Xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh

Xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh
Vấn đề xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh có ý nghĩa quan trọng khi tỉnh nhà bước vào thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế...

Phương hướng mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã chỉ rõ: “Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, gắn với đặc điểm văn hóa và con người Hà Tĩnh, phù hợp với điều kiện và kế hoạch phát triển kinh tế, VH-XH của tỉnh”.

Xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh
Lễ hội cầu ngư, chèo cạn ở Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) là một trong những nét văn hóa độc đáo được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ảnh: Hữu Trung

Trong lịch sử văn hiến Việt Nam, Hà Tĩnh nổi lên là vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Đất anh hùng, đất học, đất nhạc, đất thơ, đó là “căn cước”, là gương mặt riêng của Hà Tĩnh. Văn hóa Hà Tĩnh, con người Hà Tĩnh phải luôn là “nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu và động lực của sự phát triển” như tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII.

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Hà Tĩnh đã chú trọng xây dựng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Tĩnh chân thiện mỹ, nhân văn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Tinh thần yêu nước, truyền thống, cần cù sáng tạo, hiếu học của cha ông được phát huy, trở thành động lực để cấp ủy, chính quyền, và các tầng lớp nhân dân chung sức đồng lòng, phát huy sức lực, trí tuệ và xây dựng quê hương giàu đẹp.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được nhân dân hưởng ứng tích cực và ngày càng đi vào thực chất, tạo nên những đổi thay mạnh mẽ sau những lũy tre làng, làm cho khoảng cách nông thôn - thành thị, miền núi - miền xuôi được rút ngắn; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng lên; giao lưu, kết nối văn hóa rộng mở.

Xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh
Lễ hội đền Lê Khôi. Ảnh: Quang Vinh

Hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật được đẩy mạnh. Việc cưới, việc tang, lễ hội được chấn chỉnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cải cách hành chính gắn với văn hóa, văn minh công sở góp phần nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó là việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 35 của BTV Tỉnh ủy, Quyết định 33 của UBND tỉnh.

Các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư, xây dựng, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; ca trù được công nhận là di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Mộc bản Trường Lưu đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới. Mới đây nhất, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Khu di tích lịch sử TNXP Ngã ba Đồng Lộc là Di tích quốc gia đặc biệt.

Từ đầu năm 2015 đến nay, các hoạt động nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn ví, giặm, các hoạt động kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du diễn ra sôi nổi, rộng khắp trong toàn tỉnh, làm cho các giá trị văn hóa truyền thống được nhân lên, bản sắc văn hóa Hà Tĩnh thêm đậm đà. Các di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy gắn với các lễ hội như: lễ hội chùa Hương Tích, đền Bà Hải, lễ rước sắc phong vua Hàm Nghi, lễ hội cầu Ngư gắn với hò chèo cạn Cẩm Nhượng, lễ hội Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi... đã tạo nên một không khí văn hóa vừa mang đậm nét truyền thống, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại gắn với phát triển du lịch tâm linh, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Hà Tĩnh.

Xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh
Một trong những trang sách quý của Mộc bản Trường Lưu. Ảnh: A.H

Tuy vậy, thời gian qua, một số lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển chưa ngang tầm với kinh tế. Một số chỉ tiêu không đạt so với mục tiêu nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra liên quan đến môi trường văn hóa và chất lượng cuộc sống người dân đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội phải thấm nhuần hơn nữa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa Hà Tĩnh, con người Hà Tĩnh.

Cụ thể là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với điều kiện phát triển trong từng cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, gia đình, nhà trường gắn với các quy định của Trung ương, Chỉ thị 35, Kết luận 05; Chỉ thị 20 của BTV Tỉnh ủy, hương ước, quy ước làng xã; đề cao tinh thần tập thể, tăng cường thể lực, bồi dưỡng tâm hồn, tính cách, phẩm chất của con người Hà Tĩnh; xây dựng gia đình văn hóa, làng bản, thôn xóm, tổ dân phố văn hóa một cách bền vững; xây dựng văn hóa trong Đảng, văn hóa trong kinh tế, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đạo đức, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, nhân dân, thượng tôn pháp luật, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chú trọng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức học sinh, phát triển văn học nghệ thuật, thị trường văn hóa, khoa học công nghệ; đẩy mạnh hoạt động và quản lý báo chí, thông tin truyền thông, hoàn thiện hạ tầng thông tin phục vụ nhu cầu phát triển của người dân…

Xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh

Tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời chủ động hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ, cán bộ văn hóa ngày càng vững mạnh; tạo điều kiện để nâng cao sự hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đó cũng chính là nội dung cơ bản chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33 Trung ương (hội nghị TW9) khóa XI về xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp đã có, nhận thức đã rõ nhưng các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan, đơn vị, mỗi thôn xóm, mỗi gia đình cần phải có những việc làm cụ thể, thiết thực hơn nữa để “làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội” (*)

Theo Bùi Minh Huệ/baohatinh.vn

_______

(*) Nghị quyết Trung ương V khóa VIII