Bình Dương: “Trái ngọt” từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Bình Dương: “Trái ngọt” từ chương trình xây dựng nông thôn mới
Đến nay, có 6/7 xã của huyện Bàu Bàng đã hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). “Trái ngọt” của chương trình này chính là những con đường được bê tông hóa có đèn chiếu sáng; những ngôi trường khang trang, những chợ mới hình thành… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đến Bàu Bàng, những câu chuyện xoay quanh việc xây dựng NTM khá rôm rả. Người dân chuyền tai nhau, bàn tán xôn xao chuyện khi nào con đường này được đổ bê tông, rồi dự kiến sẽ đóng góp tiền để làm đèn chiếu sáng ra sao; rồi nào là góc đất này mai mốt sẽ thành chợ, thành trường học. Rồi nào là: “Anh, chị có đồng ý hiến đất làm đường không” hay đại loại, mỗi hộ sẽ đóng góp bao nhiêu tiền để làm đường, đóng một lần hay theo lộ trình…


 Xã Lai Hưng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016
Cũng nhờ người dân đồng lòng mà lần lượt nhiều xã đạt danh hiệu NTM, nâng chất các tiêu chí NTM và dự kiến năm 2019 sẽ đạt huyện NTM. Điển hình như Hưng Hòa, một xã mới được thành lập sau ngày đất nước thống nhất. Vùng đất đi qua chiến tranh với biết bao bom cày đạn xới; nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Những con đường, ngõ xóm, nhà cửa ngày càng khang trang hơn. Và năm 2016, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Người dân ở đây cho biết nhờ chương trình xây dựng NTM mà địa phương ngày càng khởi sắc, người dân thụ hưởng từ chính những thành quả này.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa, cho biết nhờ sự chung tay của cả hệ thống chính trị, khơi dậy sức dân, xã đã đạt chuẩn NTM. Với một xã mà cây cao su vẫn là chủ đạo như Hưng Hòa thì chuyện hoàn thành mục tiêu quốc gia NTM không phải chuyện dễ. Vì vậy, xã phải có những bước đi phù hợp. Ngoài nguồn kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách huyện để xây trường học, trạm y tế, xã Hưng Hòa khơi dậy sức dân trong phong trào làm đường giao thông nông thôn. Ngoài việc tích cực tuyên truyền vận động người dân hiến đất, hoa màu làm đường; ở từng chi bộ, ấp còn có nhiều mô hình phù hợp. Điển hình như mô hình “Ngày lao động vì nhân dân” ở Chi bộ ấp 4; “Giao thông nông thôn thông thoáng” của Chi bộ ấp 6... Nhờ đó thời gian qua, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã đã được nâng cấp, mở rộng chính từ sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân. Không “đánh trống bỏ dùi”, để những con đường mới làm luôn mới, thông thoáng, người dân đi lại thuận lợi, 6/6 ấp của xã đã triển khai mô hình “Giao thông nông thôn luôn được thông thoáng, đi lại thuận lợi”. Từ phong trào này, 90% tuyến đường hư hỏng của xã đã được dặm vá, sửa chữa bằng chính sức lao động và nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, cũng cho biết song song với xây dựng cơ sở hạ tầng, Đảng ủy xã Hưng Hòa cũng xác định, để xây dựng NTM hiệu quả thì phải chú trọng đến công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị. Đến với xã Hưng Hòa hôm nay, câu chuyện về đảng viên đến với dân để “lắng nghe dân nói và nói dân nghe” đã không còn quá xa lạ. Bởi có đi, có nghe, mới biết dân cần gì, hỗ trợ gì. Dẫn chúng tôi tham quan từng con đường giao thông NTM được nâng cấp, sửa chữa, ông Cao Xuân Dìn, Bí thư Chi bộ ấp 3, một điển hình trong mô hình này chia sẻ: “Nhờ xuống với dân mới biết dân cần gì, vướng mắc chỗ nào cần tháo gỡ mà các tuyến đường mới nhanh chóng hoàn thiện với sự góp sức của dân”.
Hay ở xã NTM Lai Hưng cũng vậy. Về lại Lai Hưng hôm nay, mới cảm nhận được những nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã chung sức trong việc xây dựng NTM. Đó chính là sự đổi thay nhanh chóng của cơ sở hạ tầng. Đời sống người dân thay đổi rõ rệt. Ngoài quốc lộ 13, tuyến đường huyết mạch với nhà cửa khang trang mọc lên san sát thì nhiều tuyến đường liên xã, liên ấp, giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, sỏi đỏ. Trường học được xây dựng mới khang trang, sạch đẹp… Trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa… cũng được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, chợ tạm Lai Khê nằm trên quốc lộ 13 gây cản trở lưu thông, mất mỹ quan đô thị đã được di dời vào chợ khu mới khang trang, sạch đẹp.
Ông Vương Tấn Phương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lai Hưng cho biết, cuối năm 2016, xã Lai Hưng đã hoàn thành 19 tiêu chí. Chương trình xây dựng NTM đã tạo không khí tích cực ở các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong xã, góp phần đưa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đi vào thực tiễn cuộc sống. Đảng bộ xã Lai Hưng xác định, điều quan trọng nhất của chương trình xây dựng NTM, chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, xã tập trung nhiều giải pháp để phát triển kinh tế. Song song đó, tập trung xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, những năm qua, huyện Bàu Bàng đã phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tập trung khai thác tối ưu nguồn lực để xây dựng NTM. Hiện huyện đang tập trung mọi nguồn lực để xã Trừ Văn Thố đạt chuẩn NTM vào năm 2018, nâng tổng số 7/7 xã đạt chuẩn NTM. Giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí đã đạt được của 6 xã Long Nguyên, Cây Trường II, Tân Hưng, Hưng Hòa, Lai Hưng, Lai Uyên; đặc biệt tập trung cho xã Long Nguyên để tái công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2019. Song hành với mục tiêu đó là nâng cao mức sống, mức hưởng thụ văn hóa của người dân khu vực nông thôn gắn với thực hiện các nhiệm vụ về môi trường, tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo hướng phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp ven đô thị kết hợp du lịch sinh thái vào năm 2020. Và phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM theo hướng đô thị vào năm 2019.
Theo đó, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng xã NTM đã được phê duyệt để phù hợp tình hình thực tiễn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn 2017-2020 và quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt. Đồng thời xây dựng các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện; phát triển các điểm dân cư tập trung trên địa bàn xã; phát triển cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển dịch vụ thương mại; phát triển cơ sở hạ tầng khung; phát triển hệ thống hạ tầng xã hội… Đối với các xã, khó nhất là đạt tiêu chí thu nhập, vì vậy Huyện ủy giao cho UBND huyện trong các cuộc họp của tỉnh sẽ góp ý xây dựng tiêu chí phù hợp với từng địa phương.
 Thực hiện các tiêu chí NTM theo Quyết định số 730/QĐ- UBND ngày 24-3-2017 của UBND tỉnh Bình Dương về việc ban hành bộ tiêu chí xã NTM của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020 thì xã Long Nguyên đạt 17/19 tiêu chí; xã Cây Trường II đạt 17/19 tiêu chí; xã Tân Hưng đạt 18/19 tiêu chí; xã Hưng Hòa đạt 18/19 tiêu chí; xã Lai Hưng đạt 18/19 tiêu chí; xã Lai Uyên đạt 19/19 tiêu chí; xã Trừ Văn Thố đạt 18/19 tiêu chí.
Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là thu nhập, môi trường, tổ chức sản xuất…
Theo Báo Bình Dương