Chủ tịch xã có bằng thạc sĩ Anh quốc
- Thứ hai - 02/03/2015 02:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhìn Nguyễn Văn Hòa không hề giống hình dung thường có của mọi người về một ông chủ tịch xã, cũng không giống những nhân vật chủ tịch xã được xây dựng trên các bộ phim truyền hình đình đám như Ma làng, Bão qua làng…
Vị chủ tịch xã sinh năm 1978 này có thể gặt lúa thoăn thoắt nhưng cũng biết lái ô tô, vừa ngồi nói chuyện vừa gửi email nhoay nhoáy trên smartphone, và có thể nói về quá trình phát triển nông thôn mới của Tân Trào cả ngày mà không cần cầm…. báo cáo.
“Ông thạc sĩ” làm việc thế nào?
Tự nhận lợi thế lớn nhất của mình khi về làm chủ tịch của một xã “đỏ” là xuất thân từ nông dân, anh Nguyễn Văn Hòa chia sẻ một cách đơn giản bí quyết để công việc trôi chảy là “Cứ đặt mình vào vị trí của dân sẽ biết được những khó khăn, thuận lợi và tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó sẽ đưa ra những quyết sách trong lãnh đạo, điều hành đảm bảo đúng hướng theo mong muốn của dân và tránh được những bức xúc trong dân”.
Và lợi thế thứ hai, theo anh Hòa, đó là bản thân luôn quyết liệt trong công việc, không ngại khó, ngại khổ, không chịu áp lực bởi các mối quan hệ anh em, dòng họ thân thích… “nên mọi quyết định, việc làm của mình đều rất công tâm, khách quan, được nhân dân và cán bộ đồng tình, ủng hộ”.
Với lối nói chuyện cuốn hút, cởi mở, anh Hòa ào ào nhớ lại: Có hai bài toán cần giải mà tôi và tập thể lãnh đạo xã rút ra sau khi rà soát, đánh giá một cách tổng thể về những thuận lợi, khó khăn trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã, đó là: Đất sản xuất thiếu và tư duy, cách thức phát triển sản xuất còn nhiều lạc hậu.
“75% diện tích tự nhiên của xã Tân Trào là rừng đặc dụng, tỷ lệ đất phục vụ phát triển sản xuất của người dân chỉ chiếm khoảng 10%. Vì vậy nâng hệ số sử dụng đất từ 2 vụ lên 3 vụ và ứng dụng mạnh các tiến bộ KHKT vào sản xuất để tăng năng xuất, giá trị sản phẩm là hai giải pháp được tập trung triển khai thực hiện”.
Cái khó thứ hai mà vị chủ tịch xã này phải giải quyết là thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế của bà con từ việc trồng trọt, chăn nuôi theo cách “mùa nào thức nấy”, mỗi loại cây, loại con đều có một ít, chủ yếu là phục vụ nhu cầu hàng ngày của gia đình… sang tư duy sản xuất hàng hóa tập trung, làm ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Đi vận động mà như đi làm cuộc cách mạng về chăn nuôi, trồng trọt, bảo bà con phải thay đổi cách chăn nuôi, gia đình nào phù hợp với chăn nuôi gà hoặc lợn, hoặc ngan thì đăng ký với xã để được tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật, con giống… Cứ xuống tận nhà dân mà rủ rỉ. Thế mà thay đổi đấy” – anh Hòa hào hứng.
Cơ cấu lại đất công ích theo hướng ưu tiên cho các hộ nghèo và cận nghèo, mở nhiều lớp đào tạo ngắn ngày về kỹ thuật chăn nuôi, thú y, trồng trọt, cơ khí, sửa chữa máy nông nghiệp… cho con em nông dân; tìm cách kéo các doanh nghiệp về địa phương để tư vấn và tuyển lao động là người đi phương đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh... là những giải pháp khác để người dân có cơ hội thoát nghèo.
Trường đại học lớn nhất
“Đương nhiên những người có học thường không muốn gắn bó với nông thôn. Tôi không phải là trường hợp ngoại lệ. Lúc đầu được giao nhiệm vụ cũng tấm tức lắm, cứ nghĩ mình đi học thạc sĩ về mà lại làm cái việc của ông trung cấp. Nhưng xuống rồi mới ngã người ra. Đành rằng ai cũng làm được, nhưng để làm một cách thật sự thì phải có tư duy, không thì xã nó cứ bình bình thế thôi” – đó là tâm sự của anh Hòa khi tôi nhắc về tấm bằng thạc sĩ ngoại, mà chắc rằng chưa chủ tịch xã nào khác ở Việt Nam có được.
“Dù có học ở Harvard hay Birmingham, không có trường nào cung cấp cho mình nhiều kiến thức như 2 năm làm chủ tịch xã Tân Trào vừa qua. Không trường học nào có tính tổng hợp và phức tạp như “trường” chủ tịch xã”.
|
Anh Hòa đang trao đổi với người dân và cán bộ khuyến nông xã về cách trồng và chăm sóc cây ngô vụ đông. Ảnh: Chúc Ngọc Huyền |
Chưa bao giờ khối lượng công việc dồn về một xã lại kinh khủng như thế, trong thời gian qua. “Tôi và một số đồng chí trong lãnh đạo xã nhiều đêm phải thức đến 1, 2 giờ sáng để giải quyết công việc. Và có nhiều thứ phải học từ đầu” - Vị chủ tịch xã dẫn chứng bằng việc phải học về… xây dựng.
Khi Tân Trào được chọn là xã điểm nông thôn mới, tỉnh giao cơ chế riêng, là chủ đầu tư tất cả các nguồn vốn do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tài trợ.
