Bản mới Nà Cà sang trang mới

Bản mới Nà Cà (thuộc xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) giờ đây trông như một thị trấn thu nhỏ giữa vùng rừng núi hoang vu. Những ngôi nhà cao tầng khang trang, những con đường bê tông trải dài có hệ thống đèn chiếu sáng... Nà Cà thực sự đã “thay da đổi thịt” từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chúng tôi đặt chân đến bản Nà Cà vào một buổi sáng mùa đông 2016, trời mưa nhưng con đường lên bản không hề lầy lội hay trơn trượt, bởi toàn bộ hệ thống đường ở đây đều được đổ bê tông chắc chắn.

Đường mới, nhà mới, con người mới!

 ban moi na ca sang trang moi hinh anh 1

 Tất cả trẻ em ở bản Nà Cà đã được đến trường. Ảnh: L.T

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở bản Nà Cà, nhờ có sự đồng lòng, chung sức của người dân mà những khó khăn được giải quyết dễ dàng. Người có tiền thì góp tiền, người không có tiền thì đóng góp ngày công làm đường, nhiều hộ dân còn sẵn sàng hiến đất ở để mở rộng đường vào bản. Giờ đây, bản mới Nà Cà đúng với tên gọi của nó, mới từ cơ sở vật chất đến con người, bà con ai cũng phấn khởi phát triển kinh tế...”. 

Ông Vĩ Văn Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND xã Phong Dụ

 

 

Bản Nà Cà từng là một trong những thôn  bản đặc biệt khó khăn của xã Phong Dụ. Dân cư sinh sống ở đây chủ yếu là người dân tộc Dao, ngoài ra còn có người Sán Chỉ và người Kinh. Trước năm 2014, người dân bản Nà Cà sinh sống trên các sườn núi cao với điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Những ngôi nhà được xây tạm bợ bằng lá cọ, tấm tre và bùn đất. Toàn bản không có hệ thống điện, các hộ không có nhà tắm, nhà vệ sinh, nguồn nước sinh hoạt được dẫn về từ các khe suối ở trên núi qua các máng tre thô sơ. Chuyện giáo dục, y tế, kế hoạch hóa gia đình còn nhiều bất cập, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào lúa, ngô, bữa đói bữa no không phải hiếm.

Tháng 10.2014, bản mới Nà Cà được triển khai xây dựng từ sự kiện di chuyển 27 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao gần đó về nơi ở mới với địa hình bằng phẳng hơn. Tính đến đầu năm 2015, có tới 65 hộ dân ở Nà Cà được chuyển đến nơi ở mới. Với số vốn đầu tư 6,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 3 tỷ đồng và nguồn từ xã hội hóa 3,6 tỷ đồng, người dân bản bản Nà Cà đã san bằng gần 0,4ha, mở 1,6km đường vào bản mới. Sau khi mỗi hộ được chia 400m2 đất và được hỗ trợ 25 triệu đồng, người dân đã từng bước xây dựng nhà ở mới, bắt đầu ổn định cuộc sống.

Sau khoảng 2 năm, đến nay, bản mới Nà Cà gần như hoàn toàn “thay da đổi thịt”. 100% các hộ gia đình đều có nhà ở được xây bằng bê tông, cốt thép chắc chắn. Có những gia đình xây nhà cao tầng nhờ được vay vốn lãi suất thấp của ngân hàng. Đường giao thông của bản được đổ bê tông, đi lại thuận tiện. Các con đường ở bản đều lắp đèn chiếu sáng vào buổi tối. Giờ đây, bà con không cần phải lên khe suối lấy nước bằng  hệ thống ống dẫn về từng hộ như trước, nhiều gia đình có hệ thống bể chứa nước dự trữ. Đây chính là điều kiện thuận lợi để tất cả các hộ dân trong bản có nhà tắm, nhà vệ sinh khép kín. 100% con em trong bản được đến trường góp phần xóa bỏ nạn mù chữ.  100% hộ dân có tivi giúp cho người dân tiếp thu nhanh thông tin, 90% hộ dân có xe máy đi lại thuận tiện hơn. Số hộ nghèo giảm từ 48 hộ (2013) xuống còn 6 hộ (2015). Bản có 1 nhà văn hóa, 1 trường mầm non, tiểu học, trong thời gian tới địa phương sẽ triển khai dự án xây dựng thêm 1 trường mầm non. An ninh trật tự được đảm bảo, toàn bản không xảy ra các tệ nạn xã hội. Giờ đây, 100% số hộ dân của bản đã thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình...

Giờ đây, người dân ở bản mới đã xóa bỏ được thói quen xây dựng chuồng trại sát nhà ở. Những hộ có trang trại, gia trại thì xây hầm biogas. Cứ vào ngày cuối tuần, người dân trong bản lại  tiến hành tổng vệ sinh, đốt rác bằng lò xử lí rác, môi trường được cải thiện, không bị ô nhiễm. Người dân tộc thiểu số nơi đây đã bỏ được tập quán lạc hậu như sống di canh di cư, nay đã định canh định cư phát triển kinh tế. Một điều đáng quý là họ vẫn giữ được những phong tục tốt đẹp như mặc trang phục truyền thống, tổ chức lễ hội, các dân tộc sống hòa hợp với nhau và thường tổ chức sinh hoạt, giao lưu văn hóa hàng tháng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết trong bản.

