Cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới: Cần điều chỉnh sát với thực tiễn

Cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới: Cần điều chỉnh sát với thực tiễn
LTS: Sau ba năm triển khai Chương trình 02 của Thành ủy, TP Hà Nội đã có 50 xã hoàn thành xây dựng NTM, đứng đầu cả nước. Năm 2014, mục tiêu của thành phố là hoàn thành xây dựng NTM tại 60 xã, tiến tới hoàn thành 161 xã trong năm 2015. Đây là một thách thức lớn đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Góp phần tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng NTM, giúp các địa phương về đích đúng hẹn, hôm nay 4-9, Báo Hànộimới phối hợp với Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 02 của TP Hà Nội và Ban chỉ đạo Chương trình 02 huyện Đan Phượng tổ chức tọa đàm "Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy chương trình xây dựng NTM".
Sau gần 4 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), nông thôn Hà Nội đã có những thay đổi vượt bậc. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, 60 xã phấn đấu về đích năm 2014 và 161 xã về đích năm 2015 đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; 50 xã đã hoàn thành NTM năm 2013 cũng còn rất nhiều việc phải làm để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tọa đàm "Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy chương trình xây dựng NTM" do Báo Hànộimới phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 02 thành phố và Ban Chỉ đạo Chương trình 02 huyện Đan Phượng tổ chức hôm nay (4-9) nhằm tìm thêm những giải pháp giúp các địa phương về đích đúng hẹn. 
 
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn không ngừng được nâng cấp và hoàn thiện. Ảnh: Duy Kiên
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn không ngừng được nâng cấp và hoàn thiện. Ảnh: Duy Kiên

Chuyển biến cả chất và lượng

Đến nay, (không tính huyện Từ Liêm mới lên quận), Hà Nội có 38/386 xã đạt chuẩn NTM, dẫn đầu cả nước; 151 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 đến 18 tiêu chí, trong đó năm 2014, phấn đấu 60 xã hoàn thành NTM; 150 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 13 tiêu chí. 

Để có được kết quả đó, bước đi đúng, trúng - nền tảng tạo thành công lớn nhất trong công tác xây dựng NTM của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP Hà Nội là lựa chọn công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) làm khâu đột phá, mặc dù đây không phải là tiêu chí NTM. Từ năm 2012 đến nay, thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 73.570/76.365ha, bằng 96,3% kế hoạch. Một số huyện dồn được diện tích lớn như: Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất... Tổng diện tích dôi dư sau DĐĐT là 1.404ha tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch các cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi. 

Song song với DĐĐT, các huyện đều triển khai công tác quy hoạch lại hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh kinh tế; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị đất canh tác. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa đã hình thành với các mô hình cây, con mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống nông dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2013 đạt 24,3 triệu đồng/người/năm. Đây là thành công lớn thứ hai trong công tác xây dựng NTM. 

Thành công lớn thứ ba trong xây dựng NTM ở Hà Nội là cơ sở hạ tầng đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, không chỉ bằng nguồn ngân sách nhà nước nhiều địa phương đã kéo được người dân và doanh nghiệp (DN) vào cuộc. Đến nay, tổng kinh phí đầu tư cho NTM toàn thành phố là 17.103 tỷ đồng (không tính hai quận Từ Liêm), trong đó nguồn vốn huy động từ DN và các tổ chức là 1.966,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 1.691,7 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn không ngừng được nâng cấp và hoàn thiện. Nhiều tiêu chí khó nhưng Hà Nội đã đạt rất cao như: Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở xã được cứng hóa đạt 100%; đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa đạt 95%; số xã có tổ chức thu gom rác thải là 98%; tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91,6%; tỷ lệ thôn xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa - thể thao đạt 80,5%... Nông thôn không còn nhà dột nát, đa số hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. 

