Cuộc bứt phá ngoạn mục ở Tân Hội
- Thứ bảy - 06/04/2013 03:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Võ Thái Hiệp trong vườn rau công nghệ cao Xã kinh tế mới nhưng vẫn nghèo Trước khi được chọn làm xã điểm, Tân Hội đã được huyện chọn đầu tư xây dựng xã điểm toàn diện của huyện Đức Trọng. So với Bộ tiêu chí quốc gia, lúc đó Tân Hội đã cơ bản đạt được 9 tiêu chí (Điện, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, Văn hóa, hệ thống chính trị- xã hội, An ninh trật tự xã hội), 4 tiêu chí mới đạt một phần (Cơ sở vật chất trường học, thu nhập bình quân đầu người, môi trường nông thôn, giáo dục) và 6 tiêu chí chưa đạt (quy hoạch, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ cấu lao động, thủy lợi, Y tế). Song khi bắt tay vào việc thực hiện và triển khai mô hình điểm về xây dựng NTM, Tân Hội gặp không ít khó khăn và trở ngại. Ông Nguyễn Trọng Tuyên – Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban xây dựng nông thôn mới của Tân Hội nhận định, "Ban đầu, nhận thức về chủ trương xây dựng nông thôn mới trong một số cán bộ, nhân dân chưa sâu sắc, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại và chưa thật sự năng động sáng tạo, chưa thực sự coi xây dựng nông thôn mới là quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Đội ngũ cán bộ xã trình độ năng lực có hạn…việc triển khai mô hình thí điểm NTM hết sức khó khăn”.
Cán đích nông thôn mới Tuy nhiên chỉ sau hơn 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, bất cứ ai đặt chân đến vùng đất này đều phải ngỡ ngàng trước diện mạo của Tân Hội mới sầm uất, nhộn nhịp... Chúng tôi may mắn gặp được ông Võ Văn Quốc, ở thôn Tân Phú, xã Tân Hội – Là người đã đổ bao nhiêu tiền bạc và thời gian "lùng xục” mọi công việc chỉ mong tìm ra một con đường sống cho gia đình, từ lái xe Bắc Nam đến cửu vạn …rồi chuyển sang nuôi lợn nhưng đều về trắng tay. Chỉ khi "cánh cửa” NTM mở ra, ông Quốc mới mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển mô hình trồng nấm mèo và rau công nghệ cao. Với mô hình này, hiện nay gia đình ông là một trong những hộ có thu nhập cao nhất nhì trong thôn. Ông Quốc tâm sự: "Nếu không có chương trình hỗ trợ vốn của Nhà nước và được chính quyền xã hướng dẫn về chuyển đổi và áp dụng khoa học kỹ thuật chắc chắn người dân chúng tôi vẫn cơ cực lắm. Nay thì khác rồi, mô hình trồng nấm và rau công nghệ cao mỗi năm mang về cho gia đình tôi gần 400 triệu đồng”. Ở thôn Tân Trung, ông Võ Thái Hiệp, cũng cho biết, cách đây mấy năm, phần lớn người dân nơi đây không tìm ra hướng phát triển kinh tế, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, muốn nâng cao đời sống càng khó. "Tuy nhiên sau khi triển khai chương trình NTM, gia đình tôi được hỗ trợ vốn và hướng dẫn kỹ thuật chuyển 2,4 sào cà phê sang trồng rau công nghệ cao. Đến nay mỗi năm trừ chi phí còn lời trên 300 triệu đồng, gấp 4-5 lần trồng cà phê chị ạ”, ông Hiệp vui vẻ cho biết. Đi trên những con đường mới thênh thang, thẳng tắp, chúng tôi còn cóp nhặt được nhiều niềm vui đổi mới như gia đình ông Quốc, ông Hiệp. Cán đích 19/19 tiêu chí, người dân Tân Hội hẳn có lý do để tự hào khi được là công dân của một trong những xã nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Theo ông Nguyễn Trọng Tuyên, về xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội, Tân Hội đã đạt và vượt so chỉ tiêu. Trong đó tiêu chí giao thông đạt cao, với 35 tuyến đường được xây dựng trên tổng chiều dài 38,7 km, chiếm trên 80% và 12 km đường trục chính nội đồng. Xã có 8/8 thôn đạt thôn văn hóa (3 thôn cấp tỉnh, 5 thôn cấp huyện), các thôn đều có hội trường và có 1995 hộ/2347 hộ gia đình văn hóa, đạt 100% so chỉ tiêu mới. Chìa khóa thành công Có được như ngày hôm nay, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng được xem là chìa khóa thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Bởi việc để cho người dân đi từ không quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ đến chỗ nhận thức đúng đắn, tin tưởng, phấn khởi trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới...là cả một quá trình "mưa dầm thấm lâu” của những người làm công tác dân vận trong đó đội ngũ cán bộ Mặt trận. Theo bà K’Diệp – Phó chủ tịch MTTQ xã, điều cốt yếu là cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là vai trò của những người làm công tác Mặt trận phải "dân vận khéo” biết dựa vào dân, phải thực sự sâu sát với bà con nông dân, công khai, minh bạch với dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc của nông dân, biết chọn những vấn đề bức xúc, thiết thực lợi ích của nông dân để chỉ đạo thực hiện. "Chúng tôi tập trung tuyên truyền, phân tích và làm rõ cho nông dân hiểu rõ, thấy rõ lợi ích thiết thực trong việc xây dựng nông thôn mới trước mắt cũng như lâu dài. Từ đó, có chuyển biến tích cực trong việc tham gia đóng góp công sức, tiền của, đất đai để góp phần xây dựng nông thôn mới, góp phần cơ bản hoàn thành các tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới”, bà K’Diệp khẳng định. Phạm Nhài |
Theo Báo Đại Đoàn kết