“Cơ chế này cực kỳ hiệu quả, giúp cho mình thực sự chủ động, đồng thời cũng được các đơn vị tài trợ ủng hộ mạnh mẽ. Nhưng bản thân tôi không có trình độ chuyên môn về đầu tư xây dựng. Tôi phải nhờ một số đồng chí có chuyên môn ở huyện tư vấn, cung cấp một bộ hồ sơ đầy đủ về một công trình xây dựng khoảng 5 đến 10 tỉ đồng, nghiên cứu từng cái một xong mới quay ra chiếu vào các văn bản pháp luật. Chứ nếu chỉ đọc cho thuộc luật rồi mới làm thì sẽ không thể nào nhớ được”.
Rồi vận động dân, đâu chỉ vận động bằng lời nói hay… kiến thức. Năm đầu xã vận động làm vụ đông, thời gian rất gấp, phải gặt thiếu đi mấy ngày để đảm bảo thời vụ. Cứ 5h chiều là cán bộ xã, cán bộ đoàn, hội lại chia nhau đi xuống các cánh đồng để giúp đỡ, vận động người dân.
“Thấy hai bác cũng đã lớn tuổi đang lo lắng không biết có kịp cắt xong rạ để sáng hôm sau kịp tra hạt ngô giống không, tôi lấy liềm cắt hộ, vừa cắt vừa nói chuyện về kinh nghiệm làm vụ đông. Được nửa ruộng thì ông cán bộ khuyến nông đi qua nhìn thấy kêu “Úi chà, chủ tịch cắt rạ như thật ý nhỉ”, cả hai vợ chồng mới… giật mình và rất xúc động vì người cắt rạ mà họ đang nghĩ là cán bộ khuyến nông hóa ra là chủ tịch xã. Sau đó họ cứ nói chuyện này với nhau nên tích cực làm lắm, bởi “Chẳng lẽ chủ tịch xã còn làm mà mình lại không. Xuống nhìn thấy dân làm kiểu này, tôi bảo là theo cháu làm kiểu này có lợi thế nào, không lợi ra sao, các bác thử làm kiểu khác xem sao, thì dân bảo “Thế mà cũng biết cơ à, chúng tôi lại tưởng anh ở trên phố quen ăn trắng mặt trơn”. Nói vậy, nhưng rồi họ cũng làm theo”.
“Trong bối cảnh lượng công việc phải giải quyết khá dồn dập trong thời gian qua, không chỉ mình mà cả anh em được va chạm, học cách xử lý những trường hợp phức tạp. Đó là quá trình rèn luyện gay gắt. Nhiều anh em thân thiết cũng nói bản thân họ so với 2 năm trước đây đã trưởng thành lên nhiều”.
Anh Hòa khẳng định, “Nói chung, bảo tôi tài năng là không phải, mà tôi may mắn là được lãnh đạo cấp trên tin tưởng, trao cho cơ hội để rèn luyện và khảng định bản thân mình, cũng như luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của anh em trong Đảng ủy, UBND xã. Hơn nữa, Tân Trào là xã giàu truyền thống cách mạng, người dân cần cù, chịu khó và rất tiến bộ nên khi triển khai xây dựng nông thôn mới, đa số người dân đều hưởng ứng tích cực. Điều tôi mừng là khi mình nói trên loa “xã Tân Trào hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới” người dân ở ngoài ruộng nghe mà cảm thấy phấn khởi, tự hào, không bức xúc, đó là thành công”.
Điểm mạnh anh Hòa tự nhận là “tự tin”.
“Không phải mình có trình độ rồi tự tin, mà có lẽ do cuộc sống tạo nên. Khi tôi chỉ hơn 10 tuổi, bố mẹ đã đi làm xa, tôi ở nhà gánh mấy đứa em và tự lo mọi việc trong nhà. Là học sinh đầu tiên đỗ đại học của một trường cấp 3 “nhô”, cách trung tâm huyện Yên Sơn 25 km, chỉ về học được một tháng, với tờ Mua và Bán trên tay để đi tìm việc làm thêm, tôi đã thuộc hết các ngóc ngách của Hà Nội”.
Mà cuộc sống khi du học cũng khiến mình tự tin hơn, bởi người dân ở đó sống tự tin lắm. Thầy giáo nói thẳng rằng một câu hỏi đưa ra không phải chỉ có duy nhất một đáp án đúng, quan trọng là anh đưa ra đáp án và thuyết phục được người khác. Khác hẳn khi học ở Việt Nam”.
Lan man về chuyện học, anh Hòa tỏ ý băn khoăn: “Chị biết không, có 3 môn mà khi đi học sinh viên Việt Nam thường rất chán, chỉ học quấy quá cho qua, nhưng đến khi đi làm tôi lại thấy là 3 môn hữu dụng nhất. Đó là triết học, logic học và kinh tế chính trị. Giá mà thời sinh viên nhận thức rõ hơn về những môn học này thì sẽ tốt biết mấy”.
Năm 2012, xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) được chọn là xã điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Tháng 1/2013, xã Tân Trào được Chủ tịch nước Trương Tân Sang chọn làm xã điểm của miền Bắc để tập trung vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, ủng hộ trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau 3 năm, những giải pháp xã áp dụng đã cho kết quả khá ấn tượng: Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Tân Trào đã tăng từ 8,5 triệu đồng (năm 2011) lên 16,8 triệu đồng (năm 2014); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,6% (năm 2011) xuống còn 3,84% (năm 2014). |
"Có 3 môn mà khi đi học sinh viên Việt Nam thường rất chán, chỉ học quấy quá cho qua, nhưng đến khi đi làm tôi lại thấy là 3 môn hữu dụng nhất. Đó là triết học, logic học và kinh tế chính trị. Giá mà thời sinh viên nhận thức rõ hơn"
Theo dantri.com.vn