... Vẫn còn nhiều việc phải làm

Mặc dù có số xã hoàn thành xây dựng NTM đứng đầu cả nước nhưng các xã đã hoàn thành xây dựng NTM cũng còn nhiều việc phải làm để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trăn trở nhất là giữ vững và nâng cao tiêu chí "thu nhập bình quân đầu người". Hiện ở các xã này, nhiều dự án chuyển đổi sản xuất được đặt ra tại Đề án xây dựng NTM vẫn "giậm chân tại chỗ" khiến các địa phương lúng túng, khó duy trì, nâng cao mức sống bền vững cho nhân dân. Thực tế cho thấy, việc triển khai xây dựng NTM trên địa bàn thành phố hiện đang vấp phải nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp một số nơi nhất là vùng xa trung tâm vẫn mang tính truyền thống là chính, do đó thu nhập còn thấp, không ổn định. Một số huyện có diện tích đất nông nghiệp nằm trong Quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phân khu của thành phố nên không thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chỉ có thể sản xuất độc canh cây lúa, thậm chí có địa phương còn bỏ hoang. Số lượng mô hình, nhất là số mô hình ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao có hiệu quả chưa nhiều, chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn; việc tổ chức nhân ra diện rộng còn hạn chế. 

Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền về xây dựng NTM ở một số cơ sở còn hạn chế; vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm trong xây dựng NTM, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Hệ thống hạ tầng kinh tế-kỹ thuật nông thôn đầu tư chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, bất cập; vệ sinh môi trường nông thôn ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên, nhất là các làng nghề. Công tác DĐĐT vẫn còn gần 3.280ha chưa thực hiện xong nằm rải rác trên địa bàn 49 xã thuộc 11 huyện. Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, miền núi còn thấp, thiếu ổn định như: Ứng Hòa: 16,7 triệu đồng/ người/năm; Mỹ Đức 17,5 triệu đồng, Ba Vì 18,5 triệu đồng...

Hiện nay, khó khăn lớn nhất trong xây dựng NTM của các địa phương là nguồn vốn cho xây dựng NTM rất eo hẹp bởi việc đấu giá đất khó khăn. Ngoài nguyên nhân thị trường bất động sản đóng băng, quy trình đấu giá đất vẫn còn bộc lộ nhiều phức tạp và có không ít bất cập. Không những thế, việc huy động sức dân và DN còn khó khăn. Quyết định 16/2012, QĐ-UB ngày 6-7-2012 của UBND TP Hà Nội về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM mặc dù đã thể hiện tính ưu việt, giúp các địa phương triển khai xây dựng hạ tầng nông thôn nhưng cũng bộc lộ những bất cập khiến các địa phương khó tiếp cận. Bên cạnh đó, một số tiêu chí còn chưa phù hợp với thực tế, cần phải được nghiên cứu điều chỉnh mới giúp các địa phương về đích…

Nhằm tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng NTM, được sự cho phép của Thường trực Thành ủy Hà Nội, Báo Hànộimới phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của thành phố và Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của huyện Đan Phượng tổ chức buổi tọa đàm về vấn đề này. Hai nội dung cần được tập trung làm rõ: Một là đánh giá lại kết quả triển khai xây dựng NTM và những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc nâng cao chất lượng các tiêu chí và giữ vững danh hiệu NTM ở các xã đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Hai là đề cập đến những khó khăn, tồn tại trong triển khai xây dựng NTM đối với 60 xã nằm trong kế hoạch về đích năm 2014 và những đề xuất, kiến nghị của các địa phương. Đặc biệt là những khó khăn về kinh phí, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, những bất cập trong các chính sách hỗ trợ trong triển khai xây dựng NTM và những tiêu chí còn chưa phù hợp với thực tiễn. Mọi ý kiến thắc mắc, đề xuất của các địa phương sẽ được các sở, ngành chuyên môn hướng dẫn, giải đáp và tiếp thu để có những đề xuất với thành phố chỉnh sửa phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp các địa phương về đích.
 
Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội
 


Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu:
Quan tâm xây dựng con người mới cho nông thôn mới

Huyện Phúc Thọ có diện tích tự nhiên trên 11.700ha, với 6.500ha đất nông nghiệp, dân số trên 18,5 vạn người; có 22 xã và 1 thị trấn. Bước vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, xuất phát điểm của huyện thấp, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên gặp rất nhiều khó khăn. Huyện có 9 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 13 xã đạt và cơ bản đạt từ 5 đến 9 tiêu chí xây dựng NTM. 

Qua 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, kinh tế của huyện đã có những tiến bộ vượt bậc: Thu nhập bình quân đầu người đạt 23,2 triệu (tăng 13,1 triệu đồng so với năm 2010). Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới về chuyển dịch cơ cấu, áp dụng khoa học kỹ thuật; một số vùng sản xuất chuyên canh được hình thành và phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2013 có 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 9 xã đạt và cơ bản đạt 15 đến 19 tiêu chí, 9 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 14 tiêu chí. Năm 2014, huyện phấn đấu có thêm 2 xã đạt xã chuẩn NTM. Tỷ lệ hộ nghèo còn 4,08% (giảm 7,82% so với năm 2010). 

Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng quá trình triển khai xây dựng NTM của huyện hiện đang bộn bề khó khăn, cần được các sở, ngành tháo gỡ. Vì vậy, tọa đàm do Báo Hànộimới phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 02 cùng huyện Đan Phượng tổ chức thực sự là diễn đàn để các địa phương trao đổi kinh nghiệm và nghe các sở, ngành hướng dẫn cách tháo gỡ khó khăn có ý nghĩa hết sức quan trọng. 

Thực tế, NTM không chỉ có nhà cửa, đường xá, công trình mới mà điều quan trọng là có con người mới, suy nghĩ mới, cách sản xuất, ứng xử, tầm nhìn và lối sống mới. Đây mới là mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM ở nước ta, vì vậy đề nghị các sở, ngành liên quan đến xây dựng hệ thống chính trị, phát triển văn hóa xã hội hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở làm tốt vấn đề này. Hai là, để tăng cường nguồn nhân lực cho xây dựng NTM, hằng năm thành phố khi bố trí ngân sách và nên ưu tiên nhiều cho khu vực nông thôn để tạo sự chuyển biến nhanh, sớm đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân, giãn bớt khoảng cách giữa đô thị và nông thôn trong cùng thành phố. Trước mắt, UBND TP Hà Nội sớm phân bổ nguồn vốn 500 tỷ đã quyết định giao cho các địa phương năm 2014 vì thời gian còn lại không nhiều, cơ sở đang rất "khát" vốn. Khi phân bổ nên chú ý ưu tiên hơn cho các huyện khó khăn, các xã khó khăn. Ba là, thành phố cần tăng cường đầu tư cho việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao yếu tố bền vững và phát triển đối với các xã đã đạt chuẩn NTM để tạo diện mạo mới và sự khác biệt quan trọng giữa xã đã đạt chuẩn và xã chưa đạt chuẩn.

Đề nghị thành phố cho phép huyện có cơ chế đặc thù khi thực hiện chuyển đổi sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại trong nội bộ đất nông nghiệp trên địa bàn: Cho phép xây dựng nhà tạm làm nhà bảo vệ, kho bảo quản nông sản, chuồng trại đối với các dự án sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại thuộc vùng được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nội bộ đất nông nghiệp nhưng chưa đủ diện tích, chưa đủ giá trị sản lượng hàng hóa theo tiêu chí kinh tế trang trại.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn:
Điều hành tích cực, linh hoạt

Xây dựng NTM là một trong 6 chương trình công tác lớn của BCH Đảng bộ huyện Thanh Trì nhiệm kỳ 2011-2015 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 10/15 xã cơ bản đạt chuẩn NTM và phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM trên địa bàn huyện trước năm 2020. Qua gần 4 năm triển khai xây dựng NTM đã có một bước chuyển biến lớn trong nhận thức của nhân dân trên địa bàn. Thanh Trì đã huy động nhân dân đóng góp 47,5 tỷ đồng; 30.182 ngày công, nhân dân đã hiến 4.863m2 đất để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn; đồng thời xây dựng thành công mô hình điểm đường giao thông thôn xóm sáng, xanh, sạch đẹp tại xã Tứ Hiệp. 

Nét nổi bật trong cách làm của huyện là ngoài phần kinh phí của thành phố, ngân sách huyện cũng điều hành hết sức tích cực, linh hoạt. Đối với các xã khó khăn, huyện tạm ứng ngân sách để có điều kiện triển khai các dự án; UBND huyện trình thông qua HĐND huyện cơ chế cấp bổ sung kinh phí từ nguồn thu đấu giá đất để hỗ trợ cho các xã, khó khăn xây dựng NTM.

Đến nay Thanh Trì đã có 6 xã đạt chuẩn NTM và là một trong hai huyện đi đầu trong xây dựng NTM của thành phố. Năm 2014, dự kiến 3 xã tiếp theo sẽ cơ bản hoàn thành (hiện các xã này đều đã đạt từ 15 đến 17 tiêu chí). Còn lại 6 xã hiện đã đạt 14 tiêu chí. Đối với 3 xã về đích năm 2014; huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai từng khâu công việc, thường xuyên tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ.

