Xuống đồng ngày đầu năm mới
- Thứ hai - 01/01/2018 02:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chỉ còn một sào nữa, gia đình anh Hoàng Minh Sơn (thôn Đại Thành, xã Đức Long, huyện Đức Thọ) sẽ hoàn tất công việc làm đất của mình. “Vụ xuân là vụ lúa chính nhất trong năm, phải chú trọng ngay từ khâu làm đất, cày ải càng kỹ thì lúa mới tốt. Năm nay tôi làm 1 mẫu, hôm nay nữa là xong làm đất, độ 1 tuần nữa là có thể gieo được giống được”, anh cho biết.
Máy cày rộn rã trong ngày đầu năm mới ở Đức Thọ
Sau những ngày mưa kéo dài, cánh đồng thôn 3, Đức Thịnh (Đức Thọ) vốn đã sâu trũng nay lại càng lầy bùn. Người dân ở đây phải thuê cả những chiếc máy cày có công suất lớn mới có thể cày tơi đất được. Anh Lê Văn Minh cho hay: “Mưa dài ngày, nước sình trong ruộng nên rất khó làm đất. Năm nay tôi làm 6 sào, mạ đã bắc từ tuần trước, thế nên trời hửng nắng là phải cho máy xuống cày lại để còn kịp cấy lúa”.
Đây là khung thời vụ xuống giống của các trà lúa thuộc xuân trung (Xi 23, NX30) và nhóm giống đầu xuân muộn (P6). Năm nay, thời tiết đầu vụ rét hơn năm trước, do vậy mà bà con đã chủ động che phủ ni lông tránh rét cho mạ.
Ông Bùi Công Hoan, Xuân Lĩnh, Nghi Xuân cho biết: “Không chỉ rét mà còn tránh được mưa, chuột phá hại cho mạ non nữa. Gieo mạ che phủ ni lông đã trở thành tập quán đối với người nông dân sản xuất trong vụ lúa xuân. Cứ vài ngày ra kiểm tra một lần, gần như mạ không bị ảnh hưởng gì bởi tác động thời tiết bên ngoài cả”.
Bắc mạ phủ ni lông đã trở thành tập quán của nông dân Hà Tĩnh trong vụ lúa xuân
Theo người dân, chịu chi phí một chút từ đầu vụ nhưng sẽ không còn phải thấp thỏm lo thiếu mạ, mạ chết rét như ngày trước. Đã vậy, cây mạ phát triển tốt hơn, đồng đều hơn cho vụ cấy sắp tới.
Các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh dù bắt đầu sau nhưng không khí ra quân đã sẵn sàng từ nhiều tuần trước. Ở các địa phương, phong trào làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, đắp bờ, làm vệ sinh đồng ruộng đã được bà con nông dân chủ động chuẩn bị cho vụ lúa quan trọng nhất trong năm. Ở các địa phương gieo thẳng này thì phương châm vẫn là “lấy nước điều hành thời vụ”, nước về đến đâu làm đất tới đó, làm đất đến đâu gieo cấy tới đó đã là bài học thắng lợi cho nhiều vụ lúa của những “vựa lúa” phía Nam này.
Công nhân Công ty TNHHMTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh ra quân làm thủy lợi nội đồng trên các tuyến kênh ở Hương Khê
Đồng hành với nhà nông, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh ra quân làm thủy lợi khá sớm. Từ công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ, Sông Rác, Sông Trí đến các công trình ở Hương Khê, tất cả các tuyến kênh đều được nạo vét, thu dọn rác thải, xủi cỏ, chặt cây đến đổ đất, đổ bê tông gia cố, sửa chữa các công trình bị hư hỏng từ nhiều tháng trước khi vụ sản xuất bắt đầu. Tổng lực lượng huy động lên đến trên 5000 ngày công, đào đắp hàng chục nghìn khối đất, chặt cây, xủi cỏ gần 300.000 m2 mái, các đáy kênh.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho hay: “Năm 2017, Hà Tĩnh liên tiếp chịu ảnh hưởng của mưa bão, làm nhiều hệ thống công trình thủy lợi bị hư hỏng, nhiều tuyến kênh sạt lở, bồi đắp, tác động không nhỏ đến công tác tưới tiêu, phục vụ sản xuất. Bên cạnh bố trí nguồn vốn nâng cấp, sữa chữa các công trình, hạng mục thì công ty phát động ra quân làm thủy lợi từ rất sớm, đồng thời giao trách nhiệm cho từng cụm, công trình coi công tác nạo vét, làm vệ sinh kênh mương là nhiệm vụ thường xuyên”.
Vụ sản xuất mới đã bắt đầu. Dù vất vả nhưng trên những gương mặt thấm đẫm mồ hôi vẫn không vắng đi tiếng cười, lời hỏi thăm và cùng chúc một năm mới tốt lành.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn