Cần tập trung vào những vấn đề thiết yếu trong xây dựng NTM

Cần tập trung vào những vấn đề thiết yếu trong xây dựng NTM
Vẫn như hôm trước, sáng 13.6, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát trả lời vẫn khá bài bản, nặng về viện dẫn các văn bản chỉ đạo của Đảng, nhà nước, dù rằng các câu hỏi của ĐB khá tập trung vào những vấn đề “nóng” ở nông thôn hiện nay.

Có nhóm lợi ích không?


Với các câu hỏi được đặt ra hôm trước(12.6), Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời theo nhóm vấn đề. Về nhóm câu hỏi liên quan đến nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh định hướng: Cần tiếp tục nâng các  những mặt hàng thế mạnh của việt Nam, nâng cao khoa học kỹ thuật cho nông dân, nhất là về giống, hạ tầng kỹ thuật…

Về xây dựng thương hiệu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, thông thường quốc tế cũng chỉ là Chính phủ hỗ trợ chứ không đứng ra xây dựng thương hiệu. Do đó, Bộ NNPTNT đã đứng ra chỉ đạo các viện nghiên cứu, phối hợp với địa phương nâng cao chất lượng các cây trồng để góp phần xây dựng thương hiệu cho một số mặt hàng có thế mạnh của VN.
Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh: Kỳ Anh

Về câu hỏi liên quan đến xây dựng nông thôn mới, trong đó quá tập trung vào hệ thống đường xá, mà quên đi những vấn đề  thiết yếu của nông dân, bộ trưởng nhìn nhận, đây là chủ trương lớn của Đảng, nhà nước. Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ khó khăn, chủ trương này sẽ thực hiện được nếu có sự quyết tâm, đồng lòng và triển khai thực hiện tốt. 

Với câu hỏi có hay không nhóm lợi ích khi nông dân thì bị ép giá, chỉ có thương lái là được lợi về những chính sách ưu đãi cho nông thôn, Bộ trưởng cho rằng, từ khi có thông tin như vậy, bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề  ra những biện pháp ngăn ngừa. Tuy nhiên, bộ trưởng nhấn mạnh: Chưa có cơ sở để nói về việc này.

Trẻ sinh sau 1993 lấy đâu đất sản xuất?

Về việc giao đất nông nghiệp thời hạn là 50 năm thay vì 20 năm như trước, Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang cho biết: Đây là vấn đề liên quan đến Dự Luật Đất đai sửa đổi. Đó là chủ trương lớn của Đảng, không đặt vấn đề chia lại đất đai. Như vậy, nông dân yên tâm sản xuất, đồng thời vẫn đảm bảo quyền sở hữu của nhà nước. 
Với người sinh sau 1993 (mốc thời điểm 20 năm chia lại đất như quy định trước đây) lấy đâu đất sử dụng? Với câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, thực tế đã có sự điều chỉnh của các hộ dân, ở một số địa phương có sự đồng thuận trong khu dân cư để dồn vùng, đổi thửa hoặc không có nhu cầu đã chuyển nhượng… Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh: Về lâu dài, sản xuất nông nghiệp sẽ chuyển dần sang công nghiệp, sản xuất nông nghiệp năm 2020 chỉ còn từ 30- 35 % nên áp lực đất sản xuất nông nghiệp không còn bức bách như hiện nay.

Chúng tôi chưa thật sự yên tâm

Chưa thỏa mãn với cách trả lời khá chung chung, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đứng lên hỏi lại: Chúng tôi chưa thật yên tâm, người dân được mùa, nông dân bị ép giá, thương lái vẫn lãi lớn, đề nghị bộ trưởng cho biết có thực trạng này không? Đâu là giải pháp đảm nông dân lãi 30%? Còn ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) tỏ ra bức xúc nói: Chính sách mua hỗ trợ gạo nhưng nông dân chỉ có lúa để bán?

Về các vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát vẫn không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà chỉ nói: Chúng tôi hướng dân bà con nông dân tập trung vào sản xuất mặt hàng có lợi thế, có thị trường thì mới không bị ế. Làm sao để nông dân không bị ép giá, thì phải tạo môi trường cạnh tranh, không để một nhóm nào đó khống chế giá…Còn với câu hỏi của ĐB Kim Bé, Bộ trưởng cũng chỉ nêu:  Chúng ta đã có chủ trương giữ 3,8 triệu ha lúa, nhưng không có nghĩa diện tích trồng lúa là chỉ trồng lúa, với diện tích trồng lúa thì cần phải có giống, có quy hoạch để nâng cao năng xuất và tăng cường đầu tư công nghệ chế biến…

Tiếp đó, các câu hỏi sau tập trung vào chính  sách tái định cư cho các hộ di dân khỏi lòng thủy điện, đất nông, lâm trường hoang hóa, cây cà phê là mặt hàng trọng điểm của nông nghiệp nhưng sự đầu tư chưa thỏa đáng; quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ lớn gây lãng phí cho ngân sách?... Những câu hỏi này thực sự là những câu hỏi rất “nóng”, tuy nhiên, các câu trả lời của Bộ trưởng vẫn viện dẫn lại các chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước là chủ  yếu. Riêng với mặt hàng cà phê, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Với vị trí của cây này, bộ đã thành lập viện nghiên cứu nông nghiệp ở Tây nguyên và trọng tâm là nghiên cứu cây cà phê. Sản phẩm thu được kết quả tốt là cà phê vối. Bộ trưởng cũng thừa nhận, hiện chúng ta xuất khẩu chủ yếu vẫn là cà phê thô, chưa tương xứng với khả năng của chúng ta.

Nông dân chưa tiếp cận được vốn ngân hàng?

Về khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của nông dân, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Chỉ từ 2008 đến nay, tín dụng cho nông thôn tăng 20 %, trong 5 năm qua tín dụng tăng gấp 2 lần, tăng cao hơn nhiều so với mức tăng tín dụng bình quân. Tuy  nhiên, Thống đốc cũng cảnh báo: Đã đi nhiều địa phương, nhưng hiệu quả sản xuất còn rất nhiều vấn đề, liên quan đến nhiều khâu. Như cây cà phê, thì từ giống, chăm sóc, tiền đầu tư, sản xuất phải liên thông, phối hợp chặt chẽ mới có sản phẩm tốt, như vậy mới đảm bảo thu hồi được vốn. 

Gút lại, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề cập đến nhiều nội dung, trong đó, ông cho rằng, xây dựng nông thôn mới cần tập trung vào nội dung quy hoạch, vào giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ để có nông thôn ngày càng phát triển bền vững và yên ấm.
Theo laodong.com.vn