêng Vũ Quang, hiện có 54/79 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn về phần cứng nhưng chỉ mới có 24 nhà đạt chuẩn theo tiêu chí NTM; ở cấp xã thì chỉ mới có 1/12 nhà văn hóa đạt chuẩn; về nhà ở dân cư, mới có xã Hương Minh đạt chuẩn, còn các địa phương khác chỉ đạt từ 50-62%, trong khi yêu cầu phải trên 80%; khuôn viên vườn hộ khó chỉnh trang, bãi rác tập trung đã được quy hoạch 4 năm nhưng chưa có kinh phí thực hiện...
Việc cụ thể hóa các tiêu chí trong nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất hiện cũng là một trong những vấn đề đáng bàn trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở các xã đặc biệt khó khăn. Điều này được thể hiện khá rõ qua việc triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến còn chậm, tốc độ phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu cây - con, cơ cấu ngành nghề chưa cao. Nhiều nơi chưa định hướng được các loại sản phẩm chủ lực để tạo đột phá trong sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ bền vững. Các thông tin về khoa học kỹ thuật, thị trường, các định hướng phát triển chiến lược chưa được cung cấp đầy đủ nên còn lúng túng trong việc lựa chọn hướng đầu tư. Trong thực tiễn sản xuất, người dân ở các địa bàn khó khăn cũng chưa thực sự quan tâm đến việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chưa chú trọng đến cơ giới hóa nông nghiệp với việc đưa các loại máy móc hiện đại vào hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản. Do vậy, bức tranh kinh tế chưa thực sự có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống nhân dân còn thấp so với mặt bằng chung.
Nguồn: baohatinh.vn