Chất tạo nạc đã được kiểm soát

Chất tạo nạc đã được kiểm soát
* TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm (ATVSTP) Quốc gia: “Không thể đòi hỏi chất tạo nạc trong thực phẩm bằng không".
Tại hội thảo về “Sử dụng chất tạo nạc và an toàn thực phẩm” do Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) khẳng định về cơ bản đã kiểm soát được chất tạo nạc.

Hội thảo đúng thời điểm người tiêu dùng không đủ thông tin, hoang mang và quay lưng với thịt lợn; đặc biệt là thịt lợn nạc, gây thiệt hại không đáng có cho người chăn nuôi.

Tăng cường giám sát SX TĂCN

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết: Theo báo cáo của 9 phòng thí nghiệm được Bộ NN- PTNT chỉ định phân tích các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi đã phân tích trong 3 tháng đầu năm 2012 phát hiện dương tính như sau: TĂCN 13/268 mẫu (4,8%); thuốc thú y 2/18 mẫu (11,1%); thịt, gan lợn 8/179 mẫu (4,4%); nước tiểu lợn 7/108 mẫu (6,4%).

Sau khi phát hiện chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, Cục Chăn nuôi đã thành lập gấp 2 đoàn có sự tham gia của các đơn vị phân tích để kiểm tra chất cấm tại 15 tỉnh ở miền Bắc và duyên hải Nam Trung bộ (từ Bắc Giang đến Quảng Nam). Sau 5 ngày đã lấy và phân tích được 90 mẫu (trung bình 6 mẫu/tỉnh) cùng với kết quả tự thực hiện của 2 tỉnh Quảng Ninh (36 mẫu) và Hà Nam (10 mẫu).

Với tổng số 136 mẫu, chỉ phát hiện 3 mẫu dương tính tại Hòa Bình (1 mẫu TĂCN bổ sung, lấy tại đại lý), Bắc Ninh (1 mẫu gan lấy tại chợ) và Hải Dương (1 mẫu TĂCN lấy tại DN chế biến). Qua kết quả cho thấy lượng mẫu dương tính ở khu vực phía Bắc và Nam Trung bộ như trên là khá thấp.

Hiện tình hình sử dụng chất cấm nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi đã tạm thời được kiểm soát, không có thông báo mới về việc phát hiện các mẫu dương tính trong nước tiểu gia súc và trong các sản phẩm chăn nuôi.  

 

Người tiêu dùng không thể phát hiện được thịt có chất tạo nạc bằng cảm quan

Theo ông Dương, để có được kết quả này do chúng ta đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm của những sự việc tương tự, như vấn đề Melamine trong sữa và nguyên liệu TĂCN trước đây. Đặc biệt đã chỉ đạo đúng là "không giấu" nhưng phải sát thực tế, nhờ vậy đã tranh thủ được dư luận xã hội, nhất là giới truyền thông; đồng thời được sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

“Tình hình quản lý và sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi vẫn còn nhiều phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát trở lại. Một lượng đáng kể nguyên liệu và thức ăn bổ sung được phát hiện gần đây đang có nhiều khả năng nhiễm chất Sanbutamol hoặc Clenbuterol”, ông Dương nhấn mạnh.

Để ngăn chặn sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, ông Dương đưa ra đề xuất: Bộ NN- PTNT, Y tế, Công Thương và Công an tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra giám sát tình hình kinh doanh, sử dụng các chất cấm. Việc này phải thực hiện ở tất cả các khâu từ nhập khẩu qua biên giới đến các cơ sở kinh doanh TĂCN, thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi, giết mổ và buôn bán, chế biến thực phẩm (trong đó có cả thực phẩm nhập khẩu).

Bên cạnh đó các địa phương, DN, hiệp hội tổ chức triển khai các hoạt động giáo dục tuyên truyền về chất cấm. Triển khai rộng rãi việc ký cam kết giữa các tổ chức, cá nhân SX-KD trong chăn nuôi, giết mổ chế biến thực phẩm không dùng chất cấm, không bao che cho hành động sử dụng chất cấp, kịp thời tố giác hành động sử dụng chất cấm. Cũng theo ông Dương, Bộ NN- PTNT chỉnh sửa một số nội dung chưa phù hợp của Thông tư số 54/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/9/2010 về kiểm soát các chất Beta-agonist trong chăn nuôi.

