Chủ tịch UBND TP.HCM: Đạt nông thôn mới, cuộc sống người dân có tốt lên không?
- Thứ ba - 23/08/2016 20:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chủ tịch UBND TP.HCM đặt câu hỏi huyện Bình Chánh phấn đấu đạt nông thôn mới vậy cuộc sống của người dân có tốt lên không?
Theo ông Phong thì Bình Chánh là huyện cửa ngõ của thành phố nên đang bị tác động mạnh bởi việc đô thị hóa và đề nghị lãnh đạo huyện tăng cường lãnh đạo, bám sát vào mục tiêu đại hội Đảng bộ huyện và mục tiêu của TP đã đề ra để chỉ đạo.
“Đạt danh hiệu nông thôn mới rồi cuộc sống của người dân có tốt lên không, thu nhập có tăng không? Vấn đề không phải nông thôn mới mà cơ bản là thu nhập và mức sống của người dân có tốt lên không? Đạt danh hiệu rồi giữ vững và phát triển nó mới là khó”, người đứng đầu UBND TP.HCM nói, đồng thời cho rằng xây dựng nông thôn mới hiện có 12 xã đạt nhưng kể cả 14 xã ở Bình Chánh đạt cũng chưa được công nhận là huyện nông thôn mới vì còn những chỉ tiêu khác nữa.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP phát biểu tại buổi họp
Ông Phong đặt câu hỏi huyện Bình Chánh nói chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp vậy công nghiệp ở đây cụ thể là cái gì? Còn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thì cũng cần phải xác định được đầu tư vào rau sạch hay hoa mà rau là loại gì, hoa thì hoa gì phải cụ thể chứ không thể nói chung chung.
Về vấn đề nước sạch ở Bình Chánh, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ ra hiện Bình Chánh mới có 55% dân số được sử dụng nước sạch, vậy 4 tháng nữa là hết năm thì làm sao mà đạt 100% người dân được sử dụng nước sạch theo như Nghị quyết Đảng bộ thành phố đã đặt ra? Người dân đang phải dùng nước bẩn mà các đồng chí cứ im ỉm không thấy phản ứng gì? Vấn đề nóng nhất của Bình Chánh bây giờ là vi phạm xây dựng, từ đầu năm đến nay có 535 vi phạm. Để xảy ra thực trạng như vậy ắt phải có nguyên nhân của nó nên đề nghị lãnh đạo huyện tìm hiểu nguyên nhân. Khi biết nguyên nhân thì mới tìm giải pháp được chứ?
Liên quan đến vấn đề có khu quy hoạch treo 18 năm nhưng chưa tiến hành xây dựng ông Phong chỉ đạo huyện Bình Chánh phải ra soát lại xem thế nào, triển khai hay không phải công khai cho người dân biết, kéo dài mãi sẽ mất lòng tin với người dân. “Nếu tôi sống trong khu quy hoạch này tôi cũng thấy khổ, muốn xây cái nhà cũng không được, xin giấy không cho…”, ông Phong nói.
Trước đó ông Võ Văn Quận, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh kiến nghị về công tác quản lý nhà nước về đất đai xây dựng, môi trường và giải quyết nhu cầu nhà ở của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án chậm triển khai…
Còn ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng Bình Chánh có địa bàn rộng, một ông trưởng công an xã phải phối hợp với 6 ông trưởng phường thuộc quận khác để giữ an ninh vùng giáp ranh. Bên cạnh đó còn quy hoạch chuyển từ đất nông nghiệp sang đô thị, việc này phải làm theo quy hoạch…Ngoài ra còn mâu thuẫn quản lý nhà nước khi xã hội phát triển nhanh nhưng Bình Chánh vẫn giữ cách quản lý xã, ấp nên không còn phù hợp.
Bên cạnh đó đại diện Sở Tài nguyên Môi trường cho rằng nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất ở Bình Chánh là rất lớn trong khi đó kế hoạch sử dụng đất của TP chưa được duyệt.
Theo danviet.vn