Cơ chế đặc thù với DA thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020
- Thứ tư - 09/03/2016 20:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa |
Dự thảo này nhằm quy định về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án/công trình đầu tư xây dựng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.
Quy định này sẽ áp dụng đối với các dự án/công trình thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô nhỏ, có kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước hỗ trợ đầu tư một phần, phần còn lại do nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của người dân (dự án nhóm C, quy mô nhỏ).
Theo dự thảo, dự án nhóm C thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô nhỏ có kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước hỗ trợ đầu tư một phần, phần còn lại do nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của người dân gồm các tiêu chí sau: 1- Thuộc nội dung đầu tư của các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020; 2- Sử dụng một phần ngân sách nhà nước, phần kinh phí còn lại do nhân dân đóng góp; 3- Công trình nằm trên địa bàn 1 xã và do UBND xã quản lý; 4- Tổng mức đầu tư không quá 5 tỷ đồng; 5- Thuộc Danh mục dự án được áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù do UBND cấp tỉnh ban hành.
Nội dung cơ chế đặc thù
Theo dự thảo, các dự án được áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù không phải lập dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng mà chỉ cần lập dự toán xây dựng mà chỉ cần lập dự toán xây dựng dự án đơn giản. Dự toán xây dựng được lập trên cơ sở thiết kế mẫu, thiết kế điển hình do UBND cấp tỉnh ban hành và hướng dẫn của UBND cấp tỉnh, trong đó đơn giá lập Dự toán xây dựng được phép áp dụng theo giá thị trường.
Giao cho cộng đồng dân cư, tổ chức, đoàn thể, tổ/nhóm thợ tại địa phương nơi có gói thầu thực hiện toàn bộ hoặc một phần gói thầu thuộc các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù. Chỉ giao tổ, nhóm thợ địa phương thực hiện khi cộng đồng dân cư không có khả năng, nhu cầu thực hiện gói thầu.
Việc lựa chọn cộng đồng dân cư, tổ chức, đoàn thể, tổ/nhóm thợ tại địa phương thực hiện dự án theo quy định tại Điều 27 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và các Điều 65, 66 và 67 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Theo dự thảo, Ban quản lý thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (Ban quản lý) cấp thôn hoặc cấp xã có trách nhiệm lập hoặc thuê đơn vị tư vấn lập dự toán xây dựng trình UBND xã thẩm định và phê duyệt. UBND xã có trách nhiệm thẩm định và phê duyệt dự án.
Theo dự thảo, điều kiện về thời hạn phê duyệt dự toán xây dựng đối với các Dự án khởi công mới được bố trí vốn hàng năm là trước thời điểm giao kế hoạch vốn tối thiểu 5 ngày. |
Căn cứ dự toán xây dựng được duyệt, UBND xã thông báo kế hoạch hỗ trợ đầu tư cho thôn và Ban Quản lý xã tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế với đại diện của cộng đồng, tổ chức được giao để tổ chức thi công. UBND cấp huyện và xã có trách nhiệm cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ thi công; Ban Quản lý xã, Ban giám sát cộng đồng có trách nhiệm giám sát trong quá trình thi công công trình. Ban Quản lý xã tổ chức nghiệm thu dự án theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng. Ngoài thành phần nghiệm thu theo quy định, bổ sung các đại diện: Cộng đồng, tổ chức được giao thi công công trình; Ban quản lý cấp thôn hoặc đại diện cộng đồng hưởng lợi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý dự thảo trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.