Bước đột phá trên đất Tổ

Bước đột phá trên đất Tổ
Vận động người dân hiến đất, lấy nông, lâm nghiệp làm “đòn bẩy” là cách xây dựng nông thôn mới ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ).

 

Tự lực đi lên

Thanh Sơn là một trong những huyện nghèo của tỉnh Phú Thọ, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp. Do vậy, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện đã xác định sẽ lấy nông, lâm nghiệp làm chủ đạo.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn cho biết: “Chúng tôi sẽ cải tạo và đẩy mạnh diện tích cây chè, sơn, đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng nhằm đảm bảo nước tưới 2 vụ cho lúa và hoa màu. Đồng thời, chỉnh trang lại đường làng ngõ xóm, để nâng cao đời sống của người dân”.

Bộ mặt NTM ngày càng hiện rõ trên đất Tổ Hùng Vương.

Hiện huyện Thanh Sơn đã hoàn thành quy hoạch 22/22 xã, trong đó có 4 xã được chọn làm điểm xây dựng NTM trong giai đoạn 2011 – 2015 là: Lương Nha, Định Quả, Cự Thắng và Tất Thắng. Hầu hết các xã khi khảo sát mới đạt 1 – 3 tiêu chí, nhưng huyện vẫn đề ra kế hoạch phấn đấu đến năm 2015, các xã điểm sẽ đạt khoảng 14 – 16 tiêu chí.

Để đạt kế hoạch trên, ngoài nguồn kinh phí của T.Ư, tỉnh hỗ trợ, Thanh Sơn đã vận động người dân hiến đất, đóng góp sức người, sức của, đồng thời đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp làm “đòn bẩy” thúc đẩy việc xây dựng NTM.

Nhiều tiêu chí khó

Hai xã có phong trào hiến đất tốt nhất ở Thanh Sơn là Định Quả và Lương Nha. Riêng Định Quả, người dân đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, ngày công để mở rộng đường. Ông Nguyễn Văn Luật, xóm Gò Giữa, xã Định Quả hiến hơn 10 cây nhãn to và 40m2 đất vui vẻ nói: “Đường làm ra phục vụ mình, mình không hiến thì ai hiến. Nhà nước cần bao nhiêu đất để mở đường, tôi sẵn sàng hiến bấy nhiêu”.

Ông Nguyễn Quốc Phiệt - Phó Chủ tịch UBND xã Định Quả cho hay: “Xã có 36km đường giao thông trục chính, năm 2011 chúng tôi đã làm được 7km đường nhựa và 3km đường bê tông. Hiện xã còn 16km đường đất và 4km đường cấp phối, dự kiến đến hết năm 2012 xã sẽ đạt tiêu chí đường giao thông”.

Sau gần 2 năm triển khai ở Thanh Sơn, 4 xã điểm của huyện đều đạt 6 – 8 tiêu chí, còn lại hầu hết các xã mới chỉ đạt 2 – 4 tiêu chí. Theo ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Sơn, ở nhiều xã một số tiêu chí không phù hợp và rất khó đạt như tiêu chí cơ cấu lao động dưới 45% làm nông nghiệp, chợ nông thôn, nghĩa trang...

“Nhiều xã có đến 90% làm nông nghiệp, giờ phải giảm một nửa là rất khó, hay thu nhập của người dân mới chỉ đạt 9 triệu đồng/người/năm, nhưng để đạt tiêu chí NTM phải đạt khoảng 18 – 22 triệu/người/năm là khó chạm đến” - ông Long nói.

Việt Tùng
Theo danviet.vn