Làm thế nào để nông thôn mới đi vào thực chất, giữ được "lửa" phong trào xây dựng kiến thiết quê hương là vấn đề huyện luôn trăn trở. Đối với các công trình phúc lợi đã được đầu tư xây dựng như nhà văn hóa, đường làng ngõ xóm... huyện chỉ đạo các xã đã hoàn thành NTM thường xuyên kiểm tra, uốn nắn, nhắc nhở để giữ gìn, phát huy giá trị. Với phương châm: nhà văn hóa thôn phải "có chủ" nên ngoài việc phục vụ nhân dân, các địa phương còn phân công đoàn thể chịu trách nhiệm trông coi, dọn dẹp.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi nhưng huyện Thanh Trì còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng NTM bởi còn rất nhiều bất cập, vướng mắc trong cơ chế, chính sách cần tháo gỡ. Phong trào hiến đất làm đường trên địa bàn huyện khá sôi nổi nhưng trong thực tế có những vị trí, hoàn cảnh rất khó vận động người dân hiến đất bởi diện tích quá lớn. Chính quyền địa phương có sáng kiến đổi đất cho các trường hợp đặc biệt này bằng rà soát quỹ đất công của xã, bàn thảo với dân trong thôn, xóm nhất trí cao nhưng lại vướng cơ chế chính sách và không có hướng dẫn nên một số tuyến giao thông nông thôn vẫn tắc không có lối ra. Vì vậy thông qua buổi tọa đàm, BCĐ huyện Thanh Trì đề nghị thành phố có cơ chế thông thoáng để cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh:
Nên có chương trình "Thành thị chung sức xây dựng nông thôn mới"

Huyện Sóc Sơn có 25 xã, 1 thị trấn, được chia thành 3 khu vực: 9 xã đồi gò, 8 xã vùng trũng và 8 xã vùng giữa. Dân số toàn huyện là 300.000 người với 71.450 hộ dân, trong đó có 47.293 hộ sản xuất nông nghiệp. Trước khi thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, huyện Sóc Sơn mới có 5/19 chỉ tiêu đạt, 8 tiêu chí đạt trên 50%, 6 tiêu chí đạt thấp. Xã điểm Mai Đình mới đạt 1 tiêu chí; các xã còn lại đạt dưới 9 tiêu chí. Đến nay xã điểm Mai Đình đã đạt 19/19 tiêu chí, 11 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí, 13 xã đạt từ 9 đến 12 tiêu chí. 

Để đạt được những kết quả trên, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Sóc Sơn đã xác định khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới là dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại sản xuất, đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp tạo nền tảng cho việc thực hiện các tiêu chí khác. Đến nay, toàn huyện đã triển khai dồn điền đổi thửa thành công ở 24 xã với diện tích 10.228ha. Đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất lên 90%; đồng thời hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung lớn: vùng lúa chất lượng cao 4.100ha, bưởi diễn 250ha, 250ha rau an toàn, rau hữu cơ, 227,7ha hoa nhài, 25ha dưa lê, 200ha chè an toàn/650ha sản xuất chè... xây dựng 80ha vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; vùng chăn nuôi bò thịt, gà đồi của thành phố. 

Sóc Sơn đang phấn đấu đến hết năm 2014 có thêm 4 xã đạt chuẩn, năm 2015 thêm 7 xã, các xã còn lại đạt trên 12 tiêu chí. Đây là một thách thức lớn. Cuộc tọa đàm giữa Báo Hànộimới với Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP Hà Nội và huyện Đan Phượng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương về đích đúng hẹn là hết sức cần thiết, huyện Sóc Sơn có một số kiến nghị, đề xuất sau:

