ĐBSCL: Chung sức làm đẹp những vùng quê
- Chủ nhật - 01/06/2014 20:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
ĐBSCL có 1.269 xã thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay toàn vùng có 19 xã đạt 19/19 tiêu chí, 98 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 470 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 680 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, 63 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân các xã trong vùng đạt 9,23 tiêu chí. Bằng cách huy động sức dân hợp lý, kết hợp với các nguồn xã hội hóa, bức tranh NTM ở các vùng quê nghèo đã có những đổi thay tích cực.
Xã Đại Thành (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) là xã đầu tiên ở ĐBSCL hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 380 tỷ đồng. Ông Cao Chí Công, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thành phấn khởi: “Nhờ thực hiện xã nông thôn mới, hiện nay bộ mặt trong xã đã thay đổi. Giao thông có 100% đường xã và liên xã nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn, tỉ lệ hộ nghèo từ 7,7% năm 2010 đã giảm xuống còn 3,93% vào cuối năm 2013, đã có 105 hộ thoát nghèo, xây dựng thư viện, trung tâm thể dục thể thao...”.
Xã Đại Thành là xã đầu tiên ở ĐBSCL hoàn thành chương trình xây dựng NTM. |
Theo ông Công, xã đã triển khai mô hình “hộ nghèo trắng” bằng cách hỗ trợ vốn cho hộ nghèo làm ăn, hiện nay có ấp Sơn Phú đã không còn hộ nghèo. Hộ bà Dương Thị Ni (ngụ ấp Sơn Phú) là một điển hình. Bà sống cùng 3 đứa con nhưng không đất vườn sản xuất. Vì vậy, chính quyền xã đã hỗ trợ để bà vay ngân hàng 10 triệu đồng trồng cam sành. Với mỗi đợt thu hoạch, bà kiếm lợi nhuận hàng chục triệu đồng khi cam sành đang có giá. Nhờ vậy, hộ bà Ni vươn lên thoát nghèo, đời sống vật chất và tinh thần ổn định. Ngoài ra, gia đình bà cũng được xã cấp nhà tình thương trị giá 30 triệu đồng.
Một trong những khó khăn để các địa phương xây dựng NTM là thiếu kinh phí thực hiện. Hằng năm, kinh phí từ Trung ương “rót” về cho mỗi xã chỉ khoảng 1 tỷ đồng nên gây áp lực cho chính quyền địa phương. Vì vậy, xây dựng NTM cần sự chung tay, xã hội hóa của người dân và doanh nghiệp. Huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), một trong 5 huyện điểm của cả nước về xây dựng NTM đã xây dựng nhiều cầu nông thôn từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp và người dân đóng góp.
Hộ bà Dương Thị Ni (xã Đại Thành) được vay vốn trồng cam sành và thoát nghèo. |
Ông Trần Hoàng Duyên, Bí thư huyện ủy huyện Phước Long phấn khởi: “Trong những năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã ủng hộ hàng chục tỉ đồng để xây 8 cây cầu. Nhiều công trình sử dụng nguồn vốn từ Nhà nước và nhân dân cùng làm nên bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt”. Ông Mai Anh Nhịn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang đồng tình: “Tỉnh Kiên Giang đã thông qua HĐND về chính sách xây dựng giao thông nông thôn. Trong đó, kinh phí Nhà nước chi ra 50%, 30% là doanh nghiệp, còn 20% là người dân đóng góp”.
Theo thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về xây dựng NTM, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã có những cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực cho xây dựng NTM. Điển hình như, tỉnh Cà Mau đã huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện đề án 1.588 cầu giao thông nông thôn; tỉnh Bến Tre với sự đóng góp của người dân và các nhà tài trợ đã xây dựng hàng ngàn cây cầu bê tông nông thôn; tỉnh Hậu Giang đã huy động hơn 1.200 tỉ đồng (dân đóng góp gần 44%) để nâng số xã có đường ô tô về đến trung tâm đạt 96%... Điều này không chỉ làm “bừng sáng” diện mạo các vùng quê mà còn là kinh nghiệm tốt để các địa phương khác học tập, nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào ngân sách đầu tư cho hạ tầng…
Văn Vĩnh
Nguồn cand.com.vn