Đồng quan điểm “tẩy chay” chất tạo nạc trong chăn nuôi, TS. Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) cho rằng, để loại bỏ chất tạo nạc sử dụng trong chăn nuôi thì phải cần giám sát hoạt động SXKD TĂCN và sản phẩm thịt trên thị trường. Đối với các vi phạm quy định về việc kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần xử lý triệt để theo quy định. Đồng thời kiện toàn về tổ chức lực lượng, đầu tư trang thiết bị, kinh phí hoạt động và chấn chỉnh công tác quản lý về ATTP ở những khâu, những bộ phận có chức năng giám sát, xử lý nguy cơ, sự cố về ATTP.

Chất tạo nạc ở ngưỡng an toàn

Tại hội thảo các nhà khoa học cho rằng, chúng ta cần xem xét giới hạn về tồn dư chất cấm, cụ thể là Salbutamol và Clenbuteron. PGS- TS Nguyễn Đăng Vang, Ủy viên Hội đồng chính sách KH- CN quốc gia cho rằng: “Không phải các nước đều cấm các chất này. Hiện vẫn có khoảng 25 nước sử dụng, song họ yêu cầu phải cách ly vật nuôi 2 tuần trước khi giết, mổ để đảm bảo các chất kích nạc đã đào thải hết”. 

 

Cần có quy định về giới hạn tồn dư tối đa cho phép của các chất Clenbuterol và Salbutamol trong thực phẩm

Ông Vang cho biết thêm, việc phát hiện thịt lợn siêu nạc gây nguy hiểm đến sức khoẻ đã gây tâm lý lo lắng cho nhiều người dân, khiến họ tẩy chay luôn cả thịt lợn sạch, không dám tiêu dùng. Tuy nhiên, hầu hết những cơ sở bị phát hiện đều là những cơ sở nhỏ. Trong thời gian tới, sau khi tiến hành kiểm tra và có kết luận cụ thể, chúng tôi sẽ công khai tên của những cơ sở có sử dụng chất cấm để mọi người đều được biết, cũng như có các biện pháp xử lý.

 

Beta-agonist gồm 2 nhóm: Beta1-agonist gồm Ephedrine, Dobutamine… Tác dụng lên thụ thể B1 ở cơ tim như kích thích nhịp tim, dùng để điều trị suy tim cấp, mạn; sốc tim. BetaB2-agonist gồm Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamine… (30 chất). Tác dụng lên thụ thể B2, làm giãn cơ trợn phổi, phế quản, điều trị bệnh phế quản co thắt.

Theo TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm (ATVSTP) Quốc gia: “Việc cấm sử dụng các chất tạo nạc trong TĂCN là cần thiết, nhưng không có nghĩa là hàm lượng của các chất này trong thực phẩm bằng không. Do đó, cần có quy định về giới hạn tồn dư tối đa cho phép của các chất Clenbuterol và Salbutamol trong thực phẩm. Theo kết luận của chúng tôi, hàm lượng các hợp chất này trong thực phẩm ở nước ta vẫn ở mức an toàn, nếu đối chiếu với các quy định của thế giới. Cần có những tuyên truyền để tránh gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến người tiêu dùng”.

Theo các chuyên gia, khó có thể phân biệt thịt lợn siêu nạc trên thị trường với thịt sử dụng chất tạo nạc về mặt cảm quan. Để mua thịt lợn an toàn nên chú ý mua ở những con lợn khoẻ mạnh, có lớp mỡ dày khoảng 2cm, mỡ màu trắng, thớ thịt mịn, chắc, có độ đàn hồi tốt. Khi nấu có mùi thơm hấp dẫn.

Cần tránh mua những loại thịt lợn có mông và vai nở to, bắp thịt cuộn lên một cách khác thường. Còn thịt đã qua pha cắt thì có thể phân biệt bằng quan sát tỷ lệ nạc trên miếng thịt: Thịt sử dụng chất tăng trọng có tỷ lệ nạc quá nhiều, màu hơi sậm, nạc gần như dính vào da, phần mỡ rất mỏng. Trong khi thịt lợn nuôi theo kỹ thuật thông thường có màu hồng tươi, phần mỡ khá nhiều.

Nguồn nongnghiep.vn