4 nhóm giải pháp cần làm đến năm 2020

4 nhóm giải pháp cần làm đến năm 2020
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, có 4 nhóm giải pháp Trung ương đang tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.
 
1093139505
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đại biểu 63 tỉnh, TP tham quan thực tế một số điểm xây dựng NTM ở Hà Tĩnh

Để giải quyết những nút thắt, bất cập trong việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2015, tại Hội nghị toàn quốc văn phòng điều phối NTM các cấp năm 2017, được tổ chức tại Hà Tĩnh từ ngày 14 - 15/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, có 4 nhóm giải pháp Trung ương đang tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.
 

Dấu ấn nơi “chảo lửa, túi mưa”

UĐược đánh giá là tỉnh có nhiều cách làm hay, sáng tạo, tại hội nghị ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, hơn 6 năm qua Hà Tĩnh xác định cốt lõi xây dựng NTM là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Vì thế, ngay từ năm 2012 tỉnh đã quy hoạch xây dựng sản phẩm chủ lực, sau đó khi Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM thì Hà Tĩnh bắt đầu phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 yếu tố cần gồm: doanh nghiệp, KHCN và HTX, tổ hợp tác.

“Đến nay Hà Tĩnh đã có những sản phẩm hình thành theo định hướng trên như: cây ăn quả, chăn nuôi bò, lợn, hươu, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Vì thế, những năm tới Hà Tĩnh sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực tối đa để hỗ trợ các địa phương, người dân thực hiện Chương trình”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lê Đình Sơn, dù là tỉnh được ví như “chảo lửa, túi mưa” nhưng phong trào NTM đã thực sự ăn sâu vào tiềm thức của mỗi một người dân Hà Tĩnh. Sau khi hình thành tiêu chí 20 về khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu và ban hành bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, trong thời gian ngắn toàn tỉnh có đến 1.200 thôn; 1.300 vườn mẫu đạt chuẩn.

Theo Bí thư Hà Tĩnh, xây dựng NTM là một “cuộc cách mạng” vì thế phải làm kiên trì và quan trọng nhất là tạo được ý thức tự giác của dân. Kinh nghiệm Hà Tĩnh rút ra được, tiếp theo là sự vào cuộc của cán bộ quyết định thành - bại của Chương trình, ở đâu cán bộ làm NTM từ cái tâm, trái tim mình thì ở đó phong trào sẽ lên. Yếu tố nữa là phát huy tối đa quyền dân chủ cơ sở. Ban hành cơ chế chính sách kịp thời. Kiểm tra, nhắc nhở cơ sở thường xuyên.
 

Phổ biến mô hình vườn mẫu trên toàn quốc

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, đề xuất của các địa phương, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Xây dựng NTM là chương trình hành động cụ thể, tổng hợp, đầy đủ nhằm thể chế hóa thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

2093147164
Ảnh: Thanh Nga

Giai đoạn 1 (2011 - 2015) xây dựng NTM trở thành phong trào sâu rộng, ý nghĩa và hết sức thiết thực. Những năm gần đây chưa có chương trình nào đi vào cuộc sống như vậy. Trong một thời gian ngắn, cả nước huy động được gần 900 nghìn tỷ; hoàn thiện một phần lớn các thiết chế hạ tầng; giao thông, công trình thủy lợi tăng gấp 10 lần giai đoạn 2005 - 2010; hơn 20 nghìn mô hình ở các quy mô khác nhau “sống” được, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

“Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn có nhiều nút thắt, bất cập đặt ra như: Phát triển vùng miền không đồng đều; 19 nhóm tiêu chí đưa ra nhưng áp dụng vào nhiều vùng không phù hợp, đặc biệt là nhóm tiêu chí cứng như đường, trường, trạm, chợ...; công tác chỉ đạo đến phân bổ nguồn lực đang tập trung nhiều vào cơ chế hạ tầng mà chưa chú trọng đổi mới sản xuất, thay đổi tư duy, môi trường sống, môi tường sản xuất; một số nơi chạy theo tiến độ dẫn đến nợ nhiều...”, Bộ trưởng nói.

Để giải quyết bài toán trên, theo Bộ trưởng có 4 nhóm giải pháp giai đoạn 2016 - 2020 tập trung thực hiện gồm: Tăng tiềm lực đầu tư kinh tế cho khu vực nông thôn bằng cả nguồn xã hội và nguồn ngân sách, riêng ngân sách Trung ương giai đoạn này sẽ đầu tư 63 nghìn tỷ đồng; ưu tiên cao nhất cho những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Thứ hai, chỉnh sửa bộ tiêu chí sao cho phát triển hạ tầng phù hợp điều kiện phát triển KTXH, cũng như nhu cầu văn hóa từng vùng miền. Theo đó, năm 2016, Thủ tướng ban hành bộ tiêu chí mới, trong đó, tập trung nhiều hơn vào việc tổ chức thúc đẩy sản xuất, môi trường, an ninh trật tự, duy trì bản sắc văn hóa..., còn lại thiết chế hạ tầng khác như đường, chợ, công trình thủy lợi... thì giao cho Chủ tịch tỉnh linh hoạt, tùy điều kiện địa phương để quy định cụ thể.

Nhóm thứ ba, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và thứ tư là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh: “Qua xem xét, đánh giá mô hình mỗi làng một sản phẩm OCOP ở tỉnh Quảng Ninh và vườn mẫu gắn với khu dân cư kiểu mẫu ở Hà Tĩnh, Trung ương nhận thấy đây là những mô hình rất sáng tạo, phù hợp. Vì thế, Trung ương quyết định sẽ phổ biến 2 mô hình này trên toàn quốc”.

+ Ông Lê Thiết Cương, Phó CVP thường trực Văn phòng điều phối NTM Hà Nội:

4093201358
 

"Hiện Hà Nội đang thực hiện xây dựng NTM theo Quyết định 1980 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quyết định này có nêu: “Hướng đến xây dựng xã NTM kiểu mẫu”, nhưng hiện nay chưa có bộ khung chuẩn nào là xã kiểu mẫu. Kiến nghị Trung ương ban hành một bộ khung chung, có thể triển khai theo hai hướng như Hà Nội đang làm là: xây dựng xã NTM kiểu mẫu gắn với phát triển công nghiệp đô thị hoặc xã NTM kiểu mẫu thuần nông".

+ Ông Phạm Minh Chiến, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, Nam Định:

5093210134
 

"Hải Hậu đang thực hiện mô hình gia đình NTM và xóm NTM. Gia đình NTM phải đạt chuẩn 8 tiêu chí, ví dụ như nhà cửa xây dựng kiên cố, sạch đẹp; có 3 công trình vệ sinh; con cái được học hành, mua thẻ BHYT đầy đủ...

Đối với xóm NTM, phải hoàn thành 11 tiêu chí như đạt xóm văn hóa theo quy định, có nhà văn hóa xóm, đường nông thôn xe ô tô đi được, có điện thắp sáng đường làng và có trên 90% gia đình đạt gia đình NTM".

 Theo Thanh Nga/nongnghiep.vn