Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao

Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao
Nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mà nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao.

 

Ảnh minh họa

Theo kết quả tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các huyện, thị xã, tính tháng 2/2015, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi sau dồn điền đổi thửa trên địa bàn Hà Nội là 62.032,6 ha.

Cụ thể, diện tích chuyển đổi sang trồng rau an toàn là hơn 4,2 nghìn ha, cây ăn quả hơn 6,7 nghìn ha, chăn nuôi thủy sản hơn 9 nghìn ha, sản xuất lúa chất lượng cao hơn 32 nghìn ha….

Nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mà nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao như: mô hình hoa, cây cảnh ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Thạch Thất, Thường Tín… với giá trị 0,5-1,5 tỷ/ha/năm, thậm chí lên đến 2,5-3 tỷ/ha; mô hình cây ăn quả ở một số xã thuộc huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức… với giá trị là 0,5-1,5 tỷ/ha/năm; mô hình chăn nuôi xa khu dân cư như ở một số xã thuộc các huyện: Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai, Đông Anh… Mô hình RAT ở Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Phúc Thọ, Gia Lâm…

Đặc biệt, huyện Phúc Thọ đã thử nghiệm thành công mô hình trồng su hào an toàn trái vụ, huyện Phú Xuyên thử nghiệm thành công mô hình măng tây… đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả quan trọng. Cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp.

Ngoài ra, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa công nghệ cao, cơ giới vào sản xuất cũng được đẩy mạnh. Dồn điền đổi thửa được coi là khâu đột phá và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Bước đầu đã hình thành và mở rộng các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như: các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa, cây cảnh, vùng chăn nuôi xa khu dân cư…

Cùng với sự phát triển của sản xuất, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác mới được hình thành đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Hiện nay, nhất là sau dồn điền đổi thửa đã hình thành và mở rộng các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như các vùng sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh, các vùng nuôi trồng thủy sản…

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; triển khai thực hiện tốt các mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn; phát triển chăn nuôi theo xã, vùng trọng điểm cũng được thực hiện tốt…

Với việc hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đã tạo cơ sở để xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu của nhân dân. Một số sản phẩm đã tiếp cận được thị trường rộng rãi trong nước và hướng tới xuất khẩu như: lúa chất lượng cao, sữa tươi, quả đặc sản, rau an toàn, hoa cây cảnh… tạo niềm tin yên tâm cho người sản xuất và tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vẫn còn chậm, chưa vững chắc, chất lượng sản phẩm còn hạn chế, chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh qui mô lớn. Công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa của cán bộ một số xã, thôn còn hạn chế, cán bộ còn ngại khó, ngại khổ. Nhân dân chưa thấy hết ích lợi của công tác dồn điền đổi thửa, do đó hiệu quả thực hiện ở một số nơi còn chưa đảm bảo kế hoạch đề ra.

Vì vậy, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp. Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực quản lý, điều hành chuyên môn của các đơn vị liên quan; hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia sản xuất đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Ngoài ra, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, bổ sung sửa đổi các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng nông thôn mới theo hướng đơn giản, dễ thực hiện và tăng cường phân cấp thực hiện cho huyện và xã.

Tú Mai

Theo baodientu.chinhphu.vn