Bình Phước: Xoay xở tìm vốn làm nông thôn mới

Bình Phước: Xoay xở tìm vốn làm nông thôn mới
UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Song theo đánh giá, việc thực hiện chương trình này rất khó khăn vì nguồn vốn quá ít so với nhu cầu thực tế.

Ưu tiên xây dựng hạ tầng

Theo UBND tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh có 92 xã thuộc diện quy hoạch xây dựng NTM và được chia ra làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1 từ năm 2013 - 2015, giai đoạn 2 từ năm 2016-2020). Tuy nhiên, trong giai đoạn 2013-2015, tỉnh mới lựa chọn 20 xã để làm điểm xây dựng NTM.

Việc xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn ở Bình Dương đang chậm trễ vì thiếu vốn.

Ông Nguyễn Văn Năm- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước cho biết: “Bình Phước lựa chọn xây dựng mô hình NTM dựa trên các thế mạnh về điều kiện tự nhiên của tỉnh, theo hướng khai thác thế mạnh về đất đai, phát triển cây công nghiệp năng suất, chất lượng cao như cao su, điều, cà phê, tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển kinh tế tập thể và trang trại”.

Trước mắt, căn cứ theo 19 tiêu chí NTM, Bình Phước đã xây dựng các tiêu chí cụ thể để thực hiện tại địa phương. Trong đó, giai đoạn 2013-2015 tỉnh sẽ tập trung vào tiêu chí quy hoạch và thực hiện quy hoạch, làm đường nông thôn, văn hóa và cơ sở vật chất văn hóa…

Tuy nhiên, theo ông Năm, do ngân sách eo hẹp, nên việc xây dựng NTM tại tỉnh chỉ tập trung đẩy mạnh hoàn thành các tiêu chí xây dựng hạ tầng nông thôn, trường học, trạm xá, tập trung xây dựng cơ sở phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Không đủ kinh phí để thực hiện

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Bình Phước cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh đang gặp khó khăn lớn về kinh phí. Theo tính toán của tỉnh, mức kinh phí để thực hiện xây dựng NTM cho 3 năm tới của 20 xã cần ít nhất 2.500 tỷ đồng”. Như vậy, theo ông Dũng, trung bình mỗi năm tỉnh phải chi khoảng từ 800 – 900 tỷ đồng để thực hiện chương trình. Số tiền này là quá lớn, vượt nguồn ngân sách của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Năm cho biết: “Dù Bình Phước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm xây dựng NTM. Nếu tiêu chí nào chưa phù hợp, chúng tôi sẽ kiến nghị sửa đổi cho hợp với thực tiễn để hoàn thành mục tiêu đã đề ra”.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Bình Phước mới cân đối ngân sách dành cho xây dựng NTM tại 20 xã được 60 tỷ đồng/năm (trung bình mỗi xã được 3 tỷ đồng). Ông Dũng cho biết, ngay cả khi có thêm khoản hỗ trợ của Chính phủ, nguồn kinh phí để thực hiện vẫn còn quá ít so với nhu cầu ngân sách 2.500 tỷ đồng để có thể hoàn thành đủ 19 tiêu chí NTM.

Đối với Bình Phước, ngay cả công tác huy động vốn từ các nguồn khác cũng gặp khó khăn. Ông Nguyễn Văn Năm cho biết thêm: “Chúng tôi dự trù huy động từ các nguồn khác, chủ yếu từ người dân, doanh nghiệp có hoạt động trên địa bàn để bù đắp phần nào khoản thiếu hụt trên. Song nguồn này hiện khó huy động trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay”. Không những thế, ở Bình Phước, việc thực hiện quy hoạch nông thôn, xây dựng đường sá, nguồn nhân lực của tỉnh vẫn còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện.

Theo:danviet.vn