Xây dựng cơ sở giết mổ tập trung (bài 2): Cần sự đồng bộ và lộ trình bền vững
- Thứ năm - 13/11/2014 20:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tạo sức hút cho lò mổ tập trung
Theo QĐ 30 của UBND tỉnh về “Quản lý giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh” thì tiêu chí xây dựng CSGM tập trung phải đạt công suất từ 30 - 500 con/ngày đêm. Thế nhưng, để “đón đầu” tương lai, hầu hết các chủ đầu tư đều lựa chọn “khung” đầu tư từ 70 con trở lên.
Ông Trần Xuân Khánh, chủ lò mổ Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) cho biết: “Chi phí đầu tư xây dựng CSGM gia súc, gia cầm có công suất 70 con/ngày đêm hết gần 1 tỷ đồng, trong đó, tỉnh hỗ trợ 350 triệu đồng. Với phạm vi phục vụ bao gồm các xã: Cẩm Lĩnh, Cẩm Nhượng, Cẩm Lộc và 1/2 xã Cẩm Trung. Nếu sản xuất phát triển, cơ sở chúng tôi vẫn được đáp ứng đủ lượng gia súc…”. Tuy nhiên, tính toán của ông chủ lò mổ là trên lý thuyết. Còn ở thời điểm hiện tại, cơ sở này chỉ hoạt động được khoảng 1/3 công suất thiết kế.
Con số định mức đạt 30-50% công suất là thực trạng chung của tất cả các CSGM tập trung trên địa bàn tỉnh ta. Tất nhiên, đó có thể là chiến lược kinh doanh lâu dài của chủ đầu tư, khi nền sản xuất phát triển phù hợp với nhận thức của người tiêu dùng. Hay như vào dịp lễ, tết, lò tập trung này có thể phục vụ gấp 2-3 lần so với bình thường. Hoặc, cũng có khi vì mức hỗ trợ của Nhà nước khá hấp dẫn nên các chủ lò “đánh liều” với khoản đầu tư của mình (?!)
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi con lợn vào CSGM tập trung sẽ mất khoảng vài ba chục nghìn đồng đến gần trăm nghìn đồng cho chi phí giết mổ. Nhiều tể lô cho rằng, điều này khiến cho không ít người “nấn ná” có nên vào hay không vì dù sao cũng thiệt một phần tiền lãi. Ông Trần Hữu Đường, chủ lò mổ Cẩm Bình cho biết: “Mỗi con lợn tôi thu 20.000 đồng, đây chỉ mới là tiền công đun nước sôi, củi. Người ta coi đây là tiền thuê nơi để giết mổ nên lâu nay cứ trao tay cho nhau thôi, không có biên lai gì cả”. Còn ở xã Đức Dũng, ngoài 20.000 đồng tiền lệ phí thì nếu tể lô không tự giết mổ được, chủ lò mổ sẽ thu thêm 50.000 đồng mỗi con để thuê người giết mổ. Việc xây dựng lò mổ tập trung không chỉ để kiểm soát công tác quản lý mà còn đưa lại những tính năng ưu việt: sạch sẽ, tiện lợi, chuyên nghiệp và giá thành thấp hơn.
Nên chăng, các địa phương có lộ trình xây dựng khung phí, lệ phí chuẩn cho các CSGM tập trung, vừa tránh thất thoát ngân sách, vừa công bằng cho cả chủ lò và chủ gia súc.
Tránh quản lý trên “ngọn”
Trở lại vấn đề trên, với hình thức kinh doanh kiểu cho thuê mặt bằng giết mổ như các chủ lò đang thực hiện thì vô hình trung cả cơ sở đầu tư tiền tỷ xây dựng cũng chỉ là khâu trung gian cho hoạt động giết mổ. Chủ lò chỉ kiểm tra hoạt động giết mổ đảm bảo đúng quy trình, hợp vệ sinh và lăn dấu trước khi ra chợ, còn nguồn gốc lợn từ đâu, hồ sơ kiểm soát dịch bệnh như thế nào thì cả chủ lò và thú y đều... lắc đầu “bó tay”!
Cán bộ thú y cơ sở kiểm soát ATVSTP chủ yếu bằng trực quan |
Ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho rằng: “Thường thì lợn đến lò sẽ được cán bộ thú y cặp nhiệt độ, nếu không sốt thì con lợn đó được coi là bình thường. Còn thực tế, nó có nguồn gốc ở đâu? Có giấy tiêm phòng hay không thì không thể biết được”. Nói cách khác, CSGM tập trung hiện nay mới chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát vệ sinh thú y mà không thể truy xuất nguồn gốc vì chưa xây dựng được hệ thống khép kín giết mổ, gắn trách nhiệm của chủ lò với mục tiêu chung là đảm bảo ATVSTP.
Trong khi đó, việc tổ chức, thực hiện kiểm soát giết mổ tại gia gặp một số khó khăn. Lực lượng thú y không thể kiểm soát tất cả các CSGM này vào lúc 3 - 5h sáng. Đó là chưa kể một số xã địa bàn rộng, nhiều hộ giết mổ nên khó thực hiện kiểm soát theo đúng quy trình. Điều đáng nói, một số hộ kinh doanh, giết mổ còn trốn tránh, thậm chí chống đối, gây khó khăn cho cán bộ thực thi nhiệm vụ... Có người đặt câu hỏi: liệu có thể tin chắc tất cả cán bộ thú y đều tâm huyết, trách nhiệm với đồng lương ít ỏi để bám trụ suốt đêm, kiểm tra tận gốc nguồn lợn trước khi đưa vào giết mổ?!
Thực tiễn vẫn diễn ra, mặc dù địa phương ra sức tuyên truyền, vận động, còn ngành nông nghiệp liên tục tăng cường thanh kiểm tra, xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ, song bằng cách này hay cách khác, lò mổ “chui” vẫn tồn tại. Như vậy, nếu 2 giải pháp về đẩy nhanh việc xây dựng CSGM tập trung và kiểm soát giết mổ không được thực hiện một cách đồng bộ thì mục tiêu đảm bảo ATVSTP và hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi sẽ chưa thể về đích.
Theo ông Phạm Thanh Bình, thời gian tới, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng CSGM theo yêu cầu; tiếp tục rà soát để xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y trên địa bàn, đồng thời, kiên quyết chấm dứt việc giết mổ trong hộ gia đình tại các địa phương đã xây dựng xong CSGM tập trung. Mặt khác, chỉ đạo ban quản lý các chợ xây dựng quy chế, nghiêm cấm việc kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y...
Hữu Trung - Nguyễn Oanh
baohatinh.vn