Trong Quyết định 16 của TP Hà Nội nên sửa đổi hỗ trợ trước đầu tư đối với kiên cố hóa giao thông ngõ xóm, cứng hóa kênh mương nội đồng; đồng thời tăng phần kinh phí hỗ trợ của nhà nước đối với các dự án này. Đối với chính sách cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nên hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho người dân mua máy móc thay vì hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng như hiện nay để người dân có điều kiện tiếp cận. Vấn đề này dù đã được kiến nghị rất nhiều, song việc chậm sửa đổi chính sách hỗ trợ của thành phố đang làm giảm hiệu quả của những nỗ lực đó.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thủ tục trong đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt để tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Đề nghị thành phố kiến nghị với trung ương điều chỉnh một số tiêu chí, trong đó, nên tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của các xã để xây dựng nhà văn hóa, trung tâm thể thao văn hóa xã cho phù hợp, nên tập trung đầu tư nhà văn hóa thôn trung tâm làm trung tâm văn hóa xã. Trong tiêu chí xây dựng trường trung tâm đạt chuẩn quốc gia nên đặt thành các điểm trường cho những xã có địa bàn thôn cách xa nhau.

Để hỗ trợ các huyện trong quá trình xây dựng NTM, đề nghị thành phố xây dựng chương trình "Thành thị chung sức xây dựng NTM" bằng cách giao các quận nội thành hỗ trợ các huyện (phân công mỗi quận chịu trách nhiệm hỗ trợ từ 1 đến 2 huyện).

Bí thư Đảng ủy xã Cao Dương (Thanh Oai) Nguyễn Chí Thanh:
Tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách

Xã Cao Dương có 7 thôn với 2.715 hộ và 10.638 nhân khẩu. Bắt tay vào xây dựng NTM, xã Cao Dương có 8/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt; 11/19 tiêu chí đạt dưới 40%. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện đề án xây dựng NTM, qua rà soát, tự chấm điểm đối chiếu với 19 tiêu chí, xã Cao Dương đã đạt 10 tiêu chí và 5 tiêu chí đạt trên 80%. Hiện còn 4 tiêu chí đạt trên 70% gồm thủy lợi; y tế; cơ sở vật chất văn hóa và chợ nông thôn.

Ngoài nguồn vốn phân bổ từ ngân sách nhà nước, xã Cao Dương đã tập trung vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM, 47 hộ tự nguyện hiến 540m2 đất thổ cư để xã mở rộng 41 góc cua, đoạn đường chật, nhân dân đóng góp trên 2 tỷ đồng để kiên cố hóa đường giao thông thôn, xóm và nâng cấp chỉnh trang đình, chùa...; trên 3.000.000 ngày công lao động cho việc thực hiện xây dựng NTM. Xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa 206,6ha, đã thu lại 50.000.000m2 đất và vận động nhân dân góp trên 45.000m2 đất vào giao thông nội đồng. 

Tuy đạt được những kết quả đáng phấn khởi nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng NTM, xã còn gặp nhiều vướng mắc, vì vậy địa phương rất phấn khởi trước việc Báo Hànộimới phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP Hà Nội và huyện Đan Phượng tổ chức tọa đàm "Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy chương trình xây dựng NTM". Đây là việc làm rất trúng với mong mỏi của các địa phương. 

Khó khăn lớn nhất của xã là vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn thu xây dựng NTM. Xã đã lập tờ trình xin được đấu giá gần 5.000m2 đất, tuy nhiên, dự kiến nếu đấu giá được, trừ kinh phí GPMB và xây dựng hạ tầng trước khi đấu giá, ước chỉ thu được hơn 1 tỷ đồng, trong đó thực hiện quy trình đấu giá mất tới gần 2 năm. Vì vậy đề nghị lãnh đạo thành phố rút ngắn quy trình đấu giá đất như hiện nay. Đặc biệt, xã Cao Dương có đất xen kẹt, diện tích rất nhỏ hẹp ở các khu dân cư. Vì vậy, lãnh đạo thành phố sớm có các giải pháp phù hợp trong thực hiện giao hoặc cấp đất xen kẹt, có thu tiền theo định mức giá điều hành của thành phố, giúp địa phương có nguồn vốn đối ứng hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2014. 

Khó khăn thứ hai là thực hiện dự án đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Sau khi hoàn thành việc DĐĐT, xã đã chỉ đạo HTX NN huy động xã viên góp vốn mua 2 máy làm đất (máy đã qua sử dụng của Nhật Bản) và vận động nhân dân mua 1 máy gặt liên hoàn và 1 máy cấy. Tuy nhiên, khi lập dự án trình các cơ quan chức năng huyện xin được hưởng cơ chế đặc thù theo quyết định 16 của thành phố thì không được giải quyết bởi quy định bắt buộc HTX và xã viên khi có đề án mua sắm máy móc phải mua máy mới tại Công ty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội, có đủ hồ sơ thì mới được hưởng hỗ trợ. Đề nghị thành phố xem xét có các giải pháp thích hợp nhằm khuyến khích nhân dân đầu tư ứng dụng cơ giới hóa vào phát triển nông nghiệp bền vững. 