Tăng thu nhập từ mô hình chăn nuôi nông hộ

Thu nhập của người dân Nà Cà chủ yếu dựa vào lâm nghiệp, vì vậy từ khi định cư cho người dân, UBND xã Phong Dụ đã tiến hành giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình. Bà con phấn khởi, bắt tay vào trồng cây keo để lấy gỗ và trồng cây thông để lấy nhựa. Đến mùa thu hoạch, trung bình một xe gỗ keo cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng, trừ đi chi phí bà con lãi ròng từ 5 - 6 triệu đồng, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Để góp phần ổn định cuộc sống của các hộ dân ở bản mới Nà Cà, đầu năm 2015, nhà nước đã hỗ trợ 30% (bao gồm chi phí con giống, làm chuồng trại) cho hộ dân xây dựng mô hình chăn nuôi gà đồi Tiên Yên. Hiện nay, toàn bản Nà Cà có 14 hộ dân chăn nuôi gà, trong đó có 2 hộ chăn nuôi với số lượng lớn lên đến 1.000 con, 1 hộ chăn nuôi 500 con.

Một trong những sản phẩm độc đáo của địa phương được bà con dân bản nuôi và bán ra thuận lợi là gà đồi Tiên Yên ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường với giá bán khá cao từ 150.000 - 180.000 đồng/kg. Anh Phùng A Ứng (dân tộc Dao) – một hộ dân chăn nuôi gà ở bản Nà Cà cho hay: “Nhờ có sự hỗ trợ 30% vốn của Nhà nước mà giờ đây tôi có được mô hình gà đồi với số lượng 1.000 con, mỗi lứa tôi thu về hơn 100 triệu đồng”.

Anh Phoong Phu Mềnh – Bí thư chi bộ bản Nà Cà, người có chăn nuôi 500 con gà, cũng chia sẻ: “Ban đầu, người dân ở đây không tin rằng Nhà nước có thể hỗ trợ vốn nhiều như thế, vì thế họ còn ngần ngại trong việc phát triển kinh tế. Là một cán bộ, tôi nghĩ mình phải thực hiện trước để đân tin tưởng làm theo. Giờ đây, với mô hình gà đồi của mình, mỗi lứa tôi bán được từ 200- 500 con gà, thu về từ 40- 60 triệu đồng. Từ đó, người dân tin tưởng và đã bắt đầu mở rộng chăn nuôi gà”.

Bên cạnh mô hình nuôi gà, bản Nà Cà còn có mô hình chăn nuôi thỏ của anh Nguyễn Văn Thắng với số lượng hơn 300 con, doanh thu từ 400- 500 triệu đồng/năm. Anh Thắng đang dự kiến sẽ phân phối giống cho những hộ có ý định nuôi thỏ và chia sẻ kinh nghiệm giúp họ cùng nuôi thỏ thành công. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, anh Thắng xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải.

Các mô hình chăn nuôi này đều được tổ chức theo hướng đảm bảo vệ sinh môi trường – một trong những tiêu chí quan trọng trong hệ thống 19 tiêu chí của chương trình nông thôn mới. 

Gà Tiên Yên “góp công”

Anh Phoong Phu Mềnh (bản Nà Cà, xã Phong Dụ) đang cho đàn gà đồi giống Tiên Yên ăn. Ảnh: C.H

Huyện Tiên Yên hiện có 14 hiện dự án nuôi gà Tiên Yên thương phẩm, thực hiện tại 10 xã, với tổng số 150 hộ tham gia chăn nuôi khoảng 117.600 con gà. Tính đến 30.10.2016 đã có 75/150 hộ tiến hành đưa gà giống về nuôi với 63.700 gà giống. Những hộ chăn nuôi gà từ đầu năm nay đã xuất bán khoảng 15.000 con, sản lượng đạt 30 tấn. Trong công tác xây dựng, quản lý nhãn hiệu “gà Tiên Yên”, năm 2012, UBND huyện đã bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận gà Tiên Yên và được xây dựng các công cụ bảo hộ và quản lý nhãn hiệu, logo gà Tiên Yên; công cụ nhận diện các điểm bán gà, phương tiện vận chuyển, pano quảng cáo...; hỗ trợ 26.000 nhẫn đeo cho gà để bán trong dịp tết và tại các hội chợ. Hiện trên địa bàn huyện Tiên Yên có 19 điểm bán gà. Tổng số lượng gà tiêu thụ tại huyện ước đạt 2 tấn/ngày.

Cẩm Hoa


Lê Thị Thảo 
Theo danviet.vn