Bước đi thần tốc của xã nghèo

Sau khi UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt Đề án XDNTM giai đoạn 2013 - 2015 vào ngày 15/5/2013, xã Bình Lợi (Bình Chánh) đã có những bước đi thần tốc, cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới.
Bước đi thần tốc của xã nghèo

Nỗ lực vượt khó

Bình Lợi là xã thuần nông và thuộc diện nghèo nhất huyện Bình Chánh, cách trung tâm thành phố khoảng 30km. Diện tích đất tự nhiên của xã khoảng 1.900ha, trong đó có gần 1.600ha đất nông nghiệp.

Ông Trương Thái Ngọc, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Khó khăn của xã khi bắt tay XDNTM là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng. Diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhưng chưa được khai thác hết nguồn lực; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm; các hình thức liên kết sản xuất chưa đa dạng, phong phú. Từ đó, việc triển khai XDNTM nhằm hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân là mục tiêu, nhiệm vụ được cả hệ thống chính trị và người dân đồng thuận, quyết tâm thực hiện”.

Từ khi Đề án XDNTM được thông qua, cả hệ thống chính trị khẩn trương bắt tay vào triển khai thực hiện. Đảng ủy, UBND, Ban quản lý XDNTM xã Bình Lợi đã ban hành 53 văn bản để lãnh đạo, điều hành thực hiện đề án. Xã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua việc tổ chức các hội nghị; phát hành 2.000 quyển “Sổ tay XDNTM xã Bình Lợi” đến các hộ dân; đặt pano, áp phích tuyên truyền, cổ động; định kỳ phát hành các tờ bướm tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mở các lớp đào tạo nghề… Nhờ đó, khí thế XDNTM được lan tỏa rộng khắp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, xã Bình Lợi đã chỉ đạo người dân chăm lo sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Theo đó, có 52 hộ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với diện tích 11,5ha. Các mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn được nhân rộng như: trồng dừa xiêm Mã Lai, mai vàng, cá kiểng, ổi… “Khi mới triển khai, xã gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do các mô hình chuyển đổi cây trồng trước đó như dứa Cayen hay chanh đều thất bại, khiến người dân mất niềm tin và nghi ngờ về các chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, các mô hình chuyển đổi đã khẳng định được hiệu quả kinh tế nên bà con hăng hái tham gia”, ông Ngọc chia sẻ.

UBND xã cũng phối hợp với các cơ quan cấp trên thực hiện chức năng quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh kết hợp bảo vệ môi trường bền vững; huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư XDNTM với tổng nguồn vốn lên tới hơn 650 tỷ đồng.

Cán đích đúng hẹn

Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và bước đi đúng đắn nên đến nay, Bình Lợi đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí.

Thành quả lớn nhất mà Bình Lợi đạt được chính là hệ thống hạ tầng được cải thiện. Các đường trục xã, liên xã được nâng cấp, mở rộng đồng bộ, nhiều hộ dân sẵn sàng hiến đất để các công trình có thể xây dựng đúng tiến độ. Trong đó, công trình mở rộng, nâng cấp đường tổ 1 ấp 1 đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng; 4 cây cầu xây mới là cầu Ông Oánh, Năm Xuyên, Tám Đại và Độc Lập; công trình nâng cấp, mở rộng cầu Trương Văn Đa đã giải tỏa xong mặt bằng, dự kiến khởi công vào tháng 6. Các đường trục ấp, liên ấp, trục tổ được đá dăm hóa đạt tỷ lệ 100%, các đường tổ hẻm được cấp phối đạt tỷ lệ 100%; đường trục nội đồng được cấp phối, đạt tỷ lệ 100%.

Nhờ sự đóng góp, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, các mạnh thường quân, xã Bình Lợi đã xóa 73 căn nhà tạm, nhà dột nát với tổng kinh phí hơn 2,9 tỷ đồng. Trong đó, xây mới 3 nhà tình nghĩa, 58 nhà tình thương; sửa chữa 2 nhà tình nghĩa, 10 nhà tình thương.

Minh chứng rõ nhất cho sự đổi thay và đi lên của Bình Lợi chính là thu nhập bình quân tăng đáng kể, từ 16 triệu đồng/người (năm 2013) lên gần 40 triệu đồng/người hiện nay. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 18,25% xuống còn 5,26%.

Để đạt được bước đi thần tốc và những thành tựu rực rỡ trên, theo ông Ngọc, đó là nhờ sự nỗ lực phấn đấu và đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị, nhờ được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp trên và sức mạnh từ sự đoàn kết của nhân dân. Ông Ngọc cũng chia sẻ thêm về bài học kinh nghiệm: “Việc triển khai XDNTM phải gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, phải công khai minh bạch để dân bàn bạc, lắng nghe ý kiến đóng góp và tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Bên cạnh đó, cấp ủy và chính quyền địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, dân vận để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là chìa khóa thành công”.

Thùy Dương
Theo kinhtenongthon.com.vn