1 triệu tỷ đồng để 50% số xã đạt nông thôn mới
- Chủ nhật - 01/11/2015 01:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Để làm rõ hơn con số trên, PV Dân Việt đã phỏng vấn ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT.
Hạ tầng nông thôn phát triển nhảy vọt
Để dễ hình dung, Thứ trưởng có thể cho biết những nét khái quát mà chương trình đã thực hiện được trong 5 năm qua?
Nông dân huyện Hải Hậu (Nam Định) góp sức làm đường giao thông nội đồng, giúp bộ mặt làng quê khang trang hơn. Ảnh: Đình Huệ
- Theo thống kê của chúng tôi, hiện cả nước đã có 1.132/8.935 xã đạt chuẩn NTM, đạt 12,7% và 9 huyện, thị xã đã đạt chuẩn NTM. Xét về mức độ bình quân, trong 5 năm qua, các xã đã tăng thêm 6,9 tiêu chí, đạt trung bình 11,56 tiêu chí/xã. Đặc biệt, trước đây chúng ta có 82% số xã dưới 5 tiêu chí thì bây giờ chỉ còn 6,7%.
Có thể nói, thời gian đầu triển khai còn khá bỡ ngỡ, chương trình lại được thực hiện vào đúng thời kỳ kinh tế thế giới suy thoái, vì vậy ngân sách nhà nước hỗ trợ không đạt được kế hoạch ban đầu. Rất nhiều doanh nghiệp cũng đình đốn, các nguồn huy động khác cũng gặp khó khăn nên kết quả như thế cũng là một kỳ tích.
Tuy nhiên, cái được lớn nhất của chương trình, đó là nhận thức của người dân và cán bộ cơ sở có chuyển biến rất rõ rệt theo hướng tích cực. Từ chỗ họ không tin tưởng, ỷ lại vào việc đầu tư của Nhà nước thì dần dần họ đã hiểu được xây dựng NTM phải do chính họ tự quyết và phục vụ đời sống dân sinh cho chính cộng đồng…
Như Thứ trưởng nói, mặc dù Chương trình xây dựng NTM được triển khai vào đúng thời điểm kinh tế suy thoái, song nhìn một cách tổng thể, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi đã có sự thay đổi đáng kể. Là cơ quan trực tiếp thực hiện chương trình này, Thứ trưởng có lạc quan về sự thay đổi đó?
- Đúng là tuy kinh tế trong 5 năm qua có gặp nhiều khó khăn, song cả nước vẫn huy động được tổng nguồn vốn để xây dựng NTM lên đến 851.874 tỷ đồng, trong đó phần đóng góp ngoài ngân sách chiếm tới 63% - chủ yếu là từ nguồn người dân đóng góp trực tiếp và tín dụng. Người dân đồng thuận rất cao và tích cực hưởng ứng mới có được kết quả như vậy.
NTM đã trở thành hiện thực, được cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình hưởng ứng, được các cấp ủy Đảng đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội Đảng các cấp. Chương trình ngày càng thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp dân cư, qua đó đã phát huy được nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng NTM.
Đến nay, xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Đặc biệt, hạ tầng nông thôn có bước phát triển nhảy vọt, nhất là giao thông nông thôn, nó làm cho bộ mặt làng quê khang trang, thay đổi rõ nét. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp đã được chú trọng, rất nhiều mô hình phát triển theo hướng coi trọng lợi thế, hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Cả nước có hơn 20.000 mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả và tăng hiệu quả từ 15-20%. Cũng vì thế, thu nhập của cư dân nông thôn tăng gấp 1,9 lần so với thời điểm 2010.
Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta không nên nhìn ở con số 1.100 hay 1.500 xã đạt tiêu chí NTM, mà cần phải xem chất lượng các xã NTM đó như thế nào. Theo Thứ trưởng, hiện nay vấn đề gì là khó khăn nhất trong thực hiện các tiêu chí NTM?
- Có thể thấy hạn chế nổi bật nhất trong xây dựng NTM cho đến nay, đó là môi trường cảnh quan nông thôn. Một trong những đặc trưng của NTM mà chúng ta hướng đến, đó là phải có một nông thôn có môi trường xanh, sạch, đẹp, nhưng cho đến nay môi trường nông thôn vẫn còn rất nhiều tồn tại, rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, rồi một số nơi chất thải công nghiệp nguy hại xả thải trực tiếp vào nguồn nước… Vấn đề này đang gây nhiều bức xúc, nó không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe con người mà còn đe dọa nền nông nghiệp sạch.
Khó đạt mục tiêu 20% xã NTM trong năm nay
Theo mục tiêu chương trình thì đến cuối năm nay sẽ có 20% số xã đạt chuẩn NTM, nhưng đến thời điểm này cả nước mới đạt 12,7%. Như vậy, có thể thấy mục tiêu trên sẽ không đạt được. Thứ trưởng nhận định như thế nào?
