Xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép
- Chủ nhật - 25/08/2013 20:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ồ ạt lấn chiếm đất rừng
Sau khi rà soát, phát hiện nhiều diện tích rừng và đất lâm nghiệp đang bị người dân tự ý khoanh vùng phát quang lấn chiếm, trồng rừng, các đơn vị quản lý rừng lập biên bản, hồ sơ chuyển cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương liên quan xử lý. Gần 1 năm, các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương đã tiến hành xử phạt hành chính các đối tượng vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 164 triệu đồng. Đặc biệt, các cơ quan liên quan còn khởi tố hình sự 1 đối tượng ở xã Sơn Hồng (Hương Sơn) với hành vi xẻ phát rừng trái phép.
Một số hộ dân ở xã Hòa Hải (Hương Khê) vừa ngang nhiên lấn chiếm đất cao su của doanh nghiệp để trồng keo |
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Điển hình là việc 72 hộ tự ý lấn chiếm 93,3 ha đất rừng, đất lâm nghiệp, phát đốt thực bì và trồng cây trái phép trên đất rừng phòng hộ, đất quy hoạch trồng cây cao su tại các tiểu khu 314b, 315 thuộc địa phận xã Cẩm Mỹ và tiểu khu 311 thuộc xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên).
Ông Nguyễn Viết Ninh - Trưởng BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cho biết: Những diện tích rừng thuộc các tiểu khu trên bị các hộ dân lấn chiếm được phát hiện từ năm 2010 nhưng đến nay mới xử lý được vài trường hợp, do đó một số hộ dân lại tiếp tục tái lấn chiếm, gây khó khăn cho đơn vị trong công tác bảo vệ rừng, quản lý đất đai.
Tương tự, địa bàn huyện Kỳ Anh hiện có hơn 57 ha rừng, đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm trái phép rải rác tại các xã Kỳ Lạc, Kỳ Tây, Kỳ Văn, Kỳ Hoa, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Trung. Mặc dù tình trạng trên xẩy ra nhiều năm nay nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng mới xử lý được vài trường hợp vi phạm. Hiện tại, 17 trường hợp đang xây dựng hồ sơ và 14 trường hợp chuyển cho các địa phương cấp xã xử lý theo thẩm quyền.
Theo ông Võ Xuân Sơn - Trưởng BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, hàng năm, đơn vị đều rà soát, phát hiện kịp thời, lập biên bản các trường hợp vi phạm về xẻ phát, lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình lập biên bản hiện trường gặp rất nhiều khó khăn. Cơ quan chức năng vừa xuất hiện, các đối tượng vi phạm đã bỏ trốn vào rừng hoặc khai nhận là người làm thuê nên không biết gì. Đặc biệt, có nhiều trường hợp lấy lý do không biết chữ, không chịu ký vào biên bản vi phạm… Do đó, việc thụ lý hồ sơ chậm, tính pháp lý không cao, đồng thời cách xử lý của một số địa phương còn nửa vời nên chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, công tác tuyên truyền ở đây còn hạn chế, một số người dân cứ nghĩ nộp phạt xong lại được vào rừng xẻ phát, lấn chiếm... Nguy hiểm hơn, những diện tích rừng chuẩn bị giao khoán cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng thì nhiều đối tượng biết trước ồ ạt kéo nhau lên trồng cây để chờ đền bù...
Phải kiên quyết xử lý
Từ thực trạng trên cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng của các chủ rừng trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả, diện tích rừng tiếp tục bị lấn chiếm để trồng các loại cây công nghiệp dài ngày. Một số tổ chức, cá nhân đã thực hiện mua bán, sang nhượng bất hợp pháp dưới nhiều hình thức nên xẩy ra tình trạng tranh chấp, khiếu kiện... tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Các lực lượng chức năng diễn tập phòng chống cháy rừng. |
Ông Hán Duy Anh - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp cho rằng: Để xử lý, dứt điểm tình trạng xẻ phát, lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, trước hết, các đơn vị liên quan (chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, đơn vị quản lý rừng) cần phối hợp chặt chẽ, làm rõ hành vi và kiên quyết xử lý đối tượng vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân. Những diện tích đất rừng đã được xử lý, thu hồi nên xem xét sớm giao khoán cho các hộ dân có nhu cầu phát triển trồng rừng. Còn theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, nếu không áp dụng những biện pháp mạnh thì rất khó giải quyết triệt để các điểm lấn chiếm đất rừng, rừng và tránh nguy cơ tái lấn chiếm những diện tích này...
Để công tác quản lý và bảo vệ rừng thật sự hiệu quả, đồng thời hạn chế việc nẩy sinh tình trạng tranh chấp, khiếu kiện về đất rừng trước mắt và lâu dài, việc xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp đang tồn tại ở các địa phương theo quy định của pháp luật là hết sức quan trọng.
HỮU TRUNG
baohatinh.vn