Sự đồng thuận của toàn xã hội
Thực tiễn cho thấy, Chương trình xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, hợp lòng dân. Chương trình đã hình thành được bộ máy chỉ đạo và quản lý đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở, là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến độ và nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình. Hiện tại, các tỉnh, thành phố đang triển khai thực hiện Chương trình theo Quyết định 1996/QĐ-TTg ngày 04/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng điều phối giúp Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp. Theo đó, thống nhất trong cả nước bộ máy giúp việc điều phối nông thôn mới các cấp là: Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương; Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh; Văn phòng nông thôn mới huyện; cán bộ chuyên trách nông thôn mới xã.
|
Ngày càng nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng ở thôn Vị Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). (Ảnh: Đ.H) |
Công tác tuyên truyền, vận động đã được các cơ quan Trung ương và địa phương tích cực thực hiện với nhiều hình thức phù hợp. Nhờ đó, nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ rệt. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước. Người dân ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực, chủ động tham gia xây dựng quê hương với nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng nông thôn mới. Ngay từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành đã hưởng ứng, cụ thể hóa thành phong trào thi đua ở địa phương, đơn vị. Nhiều báo, đài Trung ương và địa phương đã tăng thời lượng, mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến về các hoạt động của Chương trình.
Các tổ chức chính trị - xã hội cũng rất tích cực vận động các thành viên, hội viên tham gia thực hiện chương trình. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới; Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ đã chỉ đạo triển khai nhiều mô hình thực hiện Chương trình “Tổ phụ nữ tự quản đường giao thông nông thôn”, “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”...
Công tác kiểm tra, giám sát được coi trọng, qua đó đã kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện ở cơ sở, nhất là đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách và hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Nhiều địa phương đã quy định cụ thể thời gian kiểm tra địa bàn của Ban chỉ đạo các cấp, như Ban chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh đã quy định ngày thứ 7 hàng tuần là ngày nông thôn mới để xuống kiểm tra, chỉ đạo thực hiện chương trình ở cơ sở.
Hệ thống cơ chế chính sách triển khai Chương trình cơ bản hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện ở cơ sở. Nhiều địa phương đã chủ động ban hành thêm nhiều cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện thực tế nhằm huy động các nguồn lực thực hiện, ưu tiên triển khai các nội dung quan trọng, tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu của Chương trình như: hỗ trợ xi măng, vật tư làm đường giao thông; hỗ trợ lãi suất để khuyến khích nông dân vay chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất công nghệ cao, cơ giới hóa; phát triển mỗi làng một sản phẩm; chính sách thưởng các xã về đích...
Chương trình đã huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện, trong đó mức độ tham gia của người dân đạt cao. Đặc biệt, từ năm 2014, Quốc hội đã bổ sung 15.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, là động lực thúc đẩy tiến độ thực hiện và thu hút các nguồn lực khác để đầu tư cho Chương trình. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2011 - 2014 đã huy động được khoảng 591.170 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình. Trong đó, ngân sách nhà nước (bao gồm các chương trình, dự án khác) là 192.269 tỷ đồng; tín dụng: 285.859 tỷ đồng; doanh nghiệp là 31.887 tỷ đồng; dân góp 68.733 tỷ đồng; các nguồn khác là 12.421 tỷ đồng.
Những kết quả tích cực
Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn xã hội, nên Chương trình xây dựng nông thôn mới có bước chuyển ngày càng mạnh mẽ hơn. Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nếu tháng 5/2014, cả nước mới có 185 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thì đến cuối năm 2014, con số này đã tăng lên tới 785 xã (chiếm 8,8% tổng số xã trên toàn quốc). Đồng thời, cũng đã có 1.285 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 2.836 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 2.964 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí;… và không còn xã trắng tiêu chí.
Đến hết năm 2014, bình quân mỗi xã đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38 tiêu chí/xã so với năm 2010, thời điểm cả nước tiến hành xây dựng nông thôn mới. Với đà này, năm 2015, cả nước phấn đấu sẽ có ít nhất 17% xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Một trong những điểm nổi bật của Chương trình xây dựng nông thôn mới đó là đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Đề án sản xuất của các xã đều được xây dựng trên cơ sở xác định nhóm cây, con, ngành nghề lợi thế. Nhiều xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện đề án trên đồng ruộng. Nhiều địa phương đã tổ chức thực hiện dồn điền, đổi thửa, thiết kế lại hệ thống giao thông, thủy lợi chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, tiêu biểu là các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa…
Các địa phương đã quan tâm chỉ đạo kiện toàn tổ chức sản xuất thông qua tăng cường hoạt động của các hợp tác xã trong nông nghiệp. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được 43 tỉnh trong cả nước áp dụng. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ hè thu năm 2014 ở đồng bằng sông Cửu Long có tổng cộng 101 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân với tổng diện tích là 77.420 ha. Vụ Đông - Xuân năm 2014 - 2015, diện tích làm cánh đồng mẫu lớn là 91.692 ha, tăng 17.692 ha so với vụ Đông - Xuân 2013 - 2014, tập trung chủ yếu ở các địa phương như Long An, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.... Để tạo điều kiện cho phát triển hàng hóa tập trung, nhiều địa phương đã chủ động ban hành chính sách hỗ trợ dân mua máy cày, máy gặt... đưa tỷ lệ cơ giới hóa các khâu này tăng từ 40% - 50% lên 80% - 90% như Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp…
Bên cạnh mô hình cánh đồng mẫu lớn, các địa phương tập trung xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để nhân rộng, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Một số địa phương đã mạnh dạn phát triển mô hình sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng. Riêng tỉnh Lâm Đồng đã phát triển mô hình này với quy mô 10.000 ha, có mức thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Một số tỉnh, thành phố đã bước đầu quan tâm chỉ đạo hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch ở nông thôn như xã Yên Đức, huyện Đông Triều, Quảng Ninh; xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang…, hàng năm đã thu hút được hàng trăm ngàn lượt khách du lịch.