- Thực ra những tiêu chí, con số chỉ là những mốc mà chúng ta đề ra để nỗ lực phấn đấu, còn mục tiêu cuối cùng của chúng ta là nâng cao nhanh hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân sinh sống ở các vùng nông thôn. Thời gian vừa qua, chúng ta đã rất cố gắng và nhân dân cũng đã tham gia, đóng góp rất nhiều công sức để có được những kết quả đáng ghi nhận.
Ngoài 1.132 xã đạt chuẩn, hiện cũng có khoảng 400 xã đã đạt 17 tiêu chí trở lên, số tiêu chí còn lại cũng đã đạt 70-80%. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, chỉ những xã có quyết tâm phấn đấu nỗ lực thì trong vòng 2 tháng nữa mới có thể về đích. Nếu số xã đó về đích thì khả năng đến cuối năm chúng ta cũng chỉ đạt được 1.500 xã, tức là 16,8%, rất khó đạt 20%.
Còn mục tiêu đến năm 2020 có đạt 50% số xã về đích hay không thì còn phải phụ thuộc vào sự quyết tâm “chung sức xây dựng NTM” của người dân nông thôn, cộng đồng xã hội và huy động nguồn lực đầu tư. Về chủ trương, cũng như các tiêu chí xây dựng NTM cơ bản đã hoàn chỉnh và chỉ cần có thêm nguồn lực là các địa phương hoàn toàn có thể thực hiện được. Quan trọng là cần xác định quan điểm đầu tư thế nào để các xã về đích không có khoảng cách quá xa so với các xã có tiêu chí đạt thấp.
Về nguồn lực, tổng mức vốn đầu tư của chương trình dự kiến khoảng 1.000.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách T.Ư hỗ trợ trực tiếp cho chương trình 120.000 tỷ đồng; lồng ghép với các chương trình, dự án khác: 80.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 130.000 tỷ đồng; huy động các nguồn lực khác: 670.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, nếu nguồn lực theo thông báo của Bộ Kế hoạch Đầu tư là 5 năm tới có thể huy động được 40.000 tỷ cho NTM, thì chúng tôi tính toán chỉ có thể đạt được 30% số xã về đích và không còn những xã dưới 5 tiêu chí. Còn nếu muốn đạt 50% số xã về đích và không còn số xã dưới 5 tiêu chí thì trong 5 năm tới, ít nhất cũng cần 120.000 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách. Điều này phụ thuộc vào quyết sách của Quốc hội kỳ họp thứ 10 này.
Từ những xã NTM mà Việt Nam đã đạt được, Thứ trưởng thấy câu chuyện về NTM ở nước ta so với các nước đi trước như thế nào?
" Chúng ta cũng thấy sự phát triển không đều giữa các vùng. Lấy đơn cử về số xã đạt chuẩn NTM thì miền núi phía Bắc mới đạt tỷ lệ 5,2% số xã, vùng duyên hải Nam Trung Bộ đạt 7,5%, Tây Nguyên đạt 8,3%, đồng bằng sông Cửu Long 11,2%, đồng bằng sông Hồng 22,2%, Đông Nam Bộ 32,1%. Như vậy, chênh lệch giữa các vùng khá rõ nét” .
|
- Chúng ta đã nghiên cứu kinh nghiệm từ một số nước là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia trong xây dựng NTM. Đây là những nước đã có thành công trong phát triển nông thôn.
Qua nghiên cứu, có thể thấy rằng tất cả những nước khi bị khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc phát triển công nghiệp, đô thị hóa quá ngưỡng, mất cân bằng lớn đối với phát triển nông thôn thì sẽ dẫn đến bất ổn xã hội. Sau đó họ đều phải quay lại phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thứ hai, khi phát triển nông thôn họ đều lấy phát triển hạ tầng làm khâu đột phá; phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; chú ý đến môi trường và văn hóa nông thôn; giao quyền tự quyết cho cộng đồng. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí phát triển nông thôn mà chủ yếu là giúp phát triển hạ tầng. Đó là kinh nghiệm của các nước phát triển nông thôn thành công gần chúng ta.
Do vậy, chúng ta đề xuất, thiết kế một chương trình nông thôn vừa kết hợp kinh nghiệm của các nước, đồng thời cũng phải chắt lọc được từ những kinh nghiệm và kết quả đạt được trong phát triển nông thôn của nước ta. Đây đang được coi là cuộc cách mạnh ở nông thôn Việt Nam. Tôi nghĩ mô hình này không chỉ tồn tại đến năm 2020 mà còn có thể được áp dụng đến 2030 và những năm tiếp theo.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo danviet.vn