Cơ hội thoát nghèo của hội viên ngoại thành

Cơ hội thoát nghèo của hội viên ngoại thành
Từ ý tưởng mô hình Nhóm phụ nữ liên kết trồng nấm linh chi của Hội LHPN huyện Củ Chi (đoạt giải nhì Hội thi thuyết trình Giới thiệu ý tưởng về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội lần II - 2012), Hội LHPN TP.HCM đã phối hợp với Huyện Hội Củ Chi thực hiện thí điểm Tổ trồng nấm linh chi tại ấp Xóm Mới (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM). Mô hình này mở ra nhiều cơ hội giúp phụ nữ nông thôn liên kết sản xuất, tăng thu nhập.


 

Cách đây khoảng hai năm, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (SN 1980, ngụ số 945, tỉnh lộ 7, ấp Xóm Mới) gặp nhiều khó khăn khi cả hai vợ chồng đều thất nghiệp. Tìm hiểu thông tin, vợ chồng chị Lan quyết định trồng nấm linh chi. “Trước đó, vợ chồng tôi đâu biết mặt mũi cây nấm ra sao” - chị Tuyết Lan nhớ lại. Vợ chồng chị cải tạo chuồng bò cũ thành khu trồng nấm với 4.000 phôi ban đầu. Mỗi đợt trồng, chị thu hoạch được hơn 70 triệu đồng, trừ đi tiền vốn, tiền lời thu được khoảng 30 triệu đồng. Nhờ trồng nấm, gia đình chị đã vượt qua khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Nhiện - Chủ tịch Hội LHPN huyện Củ Chi cho biết, từ thành công của hộ gia đình chị Tuyết Lan, Hội đã nghiên cứu, xây dựng mô hình Nhóm phụ nữ liên kết trồng nấm linh chi, với mong muốn đưa nghề trồng nấm giới thiệu rộng rãi cho chị em. Ấp Xóm Mới đang trong quá trình đô thị hóa, đất sản xuất nông nghiệp giảm dần, nhiều người dân trước đây sống bằng nghề nông phải loay hoay tìm việc làm mới. Ấp có gần 750 chị em từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 60% phụ nữ trung niên chưa có công việc ổn định hoặc đang thất nghiệp.

Nhờ trồng nấm linh chi, gia đình chị Tuyết Lan vươn lên thoát nghèo

Ngày 20/10 vừa qua, Hội LHPN huyện Củ Chi đã cho ra mắt Tổ trồng nấm linh chi với thành viên ban đầu là 10 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng tham gia mô hình nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Trưởng nhóm là chị Tuyết Lan. Nhà của chị Lan cũng là nơi tập hợp chị em chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm. Để góp phần hỗ trợ, khuyến khích phát triển mô hình, Hội LHPN TP đã tặng mỗi hộ 200 phôi nấm với tổng trị giá bảy triệu đồng. Chị Phạm Thị Tuyền (SN 1972) - một trong những hộ gia đình tham gia tổ trồng nấm - cho biết, gia đình chị có khoảng 100m2 đất bỏ trống cạnh nhà nên quyết định cải tạo thành nơi trồng nấm. Trước mắt sẽ trồng thí điểm số phôi hỗ trợ của Thành Hội, nếu thành công sẽ tiếp tục đầu tư, nhân rộng.

Nói về triển vọng của việc trồng nấm linh chi, bà Nguyễn Thị Thu Hường - Giám đốc Trại nấm An Nhơn (ấp Xóm Mới, xã An Nhơn Tây), đơn vị cung cấp phôi, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho Tổ phụ nữ trồng nấm linh chi, cho biết, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nấm linh chi ở thị trường nội địa rất lớn, cung không đủ cầu. So với nấm linh chi có xuất xứ từ Hàn Quốc, nấm trồng trong nước có chất lượng không hề thua kém, nhưng giá cả lại “mềm” hơn, chỉ khoảng 600.000đ/kg (nấm nhập từ Hàn Quốc 2,1 triệu đồng/kg). Nghề trồng nấm linh chi được đánh giá mở ra nhiều cơ hội cho người dân ngoại thành. Bà Hường phân tích, một phôi nấm hiện nay mua với giá 3.500đ, sau 2,5 tháng, thu hoạch đợt đầu sẽ lấy lại vốn, thêm chừng ấy thời gian nữa sẽ thu hoạch đợt hai. Nguồn thu từ đợt hai này là khoản lợi nhuận của người trồng.

Theo quy chế hoạt động, tổ trồng nấm sẽ sinh hoạt định kỳ mỗi quý một lần nhằm tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời lồng ghép các nội dung hoạt động của Hội, phong trào phụ nữ và các hoạt động địa phương vào hoạt động nhóm. “Từ tổ trồng nấm thí điểm này, nếu chi, tổ Hội PN nào trên địa bàn huyện muốn tham gia mô hình, Hội LHPN huyện sẽ hỗ trợ việc triển khai, tập huấn về kỹ thuật. Riêng hội viên nào khó khăn, Huyện Hội có thể hỗ trợ hoặc giới thiệu cho các hộ tham gia vay vốn” - bà Nguyễn Thị Nhiện cho biết.

Cao Hoài An

Theo phunuonline.com.vn