Các hoạt động nêu trên đã góp phần tăng thu nhập của cư dân nông thôn, năm 2013 gấp 1,8 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn đến hết năm 2013 là 12,6% giảm bình quân 2%/năm so với năm 2008 (chưa có số liệu thống kê của năm 2014). Đồng thời, đến năm 2014, đã có 44,5% số xã đạt tiêu chí thu nhập, 72,2% số xã đạt tiêu chí việc làm và 36,4% số xã đạt tiêu chí hộ nghèo.
Xét về tổng thể, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng để thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Thực tiễn cho thấy, Chương trình đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều vùng nông thôn, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện. Trường học các cấp từng bước xây dựng theo chuẩn và xã hội hoá. Chính sách hỗ trợ học phí cho con em đồng bào dân tộc, miền núi, chính sách cho vay vốn để học tập được điều chỉnh tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên từ các vùng nông thôn.
Cơ sở vật chất văn hóa được chú trọng xây dựng và nâng cấp. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đa dạng hóa và đẩy mạnh. An ninh trật tự ở nông thôn được đảm bảo. Tổ chức cơ sở đảng ở nhiều vùng nông thôn đã được nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò hạt nhân trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Trong quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều cấp uỷ đảng cơ sở đã chủ động lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm, những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để bàn bạc, thảo luận trong cấp uỷ, chi bộ, và xây dựng thành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện có kết quả. Nhờ vậy uy tín của Đảng ngày càng được nâng cao. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo được nhiều địa phương (nhất là cấp xã) đã được kiện toàn. Một số địa phương có chính sách thu hút cán bộ trẻ về công tác ở cấp xã.
Những tồn tại cần khắc phục
Tuy Chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng mức độ đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thấp, nhất là một số hạ tầng thiết yếu. Sản xuất có chuyển biến nhưng vẫn còn manh mún, khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chưa tháo gỡ được những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả chưa cao.
Môi trường nông thôn đang là vấn đề bức xúc hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân cũng như mục tiêu phát triển nền nông nghiệp sạch. Đến nay mới có 25% số xã đạt tiêu chí môi trường. Văn hóa nông thôn chậm chuyển biến nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Nếp sống văn minh, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở khu vực nông thôn vẫn chậm được cải thiện. Chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa ở nhiều nơi chưa đảm bảo. Một số tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu vẫn chưa có xu hướng giảm.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn chất lượng thấp, lãng phí, nhất là dạy nghề nông cho nông dân chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Vốn đầu tư thực hiện Chương trình chưa tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Mặc dù đã tạo thành phong trào cả nước hướng về nông thôn, góp sức xây dựng nông thôn mới với cơ chế phân cấp tối đa cho cộng đồng và người dân đã sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, tiết kiệm được nguồn lực rất lớn nhưng vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho Chương trình còn rất hạn chế.
Việc hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí còn chưa kịp thời, đồng bộ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chỉ đạo thực hiện và xét đạt chuẩn xã nông thôn mới ở địa phương. Một số cơ chế, chính sách đối với vùng đặc thù chậm được nghiên cứu, ban hành để thúc đẩy tiến độ thực hiện Chương trình. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ở các vùng này còn thấp, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.
Một số bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới, thiếu chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên, nhất là trong bố trí nguồn lực cho chương trình. Không ít nơi, Ban chỉ đạo có tư tưởng chạy theo thành tích trong xét xã đạt chuẩn hoặc huy động đóng góp của dân chưa phù hợp.
Một số giải pháp
Để đạt mục tiêu có 50% số xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới vào năm 2020, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân bằng nhiều hình thức phù hợp với đối tượng để nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp. Các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố cần tập trung kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, nhất là sau Đại hội Đảng các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Hoàn thiện bộ máy giúp việc Ban chỉ đạo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1996/QĐ-TTg ngày 04/11/2014.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách thực hiện Chương trình theo hướng xây dựng, ban hành chính sách đối với các vùng đặc thù, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Rà soát, sửa đổi bổ sung để ban hành đồng bộ các chính sách về huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, trong đó ưu tiên cho các vùng còn nhiều khó khăn; tăng cường phân cấp cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực hiện.
Huy động các nguồn lực xã hội và cân đối đủ nguồn lực, đảm bảo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Các tỉnh có công nghiệp và dịch vụ phát triển cần coi việc phân bổ ngân sách để xây dựng nông thôn mới, thực hiện phương châm “Lấy công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, lấy thành thị thúc đẩy nông thôn”.
Chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn. Ưu tiên nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp. Tổ chức chỉ đạo xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, các hình thức liên kết, hợp tác, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp về nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới cần gắn với tái cấu trúc các ngành công nghiệp - xây dựng công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo máy móc nông nghiệp, thực hiện điện khí hóa, cơ giới hóa nông nghiệp.
Quan tâm hơn nữa việc tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân thực hiện các nội dung về phát triển văn hóa - xã hội, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn. Tích cực hỗ trợ các xã đạt chuẩn về giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Xây dựng các các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng; hướng dẫn xây dựng và thực thi hương ước, xây dựng nếp sống văn minh, phát huy các truyền thống văn hóa tốt đẹp, tình làng nghĩa xóm; tổ chức nhân dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự, bài trừ tệ nạn xã hội; bảo vệ môi trường, xây dựng xóm làng xanh, sạch, đẹp. Chú trọng hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới ở cộng đồng và mỗi hộ gia đình gắn với xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa…
Đ.H
Theo dangcongsan.vn