Xây dựng môi trường, con người văn hóa
- Thứ bảy - 25/10/2014 05:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vấn đề xây dựng môi trường văn hóa làng xã, cơ quan, cộng đồng, trong đó xây dựng con người mới có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực là vô cùng cần thiết. Bởi nguồn lực con người đóng vai trò chủ chốt trong quá trình phát triển và xây dựng môi trường văn hóa.
Trước đó, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư với những nội dung: đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo mối quan hệ gắn bó trong cộng đồng dân cư… đã thực sự minh chứng cho sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân bằng một không khí thi đua sôi nổi.
Văn hóa đọc - nét đẹp cần được gìn giữ. Ảnh Sỹ ngọ |
Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xây dựng nếp sống văn minh đô thị đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Việc tập trung xây dựng thiết chế, chú trọng đầu tư nguồn lực về vật chất và con người cho các hoạt động văn hóa - thể thao cơ sở đã tạo điều kiện cho nhân dân có nơi sinh hoạt, hội họp, học tập…
Đến nay, toàn tỉnh có 975 làng văn hóa (đạt 45,2%), 722 nhà văn hóa thôn, 501 hệ thống sân bãi thể thao thôn đạt chuẩn. Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ngày càng được phát triển bền vững theo hướng xã hội hóa, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân.
Cùng với xây dựng làng xã văn hóa, khu dân cư tiên tiến, kiểu mẫu, phong trào xây dựng cơ quan, công sở văn minh cũng được các đơn vị tích cực hưởng ứng. Theo đó, các đơn vị quán triệt nghiêm túc quy định, quy chế của cơ quan về giờ giấc, tác phong, lề lối làm việc; xây dựng mô hình giao dịch một cửa, cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, tạo môi trường thân thiện, văn minh trong mỗi cơ quan, đơn vị.
Nội lực của nhân dân đã giúp Tùng Ảnh trở thành một trong những điểm sáng về xây dựng nông thôn mới. |
Xây dựng môi trường làm việc, môi trường sống văn hóa thực chất là góp phần xây dựng, bồi dưỡng con người về trí tuệ, tâm hồn, năng lực, đạo đức, nhân cách, lối sống. Chính vì thế, vai trò của mỗi con người trong xây dựng văn hóa làng xã, cơ quan, cộng đồng vô cùng quan trọng. Góp gió thành bão, sự đồng thuận, ý thức của mỗi người dân trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng NTM đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của chính người dân và diện mạo mỗi làng quê.
Trong phong trào xây dựng NTM đã xuất hiện hàng ngàn tấm gương điển hình về hiến đất, tài sản trên đất, góp ngày công, tiền của. Tùng Ảnh (Đức Thọ) là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh phong trào xây dựng NTM. Hàng chục tỷ đồng từ những tấm lòng của con em xa quê hay những câu chuyện cảm động về tinh thần hiến đất mở đường làm GTNT của đôi vợ chồng già Võ Văn Đồng ở thôn Sơn Lễ (Hương Sơn) tình nguyện hiến 540m2; gia đình cụ Lê Mai hiến hơn 100m2 và chặt hạ 11 cây mít… cùng biết bao gia đình khác đã tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Qua 3 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, người dân Tùng Ảnh đã tự nguyện hiến 6.300m2 đất các loại.
Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương điển hình, vẫn còn tình trạng một số cán bộ, đảng viên có cách hành xử chưa thật sự gương mẫu. Đơn cử là câu chuyện của gia đình cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Thành, hiện đang sinh sống tại thôn Đông Châu, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên). Trong khi nhiều người dân ở Cẩm Bình sẵn sàng hiến đất, tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng để xây dựng đường giao thông, chỉnh trang bộ mặt nông thôn, đóng góp vào công cuộc xây dựng NTM thì gia đình cô Lý lại đứng ngoài cuộc. Vì cô không đồng ý hiến 25m2 đất nên đoạn đường rộng 7m của thôn Đông Châu vẫn chưa thể thông tuyến sau 10 năm xây dựng. Việc né tránh nghĩa vụ, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng của gia đình cô Lý đã thực sự gây bức xúc trong nhân dân. Và, thật khó chấp nhận hơn khi được biết gia đình này hiện đang lấn chiếm hàng trăm m2 đất công.
Các phong trào, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao trên địa bàn Khánh Lộc (Can Lộc) luôn diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. |
Cùng với sự thiếu gương mẫu của một số ít cá nhân là cán bộ, công chức nhà nước, thì sự thiếu minh bạch của một số cán bộ cơ sở cũng gây không ít bức xúc, làm sút giảm lòng tin của nhân dân. Đó là vị trưởng thôn bớt xi măng được cấp làm đường giao thông liên thôn để phục vụ lợi ích cá nhân, lấn chiếm đất trái phép, cắt chế độ khám sức khỏe miễn phí của những đối tượng ốm đau để người nhà hưởng lợi... Những việc làm sai trái của người đứng đầu đã ảnh hưởng đến các phong trào của cơ sở, làm rạn nứt tình làng nghĩa xóm, ảnh hưởng đến khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư và làm trì trệ sự phát triển của địa phương.
Chính vì thế, vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa làng xã, cơ quan, cộng đồng và xây dựng con người trong thời kỳ mới lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, văn hóa thể hiện trước hết thông qua chức năng xây dựng, bồi dưỡng nguồn lực con người. Văn hóa là điều kiện không thể thiếu để hoàn thiện con người, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.
Anh Thư
Nguồn: baohatinh.vn