Cần nhiều hơn những công trình thiết thực cho cộng đồng

Thiếu vắng những ấn phẩm kiến trúc chuyên sâu về lý luận và thực hành; thiếu các đồ án, công trình đáp ứng những nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống như nhà ở xã hội, quy hoạch và kiến trúc nông thôn mới... Ðó là nhận xét của Hội đồng Giải thưởng cho những tác phẩm - công trình tham dự Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2012 vừa kết thúc tại Hà Nội.
Cần nhiều hơn những công trình thiết thực cho cộng đồng

Từ năm 1994, với định kỳ hai năm một lần, Giải thưởng Kiến trúc quốc gia do Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam, Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức đến năm nay là kỳ thứ 10. Sau hai thập kỷ, giải thưởng đã trở thành một sự kiện đáng chú ý. Mỗi cuộc thi đều có những tiêu chí, mục đích riêng, tuy chưa hẳn là một bức tranh tổng thể đáp ứng hết mong muốn, nguyện vọng của tất cả mọi người trong giới và ngoài giới, song với những thông điệp rõ ràng, nhất quán hướng đến một nền kiến trúc xanh, hiện đại và giàu giá trị nhân văn, giải thưởng đang từng ngày tạo nên những chuyển biến trong nhận thức xã hội, giúp mọi người hiểu rõ hơn về vai trò, chức năng của kiến trúc; về bản chất văn hóa và tính xã hội sâu sắc của kiến trúc trong đời sống con người; đồng thời là sự ghi nhận trân trọng nhằm động viên, khích lệ tư duy sáng tạo và trách nhiệm xã hội của các thế hệ KTS Việt Nam.

Diễn ra trong bối cảnh kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2012 vẫn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các KTS trong và ngoài nước, quy tụ được 140 công trình - tác phẩm tham dự gồm 15 ấn phẩm, 24 đồ án quy hoạch - thiết kế đô thị và 101 công trình kiến trúc. Ðiểm mạnh có thể thấy của cuộc thi lần này là phần lớn các công trình kiến trúc được thiết kế theo xu hướng đương đại, kết hợp có chắt lọc bản sắc truyền thống, quan tâm đến tính thích ứng khí hậu và giảm bớt rất nhiều công trình chạy theo hình thức nệ cổ mà Hội KTS Việt Nam từng cảnh báo ở một số công trình trụ sở cơ quan và nhà ở trước đây. Những cố gắng đổi mới, sáng tạo thể hiện trong ý tưởng thiết kế, trong các giải pháp tạo điều kiện tối ưu cho không gian sống và làm việc của con người; trong việc ứng dụng các vật liệu thân thiện môi trường và sự hòa nhập môi trường cảnh quan chung quanh của công trình. Tuy nhiên, mặc dù khá phong phú, đa dạng về thể loại, quy mô, cuộc thi vẫn thiếu vắng những ấn phẩm chuyên sâu về lý luận và thực hành; thiếu các đồ án, công trình đáp ứng những nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống như nhà ở xã hội, quy hoạch và kiến trúc nông thôn mới... Nhiều đồ án đoạt giải chưa thật sự thuyết phục về tính khả thi, thiếu số liệu và phân tích về giá trị không gian, môi trường, hiệu quả xã hội và tính thực tiễn, đặc biệt trong giải pháp chuyển hóa hình thái cư trú, chuyển đổi chức năng trong quá trình phát triển. Các đồ án quy hoạch thiếu chi tiết hoặc không rõ tính kết nối với quy hoạch chung, chưa có sáng tạo đột phá, phần lớn nặng về lý thuyết và đôi lúc còn áp đặt.

Trong số những tác phẩm - công trình đoạt giải, Dolphin Plaza Hà Nội, giải Nhất, do Công ty kiến trúc DP (Xin-ga-po) thiết kế nổi trội hơn cả. Là một tổ hợp nhà ở kinh doanh cao cấp với diện tích lớn và dịch vụ đầy đủ, ý tưởng chính của chủ đầu tư và đơn vị thiết kế là xây dựng một môi trường ở cho người dân đô thị theo "hướng sinh thái" được hưởng thụ tối đa lợi thế tự nhiên, gió mát và ánh sáng, tầm nhìn tạo lập không gian, môi trường sinh thái nhân tạo phục vụ cho cư dân bao gồm bể bơi, vườn cây xanh, sân tắm nắng, đường đi dạo, ghế nghỉ và các khu dịch vụ cộng đồng... Ðây là một công trình kiến trúc hiện đại, đẹp, phù hợp khí hậu, góp phần tô điểm cho kiến trúc đô thị và là một điển hình cho công trình xanh sử dụng công nghệ cao, vật liệu mới, kiểm soát thông minh, tiết kiệm năng lượng, không ô nhiễm môi trường. Mang đậm nét nghệ thuật kiến trúc, Nhà bảo tàng Ðác Lắc, tác phẩm đoạt giải nhì của KTS Nguyễn Tiến Thuận (trong ảnh) đã khai thác tính truyền thống đạt hiệu quả khi xuất phát từ mô hình nhà dài của người Ê Ðê, công trình được thiết kế cách điệu và hiện đại hóa về không gian, vật liệu, công nghệ, bố cục hòa hợp với môi trường cây xanh, thảm cỏ, địa hình, cảnh quan đô thị Tây Nguyên. Nhà Hội nghị Ðại Lải trong khu Flamingo Resort (Vĩnh Phúc), tác phẩm đoạt giải nhì của Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa lại độc đáo ở cách thiết kế công trình như một thành phần hữu cơ của môi trường tự nhiên với đất, đá, cây cỏ..., cho con người cảm giác được hòa mình như một nhân tố cấu thành hệ sinh thái chung khi tham gia hoạt động trong đó. Một số tác phẩm - công trình khác tuy mang quy mô nhỏ song đã bộc lộ được xu thế phát triển kiến trúc xanh, gần gũi thân thiện với cuộc sống hàng ngày như: Quán Café S, Ngôi nhà Rubic xanh, Biệt thự nghỉ dưỡng sân gôn Tam Ðảo (giải ba)...

Giải thưởng Kiến trúc quốc gia lần thứ 10 đã khép lại bên những thành công còn cả niềm trăn trở của giới kiến trúc về một chặng đường trước mắt: cần tiếp tục nỗ lực sáng tạo, đổi mới nhiều hơn để tạo ra những công trình có giá trị, đáp ứng thiết thực cho nhu cầu cuộc sống, thực tế đất nước; hướng đến một nền kiến trúc xanh, hiện đại và giàu bản sắc.

Nguyễn Phương Liên


Theo nhandan.org.vn