Chợ Sài Gòn xưa và nay
- Thứ bảy - 28/04/2012 11:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sài Gòn trước năm 1975 có bao nhiêu chợ hiện vẫn chưa có thống kê. Thế nhưng, người Sài Gòn đều gắn với mình vài tên chợ không thể nào quên và có những chợ mà mỗi khi nhắc đến ai cũng biết. Sau 37 năm thống nhất đất nước, chợ Sài Gòn có gì thay đổi?
Chợ Bến Thành ngày nay
Chợ “quý tộc” Bến Thành
Giống như các chợ truyền thống ở nhiều địa phương khác, chợ xưa Sài Gòn thường đóng ở những khu vực thuận tiện về giao thông đi lại, những nơi đông dân nhưng nhìn chung chợ thường được họp ở các cửa ô, cửa thành và bờ sông, bờ kênh.
Tiêu biểu cho Sài Gòn là chợ Bến Thành, chợ Tân Định. Về hình thức, chợ này ngày nay không khác cách nay 40 năm. Ngày xưa chợ Bến Thành, chợ Tân Định là những chợ lớn của quận 1- Trung tâm của khu Sài Gòn - Chợ Lớn, chuyên phục vụ cho giai cấp trung lưu, tư sản, sĩ quan chế độ cũ.
Xung quanh chợ không bán tràn lan ra như ngày nay, mà là chỗ đậu xe jeep, xe hơi của mấy bà vợ sĩ quan đi chợ. Bà Lê Kiều Lang (Tám Lang) ở quận 3 cho biết: “Ngoài chợ Bến Thành, thì chợ Tân Định có giá bán hàng hóa thuộc loại rất cao. Song, phải nói toàn là đồ ngon từ thực phẩm, trái cây cho đến tôm cá”.
Thời bấy giờ, những tiểu thương bán hàng ở chợ Bến Thành rất kiêu hãnh với giá cả đắt đỏ của chợ, bởi nó khẳng định đẳng cấp “nhà giàu”, chỉ thích hợp dành cho các bà nội trợ sang trọng và dành cho khách du lịch nước ngoài với các mặt hàng thời trang, thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm độc và hiếm. Chính điều này đã tạo nên lớp tiểu thương sành nhiều ngoại ngữ Anh - Pháp - Nhật - Hàn, thông thạo đến mức giao tiếp được.
Hiện nay, chợ Bến Thành trở thành một trong những chợ du lịch thu hút rất nhiều du khách. Hàng hóa tại đây được ban quản lý kiểm soát chặc chẽ từ khâu chất lượng, niêm yết giá cả cho đến cân đo đong đếm. Trong chợ, vẫn còn những gian hàng mua bán gia vị, trái cây, hàng ăn uống “cha truyền con nối” nổi tiếng như: Ông Tám càri, Bé Chè…
Chợ Lớn trong lòng Sài Gòn
Chợ Lớn từ thế kỷ 18 là cả một khu vực rộng, với cảnh làm ăn, buôn bán nhộn nhịp tại các quận: 5, 6, 10 và một phần quận 11. Trước đây, khi nhắc đến Chợ Lớn là người dân nghĩ ngay đến một Chợ Lớn - phố Tàu trong lòng thành phố Sài Gòn.
Chợ Bình Tây là chợ trung tâm của khu vực Chợ Lớn, nơi có nhiều Hoa kiều sinh sống nhất của miền Nam trước đây. Ngoài vai trò là chợ đầu mối chuyên cung cấp các mặt hàng gia dụng, vải sợi… việc thuận tiện hơn nữa là chợ Bình Tây còn gần chợ Kim Biên - đầu mối cung cấp hàng kim khí điện máy và là trung tâm sản xuất các loại hàng hóa cung ứng cho cả miền Nam Việt Nam từ Bến Hải đến mũi Cà Mau. Khu vực này có cả bến xe tải, các ngành phụ trợ cho việc phân phối hàng đi các tỉnh, cũng như tiếp nhận nông sản, thực phẩm cung cấp phân phối lại cho các chợ nhỏ của Sài Gòn.
Ngày nay, chợ Bình Tây đã được sửa sang lại, phân khu theo ngành hàng và vẫn còn chức năng chợ đầu mối, song vai trò đã giảm do các hãng buôn lớn đều có nhà phân phối ở các tỉnh. Hàng sản xuất trong nước hay ngoại nhập đều được đánh thẳng xuống các tỉnh không qua trung gian của chợ Bình Tây như trước đây.
Khu vực Chợ Lớn còn có chợ An Đông, quận 5, nổi tiếng một thời với cơm gà Siu Siu. Trước 1975 là chợ khu vực, hiện nay nhờ có thêm Khu thương mại An Đông Plaza tạo nên khu thương mại sầm uất có nhiều khách quốc tế như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaixia… đến mua sắm. Chợ nổi tiếng với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, vàng bạc đá quý, thực phẩm đặc sản Việt Nam nên được khách nước ngoài mua nhiều.
