Xây dựng nông thôn mới nhìn từ vai trò người đứng đầu
- Thứ tư - 23/07/2014 23:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chọn đúng việc, cách làm phù hợp
Tùng Ảnh là xã điểm về đích NTM sớm nhất ở Hà Tĩnh trong năm 2013. Đi lên từ một xã gặp khó khăn trong phát triển kinh tế do quỹ đất ít, nhận thức của cán bộ và nhân dân về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM còn mơ hồ. Song, xác định giá trị truyền thống là sức mạnh và điểm tựa của địa phương, các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã bàn bạc trong Ban Chấp hành, HĐND, UBND, MTTQ, các đoàn thể về bước đi, cách làm.
Mô hình trồng hoa của gia đình anh Nguyễn Huy Dương, thôn Châu Nội, xã Tùng Ảnh cho thu nhập 80-90 triệu đồng/năm |
Đối với người đứng đầu, bên cạnh sự gương mẫu, trách nhiệm, phải thể hiện được trí tuệ trong cách chọn việc để làm, chọn hướng để giải quyết. Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh đã xác định phương pháp, cách làm của địa phương là: đề ra chủ trương nhưng để nhân dân bàn bạc, quyết định cách làm, phát huy dân chủ; khơi dậy sức mạnh giá trị truyền thống, tấm lòng của con em xa quê; xây dựng kế hoạch sát đúng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; xác định nội dung công việc cụ thể, chọn cán bộ thôn có uy tín để thực hiện mẫu, sau đó thực hiện trên diện rộng. Đây là những điểm căn bản trong chỉ đạo, điều hành đưa xã Tùng Ảnh hoàn thành mục tiêu.
Dĩ nhiên, để có được điều đó, người đứng đầu phải xác định được trọng tâm, trọng điểm công việc. Các đồng chí đứng đầu đã xác định trọng tâm là tập trung vào việc nâng cao thu nhập cho người dân, tạo việc làm, tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng. Chọn đúng việc, cách làm phù hợp nên Tùng Ảnh đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, đa dạng hóa SXKD, vừa hình thành cánh đồng mẫu trên 20 ha, xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn, gà và phát triển dịch vụ. Đây là giải pháp nâng cao thu nhập đồng thời là cách giải quyết việc làm.
Về cơ sở hạ tầng, trong 3 năm thực hiện công cuộc xây dựng NTM, nhân dân Tùng Ảnh đã hiến gần 24.000m2 đất, huy động 6.320 ngày công, hàng ngàn mét tường rào, gần 2.000 cây có giá trị, tổng số tiền huy động gần 217 tỷ đồng, trong đó có hàng chục tỷ đồng của con em xa quê. Nhờ phát huy các giá trị tinh thần truyền thống cùng với tiếng nói của nhân dân được tôn trọng nên công cuộc xây dựng NTM đã về đích trọn vẹn. Không những thế, Tùng Ảnh còn tạo nên nét mới bằng việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần thể hiện trong thiết chế văn hóa được đầu tư, cảnh quan, môi trường được gìn giữ, đặc biệt là giúp đỡ những hộ khó khăn.
Ông Phan Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cái khó trong xây dựng NTM là làm sao chuyển biến được tư tưởng cán bộ, nhân dân trước một nhiệm vụ lớn; khó còn ở chỗ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Để giải quyết bài toán này, chúng tôi đã phát huy tối đa quyền của người dân trong bàn bạc các chủ trương, biện pháp, cách làm. 64/79 công trình cơ bản trên địa bàn do nhân dân tự bàn, tự quyết, tự làm là một kết quả khiến chúng tôi rất thỏa mãn”.
Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Cùng về đích NTM trong năm 2013, nhưng Cẩm Bình lại là xã hoàn thành mục tiêu trước 2 năm so với kế hoạch tỉnh giao (2015). Đi lên từ nền nông nghiệp, thu nhập của người dân thấp nhưng với niềm tin của một xã 4 lần nhận danh hiệu anh hùng của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân nơi đây đã quyết tâm phải về đích trong năm 2013. Đây thực sự là một thử thách không nhỏ đối với người đứng đầu khi khối lượng và tính chất công việc đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải đổi mới, trong đó bước căn bản là xác định việc ưu tiên, chọn cách làm phù hợp. Dĩ nhiên, đó còn là khả năng thu hút, thuyết phục của người lãnh đạo đối với các cá nhân, nhất là người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Theo vị “thuyền trưởng” của Đảng bộ, chính quyền nơi đây, vấn đề căn bản của Cẩm Bình là bài toán về sản xuất nông nghiệp và cơ sở vật chất hạ tầng. Để phát triển sản xuất, bước căn bản là thay đổi tư duy, trong đó mấu chốt là xác định sản phẩm chủ lực, tăng cường ứng dụng KH&CN, đẩy mạnh các khâu liên kết, phát triển thương mại nông thôn. Cẩm Bình đã dồn điền đổi thửa, hình thành các cánh đồng mẫu lớn theo mô hình liên kết “bốn nhà”, chuyển sản xuất từ nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp với 5-7 loại giống trên một cánh đồng sang sản xuất lúa hàng hóa với một loại giống, nâng năng suất lúa từ 47 tạ/ha lên 62 tạ/ha. Trong chăn nuôi, xã đã đa dạng hóa các loại giống, hình thành mô hình trang trại, gia trại với tổng đàn lợn 29.000 con, gia cầm 102.000 con. Chăn nuôi chiếm 69% tỷ trọng ngành nông nghiệp. Nhờ đa dạng hóa sản xuất, tạo nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa nên đến nay thu nhập của người dân đã đạt trên 27,9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,05%.
Cùng với phát triển sản xuất, hạ tầng giao thông là một gánh nặng mà xã phải tập trung giải quyết. 3 năm qua, Cẩm Bình đã nâng cấp, làm mới hơn 47 km đường bê tông trục chính xã, thôn, các ngõ xóm, 12,5 km đường bê tông nội đồng. Người đứng đầu đơn vị đã tạo được tiếng nói đồng lòng của hệ thống chính trị và người dân, khơi dậy nhiều phong trào trong các khu dân cư.
Để làm được khối lượng công việc này, ông Đặng Quốc Hải - Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho hay: “Làm GTNT tốn nhiều kinh phí trong khi sức dân có hạn nên căn bản là phải xác định được kế hoạch cụ thể từng năm, từng quý, từng tháng, từng địa bàn và phải linh hoạt trong việc huy động các nguồn lực”.
Vai trò của người đứng đầu thể hiện trong nhiều nội dung, song, suy đến cùng là khơi dậy sức mạnh của người dân, bởi người dân mới là chủ thể làm nên NTM. Với những điều kiện khác nhau ở từng địa phương, những người đứng đầu ở Tùng Ảnh và Cẩm Bình đã thuyết phục và truyền cảm hứng cho người khác để cùng chung tay thực hiện mục tiêu. Hy vọng, với những cách làm cụ thể đó, các đơn vị chưa về đích sẽ tìm được cách thức phù hợp với thực tế đơn vị mình để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Trung Dân
Nguồn: baohatinh.vn