Chuyển biến các mô hình SX-KD gắn với xây dựng NTM

Thời gian qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực công thương nói chung và các mô hình sản xuất, kinh doanh NTM nói riêng ở tỉnh ta vẫn có bước chuyển biến đáng kể.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.529 doanh nghiệp và 186 HTX được thành lập và hoạt động trong lĩnh vực công thương, trong đó, lĩnh vực công nghiệp: 503 DN; lĩnh vực kinh doanh TM-DV có 1026 DN, 35 HTX và gần 4.000 hộ kinh doanh cá thể.

Ngành Công thương đã xây dựng và phát triển được 67 mô hình sản xuất, kinh doanh trong xây dựng NTM có hiệu quả, với tổng doanh thu bình quân mỗi năm đạt 457,6 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 36,7 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho trên 4.300 lao động. Trong đó, lĩnh vực chế biến hải sản13 mô hình; chế biến nông sản 20 mô hình; chế biến lâm sản 8 mô hình; lĩnh vực gia công, sửa chữa cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng và lĩnh vực khác 12 mô hình; TM-DV 14 mô hình…

Chuyển biến các mô hình SX-KD gắn với xây dựng NTM

Sản phẩm mộc Thái Yên ngày càng mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành trong nước

Lĩnh vực chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản tập trung chủ yếu ở các huyện: Kỳ Anh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân. Các mô hình chủ yếu tập trung sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực như sản xuất, chế biến muối, nước mắm bằng công nghệ mặt trời; sản xuất ruốc, cá khô, cấp đông thủy sản các loại… Điển hình như: mô hình chế biến, bảo quản thủy sản của HTX Thiên Phú (Lộc Hà), doanh thu 18 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 30 lao động; mô hình chế biến nước mắm sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời của HTX Thọ Vân, doanh thu 2,4 tỷ đồng, lợi nhuận gần 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 15 lao động…

Về lĩnh vực nông sản, đến nay đã có 20 mô hình hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm, góp phần quan trọng trong tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Các mô hình chủ yếu tập trung thu mua, chế biến gạo, lạc, sản xuất bánh, bún, rượu, kẹo cu-đơ… Nổi bật là mô hình sản xuất gạo chất lượng cao của Cty TNHH Thống Tuấn. Công ty đã chủ động phối hợp xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao cho người dân, đồng thời thực hiện chế biến và xây dựng thương hiệu “Gạo La Giang”, cung ứng cho người tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành trong nước với doanh thu đạt 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt trên 350 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 40 lao động.

Ngoài ra, còn phải kể đến mô hình sản xuất kẹo cu- đơ bằng công nghệ cao cơ sở sản xuất kẹo của cu-đơ Phong Nga (Thạch Hà). Mặc dù chỉ đơn thuần là sản xuất kẹo nhưng cơ sở này đạt doanh thu mỗi năm 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận 200 triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm cho10 lao động. Sản phẩn của Phong Nga được đưa vào chuổi sản phẩm của Co.opMarrt và là sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của khu vực 28 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Một điển hình nữa của lĩnh vực này là mô hình sản xuất rượu nếp truyền thống Tuyết Mai (Can Lộc). Cơ sở đã đầu tư dây chuyên khử độc trong rượu và đăng ký nhãn hiệu, mẫu mã để nâng giá trị, chất lượng rượu nếp truyền thống Can Lộc. Sản phẩm “Rượu Tuyết Mai” là một trong những sản phẩn được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Chuyển biến các mô hình SX-KD gắn với xây dựng NTM

Công ty Cao su Hà Tĩnh đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại nên sản phẩm mủ cao su của Công ty luôn được khách hàng ưa chuộng

Không nhiều mô hình như nông sản nhưng lĩnh vực chế biến và tiêu thụ sản phẩm lâm sản, trong 2 năm qua cũng đã có 8 mô hình sản xuất trong NTM có hiệu quả, góp phần tiêu thụ sản phẩm và giải quyết việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm. Điển hình là mô hình sản xuất gỗ rừng trồng của Công ty CP Gỗ Linh Cảm với doanh thu mỗi năm đạt 4 tỷ đồng, lợi nhuận 350 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 45 lao động. Mô hình sản xuất đũa và tăm tre của HTX Trung Toàn (Thạch Hà), doanh thu đạt 7,2 tỷ đồng, lợi nhuận 1,86 tỷ, tạo việc làm cho 120 lao động; mô hình sản xuất mây tre đan xuất khẩu của HTX Đan Du (Kỳ Anh), doanh thu 400 triệu, lợi nhuận 50 triệu, giải quyết việc làm cho 50 lao động.

Các mô hình kinh doanh TM-DV trong NTM cũng có bước phát triển đáng kể. Một số tổ chức, doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư xây dựng kinh doanh các chợ theo mô hình xã hội hóa như chợ Tùng Ảnh, chợ thị trấn Cẩm Xuyên, chợ Nầm; đầu tư kinh doanh các dịch vụ cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất và thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân ở một số địa phương… Điển hình như mô hình bao tiêu muối trắng cho nông dân của đại lý muối trắng Hiểu Hòa (Kỳ Anh), doanh thu mõi năm 1,5 tỷ, lợi nhuận 150 triệu đồng; mô hình bao tiêu lúa gạo cho nông dân của Cty CP Trần Phú (Đức Thọ), mỗi năm bao tiêu cho người dân 10 nghìn tấn, doanh thu 3,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 60 lao động….

Ngoài ra, trên lĩnh vực gia công, lắp ráp, sửa chữa cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng cũng ngày càng tăng về số lượng và quy mô. 2 năm qua, đã có 12 mô hình sản xuất có hiệu quả, có khả năng nhân rộng, tập trung chủ yếu là sửa chữa cơ khí nhỏ, sản xuất vật liệu xây dựng. Điển hình nhất là mô hình sản xuất cơ khí của DNTN Tuấn Yến (Hồng Lĩnh), doanh thu đạt 9,2 tỷ, lợi nhuận 1,5 tỷ, giải quyết việc làm cho 30 lao động.

Nhìn chung, thời gian qua, các doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực công thương nói chung và sản xuất kinh doanh trong NTM nói riêng đã có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế xã hội cũng như xây dựng NTM ngày một văn minh, giàu đẹp.

Chính Thu
nguồn baohatinh.vn