Chợ đầu mối đã có từ xưa
Chợ đầu mối nông sản - thực phẩm Thủ Đức
Chợ đầu mối trước 1975 là chợ cá Trần Quốc Toản. Chợ tọa lạc ở khu vực gần tại Siêu thị Sài Gòn, góc đường 3/2 - Lý Thái Tổ, quận 10 ngày nay. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, chợ cá này không còn hoạt động. Bạn hàng cá tập trung về chợ cầu Ông Lãnh, quận 1 nhưng rồi sự hoạt động của chợ đầu mối thủy sản Cầu Ông Lãnh cũng chỉ tồn tại đến tháng 10/2003 thì chấm dứt và dời về chợ Bình Điền, quận 8. Cùng chung số phận với bạn hàng bán cá, các vựa trái cây chợ cầu Ông Lãnh, cầu Cầu Muối phải di dời lên chợ đầu mối Thủ Đức và chợ đầu mối Tân Xuân, Hóc Môn.
Phải nhìn nhận rằng, các chợ đầu mối thủy sản, nông sản ngày nay quy củ hơn, sạch sẽ hơn và có chỗ đậu xe tải lên xuống hàng rất tiện lợi. Trái cây từ các tỉnh miền Tây chở lên chợ cầu Ông Lãnh rất tiện lợi nhờ đi đường sông, phí chuyên chở thấp, nhà vườn mua bán với tiểu thương bằng cách gửi hàng theo ghe, chủ ghe nhận tiền đem về cho chủ nhà vườn.
Nhắc lại chợ cầu Ông Lãnh, ngày xưa khu vực đường Ký Con - Camettet cũng có một chợ tạp hóa, bánh kẹo đầu mối phân phối cho bạn hàng đi miền Trung. Do thời đó, ga xe lửa nằm trước chợ Bến Thành (khu vực công viên 23/9) nên rất thuận tiện cho việc đi lại. Chợ này hoạt động sung túc đến năm 1995, chuyên bán cho đội quân hàng rong là dân nhập cư từ Quảng Ngãi, Bình Định vào.
Cứ mỗi sáng tầm độ 5 - 6 giờ, họ đến lấy hàng bên phố Ký Con - Camette đem về trước khu vực ga xe lửa cũ để chỉnh trang, sắp xếp hàng hóa trước khi “xuất bến”. Đội quân hàng gánh này tỏa ra đi khắp các quận, huyện trong TP.HCM bán lẻ từ chiếc bánh kẹo, trái cóc, quả ổi rẻ tiền phục vụ giới bình dân và các học sinh.
Chợ nhỏ của một thời
Do là vùng đất dễ tiếp nhận dân nhập cư nên chợ ở Sài Gòn cứ mọc lên và tồn tại với những tên rất dân dã như: chợ Cây Quéo, chợ Cây Thị, chợ Cây Điệp… tồn tại được trăm năm. Có những chợ mà nhiều người dân thành phố chưa từng nghe tiếng như chợ ông Hoàng, chợ ông Địa ở khu vực Tân Bình. Thậm chí có chợ dành cho một nhóm người địa phương như chợ Bà Hoa, chợ Phương 11, quận Tân Bình chuyên bán đặc sản của Quảng Nam như mì Quảng, cao lầu (nguyên liệu nấu), bánh tráng, mạch nha… Có một chợ nhỏ mà sau 1975 đã phát triển thành chợ lớn là chợ Nguyễn Văn Thoại chuyên bán đồ lính cũ nay là chợ Tân Bình - một trung tâm chuyên bán đồ may sẳn… bỏ mối cho cả nước.
Chợ Sài Gòn tương lai
Sau 37 năm phát triển và hội nhập, TP.HCM ngày càng thể hiện rõ vị thế của mình, trở thành trung tâm kinh tế lớn của khu vực và cả nước. Trên địa bàn thành phố hiện có gần 30 trung tâm thương mại, xấp xỉ 100 siêu thị và trên 230 chợ.
Theo định hướng phát triển hệ thống chợ - siêu thị - Trung tâm thương mại giai đoạn 2009 - 2015 và Đề án phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ đến năm 2015, tầm nhìn 2020, TP.HCM sẽ phát triển thêm khoảng 95 siêu thị và 140 trung tâm thương mại. Trong đó, ưu tiên phát triển siêu thị, trung tâm thương mại tại những khu vực đầu mối giao thông, khu mua sắm tập trung, phố đi bộ, khu dân cư, khu đô thị mới. Đồng thời, khuyến khích phát triển các cửa hàng tiện lợi phục vụ người tiêu dùng 24/24 giờ; mạng lưới các cửa hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến tại các khu dân cư tập trung. Tổ chức di dời 10 chợ nông sản trong nội thành ra 3 chợ đầu mối ngoại thành: Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền.
Theo dantri.com.vn