Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần
Chính phủ quyết nghị về việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; về kiểm tra và giải pháp khắc phục việc thấm nước qua đập thủy điện Sông Tranh 2; yêu cầu tăng cường đăng kiểm xe cơ giới, kiểm tra chất lượng xăng dầu,... là những thông tin văn bản đã được đông đảo nhân dân quan tâm theo dõi trong tuần từ 26-30/3/2012.
Ảnh minh họa

Về việc sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất nông nghiệp

Theo Nghị quyết 08/NQ-CP phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật , Chính phủ quyết nghị việc thống nhất chủ trương: Việc sử dụng đất nông nghiệp được tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật về đất đai, bảo đảm ổn định xã hội.

Chính phủ cần sớm xem xét, đề nghị Quốc hội, cho phép kéo dài thời hạn giao đất, cho thuê đất theo đúng tinh thần của Luật Đất đai hiện hành: Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Trong thời gian kéo dài đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, người sử dụng đất có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo pháp luật quy định.

Đối với đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân mà họ đã hoàn toàn thoát ly khỏi nông thôn, nhiều năm không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nữa thì không nên tiếp tục giao đất lâu dài cho các đối tượng này.

Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh Báo cáo của Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân, trình Chính phủ trong phiên họp tới.

Về kết quả kiểm tra, giải pháp khắc phục việc thấm nước tại đập thủy điện Sông Tranh 2

Theo văn bản thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về kết quả kiểm tra và giải pháp khắc phục việc thấm nước qua đập thủy điện Sông Tranh 2,  kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng đã khẳng định chưa phát hiện vết nứt bất thường trên bề mặt đập và trong hành lang thân đập. Những động đất kích thích xảy ra trong tháng 11/2011 vừa qua với cường độ khoảng 3 độ rích te nhỏ hơn cường độ động đất thiết kế, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nhà máy, đập và hồ chứa nước.

Hiện tượng thấm nước ra mặt hạ lưu đập thủy điện Sông Tranh 2 đang được khắc phục và chưa ảnh hưởng đến an toàn đập.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các đơn vị liên quan cần khẩn trương khắc phục triệt để hiện tượng này để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xử lý lúng túng, thiếu chuyên nghiệp và không thông tin kịp thời, đầy đủ, rõ ràng cho các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần huy động tối đa công suất của Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 để hạ mực nước hồ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý thấm đạt hiệu quả.

Tăng cường đăng kiểm xe cơ giới, kiểm tra chất lượng xăng dầu

Theo thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải phải tăng cường công tác đăng kiểm phương tiện xe cơ giới; kiểm tra chất lượng an toàn tại cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; tăng cường quản lý đối với các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, xe máy; quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật xe cơ giới theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng và quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi có sự cố cháy, nổ liên quan đến lỗi kỹ thuật của phương tiện.

Bộ Giao thông vận tải cũng phải chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Công an và các cơ quan liên quan rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến phòng, chống cháy, nổ phương tiện.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phải tăng cường các biện pháp quản lý xăng dầu theo chuỗi từ tổng đại lý đến các cửa hàng bán lẻ, đặc biệt khâu vận chuyển kiên quyết không để xảy ra việc pha chế những tạp chất, phụ gia trái với quy định.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục đánh giá, phân tích nguyên nhân các trường hợp cháy nổ xe cơ giới; đưa ra khuyến cáo các biện pháp phòng, chống cháy nổ xe cơ giới.

Điều tra, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tại 37 địa phương

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam" với phạm vi thực hiện tại các vùng miền núi có nguy cơ trượt lở đất đá thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

37 tỉnh trên gồm: 17 tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang...), 13 tỉnh miền núi khu vực Trung Bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...), 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông) và 2 tỉnh miền Đông Nam Bộ (Bình Phước, Đồng Nai).

Đề án đặt mục tiêu xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt trượt đất đá tại các vùng miền núi, trung du làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo ổn định, bền vững. Đồng thời, nâng cao khả năng cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở đất đá, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình

Theo văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Chính trị Ba Đình, thành phố Hà Nội, việc điều chỉnh cần nghiên cứu cụ thể các nội dung về tổ chức không gian, bảo đảm chức năng, các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, giao thông... đáp ứng các yêu cầu làm việc cho các cơ quan Trung ương trong nhiều năm tới.

Về ranh giới nghiên cứu quy hoạch chi tiết Khu trung tâm, Thủ tướng Chính phủ thống nhất đề xuất của Bộ Xây dựng, phạm vi nghiên cứu có quy mô 135 ha; đồng thời nghiên cứu thêm khả năng sử dụng một số khu vực phụ cận (khu vực Nhà máy in Tiến Bộ, sân vận động Hà Nội...).

Về tổ chức không gian, Bộ Xây dựng phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu việc bố trí công trình Tòa nhà Chính phủ và Trụ sở Văn phòng Chính phủ đáp ứng nhu cầu công năng làm việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Nghiên cứu nhà làm việc của Văn phòng Chủ tịch nước có quy mô thích hợp ở vị trí phù hợp.

Nguồn chinhphu.vn