Chủ tịch tỉnh trực đường dây nóng
- Thứ năm - 23/02/2012 09:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phóng viên: Trong khi nhiều tỉnh khác bị tụt hạng trong chỉ số năng lực cạnh tranh, Hà Tĩnh lại bất ngờ vượt lên top 10. Bí quyết nào đã giúp Hà Tĩnh tăng vượt bậc như vậy, thưa ông?
Ông Võ Kim Cự |
Tất nhiên để đạt được kết quả đó cũng nhờ chúng tôi tập trung vào mấy yếu tố sau:
Thứ nhất, có sự đoàn kết, đồng thuận nhất trí rất cao trong đảng bộ nhân dân Hà Tĩnh. Chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị, nhất là các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở.
Chúng tôi biết gắn kết, lồng ghép giữa kinh nghiệm truyền thống của hà tĩnh nói riêng và dân tộc việt nam nói chung với kinh nghiệm thời đại, tức là đúc rút kinh nghiệm của các nước quốc tế và trong khu vực để tạo ra bước phát triển nhanh hơn, nhưng vẫn đảm bảo phát triển bền vững, đúng hướng hơn.
Chúng tôi đã kết hợp với một tập đoàn của Mỹ để xây dựng một quy hoạch phát triển xã hội của Hà Tĩnh đến năm 2030 và tập nhìn đến 2050, từ đó hoàn thiện các quy hoạch về công nghiệp về nông nghiệp về vùng và địa phương, xác định sản phẩm chủ lực của địa phương, để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tập trung đúng hướng, hạn chế rủi ro.
Thứ hai, hoàn chỉnh cơ chế chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư, người lao động vào đầu tư phát triển kinh tế xã hội Hà Tĩnh.
Thứ ba, đặc biệt cần quan tâm đó là cải cách thủ tục hành chính, tập trung trọng tâm là bộ máy tổ chức cán bộ, viên chức từ tỉnh đến cơ sở. Chúng tôi có một đề án riêng thông qua cấp ủy chính quyền sắp xếp, bố trí lại cán bộ, công chức , viên chức và thay thế chuyển đổi, giải thể, sáp nhập.
Mục đích là để giảm tối đa các khâu trung gian, giúp các doanh nghiệp làm việc một cửa trực tiếp và thay đổi những cán bộ không đủ năng lực, để đáp ứng phục vụ cho doanh nghiệp cả trong giờ và ngoài giờ.
Cụ thể trong năm 2011, chúng tôi đã có 4 kỳ họp giao ban. Chủ tịch UBND, các Phó Chủ tịch tỉnh cùng với giám đốc các ban, ngành, sở, các chi nhánh ngân hàng thương mại, các chủ tịch UBND các huyện ngồi họp với các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn từng việc để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, hướng đi thế nào, quyền sử dụng đất ra sao, nhằm có hướng tháo gỡ đồng bộ.
Do vậy năm 2011 chúng tôi không mất doanh nghiệp nào mà lại còn tăng thêm 15%. Đây là một minh chứng để khẳng định là môi trường đầu tư, môi trường phát triển công nghiệp của Hà Tĩnh đang đi đúng hướng và có được cải thiện.
Bí thư, Chủ tịch tỉnh trực đường dây nóng
PV: Trong các chỉ tiêu cơ bản của PCI thường có một chỉ tiêu mà hầu hết các địa phương khó đạt được là chỉ số về minh bạch và chi phí "bôi trơn". Vậy Hà Tĩnh có giải pháp đột phá gì về vấn đề này?.
- Phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là yếu tố quyết định phát triển của Tỉnh. Từ mục tiêu ấy, Tỉnh phải dồn sức ưu tiên mọi nguồn lực và yêu cầu tất cả cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị là phải bình đẳng, công khai hóa, minh bạch hóa và tôn trọng, nhất là thái độ ứng xử với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư như những người thân của mình, phục vụ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư là chính. Vì vậy các cán bộ công chức nào mà sách nhiễu doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ xử lý, thay đổi công tác và kỷ luật.
Đồng thời phải công khai hóa, minh bạch hóa các loại chi phí, để giảm tối đa nhất chi phí không minh bạch cho các doanh nghiệp. điều này quan trọng nhất. Tôi nghĩ doanh nghiệp cần hai cái, một là ngắn thời gian nhưng "anh" phải giảm các chi phí không minh bạch, mà cái này phụ thuộc hoàn toàn vào con người. Đó là thái độ văn hóa, ứng xử của cán bộ từ cấp cao của tỉnh cho đến một cán bộ bình thường ở thôn xóm, do đó phải quán triệt rất sâu sắc quan điểm này.
Hà Tĩnh vượt hàng chục thứ hạng từ vị trị 37 lên vị trí thứ 7 trong top các tỉnh có PCI rất tốt |
Thành công của chúng tôi là nhờ quán triệt sâu sắc từ hàng vạn đảng viên cho đến hàng chục vạn nhân dân thấu suốt quan điểm đấy. Đó là có tránh nhiệm ưu tiên phục vụ doanh nghiệp.
Chúng tôi lập đường dây nóng, các doanh nghiệp có quyền gọi trực tiếp cho Bí thư và Chủ tịch tỉnh, ở đâu đó có A, B... chúng tôi điều động đến xử lý ngay, để đảm bảo môi trường luôn luôn được minh bạch và công khai, và thực sự để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, làm ăn lâu dài.
PV: Một số địa phương, kể cả địa phương rất lớn của cả nước không coi trọng lắm chỉ số PCI và cho là đây chỉ là một nghiên cứu và cho dù họ bị hạ thấp đi chăng nữa thì họ cũng không thể hiện sự cố gắng trong năng lực cạnh tranh này, vì sao Hà Tĩnh lại coi trọng chỉ số PCI này và đặt ra những mục tiêu phấn đầu để thay đổi?.
- Chúng tôi cho rằng, thực ra đây là một sáng kiến của VCCI và cùng một tổ chức quốc tế để nghiên cứu điều tra, hình thành các nhóm, phân loại nhằm tạo ra một cạnh tranh của cả nước là đúng đắn.
Nhưng nếu không có PCI thì chúng tôi cũng xác định là phải làm và cũng phải thực hiện một cách quyết liệt. Bởi, đây là yêu cầu của sự phát triển , yêu cầu của nhân dân , yêu cầu của chính cuộc sống của mình. Mình phải tự đổi mới, phải tạo môi trường thật tốt thì lúc đó mới khơi dậy được nguồn lực trong từng người dân, từng doanh nghiệp, họ mới yên tâm đầu tư, lúc đó đất nước nói chung và địa phương nói riêng mới phát triển được , chứ không thể trông chờ vào nguồn từ nhà nước được.
Nguồn lực chính từ trong dân, từ trong những con người cụ thể. Mà cái tạo ra sự cạnh tranh này chính là môi trường về chính trị, môi trường về pháp lý. Chúng tôi xác định đầu tư cho doanh nghiệp chính là đầu tư cho nhân dân một cách sâu sắc và bền vững nhất. Điều này rất quan trọng và chúng tôi sẽ làm bài bản để khi nào đạt được tốt đến đỉnh cao và đời sống của nhân dân thoát khỏi xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, lúc ấy mới tiếp tục cải thiện mức cao hơn nữa để có một chất mới.