Khó khăn thứ ba là theo tiêu chí số 15 về y tế thì xã đạt NTM phải có từ 70% người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, hiện nay xã Cao Dương có khoảng 40% hầu hết là cán bộ, công nhân viên chức đang công tác, nghỉ hưu, các đối tượng hưởng các chế độ chính sách và các hộ có điều kiện kinh tế đã mua. Còn lại 30% người dân trong xã chưa mua vì phí bảo hiểm y tế hiện nay rất cao (trên 600.000 đồng/1 thẻ), trong khi hầu hết số người dân này có điều kiện kinh tế khó khăn. Về chỉ tiêu này rất khó đạt do vậy đề nghị có các giải pháp, điều chỉnh sao cho phù hợp với từng địa phương để hoàn thành tiêu chí y tế.

Bí thư Đảng ủy xã Song Phượng (Đan Phượng) Bùi Văn Minh:
Trăn trở giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí

Xã Song Phượng được TP Hà Nội, huyện Đan Phượng chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy đã hoàn thành từ cuối năm 2013 và được nhiều nơi đến tham quan, học tập kinh nghiệm nhưng xã vẫn còn nhiều trăn trở để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. 

Thành công lớn nhất của xã Song Phượng sau khi hoàn thành NTM là bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét do làm tốt công tác quy hoạch và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Xã đã hoàn thành đưa vào sử dụng 49/73 dự án, 3 dự án đã và đang tiếp tục được thi công, 3 dự án lồng ghép và xã hội hóa. Tổng số vốn thực hiện theo Đề án phê duyệt là 299,8 tỷ đồng, trong đó vốn doanh nghiệp, vốn lồng ghép, vốn nhân dân tự đóng góp chiếm 44,6% Kinh phí đã giải ngân để thực hiện đề án là 183,8 tỷ đồng. Hiện 100% đường làng, ngõ xóm đã xây dựng xong, gắn với dòng tiêu thoát nước ao, vỉa hè được lát gạch… Nhân dân đồng thuận tự đóng góp tu sửa với tổng kinh phí gần bằng 30% dự án. Hiện HTX đã thành lập đội thu gom và xây dựng xong bãi trung chuyển rác thải; địa phương đã làm tốt việc vận động tuyên truyền nhân dân giữ gìn vệ sinh xanh, sạch đẹp nên cảnh quan, môi trường khang trang sạch đẹp. 

Đời sống dân sinh nâng lên rõ nét nhờ những dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn xã hình thành 3 vùng sản xuất hàng hóa: Rau an toàn 31,2ha, vùng sản xuất hoa 22ha, vùng sản xuất cây trồng có giá trị, năng suất cao như đu đủ, cà chua, ngô ngọt 25,7ha. Năm 2014 bình quân thu nhập đầu người trên địa bàn xã đạt 24 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 2,65%. Hiện xã đang tập trung khai thác tốt các vùng chuyên canh để giữ vững và tăng thêm tiêu chí thu nhập; khai thác và giữ gìn các công trình hạ tầng, tránh tình trạng xuống cấp.

Tuy đã hoàn thành xây dựng NTM nhưng việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí không phải không có những khó khăn. Đặc biệt là khó khăn trong việc nâng cao thu nhập bình quân đầu người bởi diện tích canh tác bình quân ít nên một bộ phận nhân dân lao động thuần nông có thu nhập còn thấp. Cơ chế, chính sách đối với công tác GPMB còn bất cập trong việc thu hồi đất giữa vùng nông thôn liền kề với thị trấn khiến người dân băn khoăn. Một bộ phận nhân dân còn chưa tích cực tham gia vào các tiêu chí văn hóa, môi trường. Trong thời gian tới, xã đề nghị huyện, thành phố quan tâm nguồn vốn để giải ngân nốt cho các công trình đã hoàn thành; có cơ chế, chính sách cho các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp để nâng cao thu nhập đầu người của nhân dân trong xã.
                                                                                                                                   Theo hanoimoi.com.vn