Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền góp phần đưa nhanh các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống
- Thứ hai - 24/06/2013 05:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của BCH Trung ương, 4 năm thực hiện Nghị quyết 08 của BCH tỉnh đảng bộ về "tam nông" và gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình 800), tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả rõ nét, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong suốt 5 năm qua, Hà Tĩnh luôn được xếp ở vị trí cao và cao nhât trong xếp hạng thi đua hàng năm, luôn được Trung ương đánh giá cao trong việc thực hiện Nghị quyết 26, trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Một trong những cái được lớn nhất đó là đã chuyển biến cơ bản tư duy, nhận thức của đại đa số người dân và cán bộ về "tam nông" và về xây dựng NTM. Nghị quyết 'tam nông', Chương trình "800" đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng thực hiện.
Để có được kết quả cao phải hành động đúng, để hành động đúng phải có nhận thức đúng. Kết quả đáng mừng mà Hà Tĩnh đã đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 26, Nghị quyết 08 và Chương trình 800, có sự đóng to lớn của công tác tuyên truyền. Tuy nhiên nếu chúng ta làm tốt hơn công tác tuyên truyền (không còn những tồn tại hạn chế như trong báo cáo đã nêu) thì chắc chắn kết quả đạt được sẽ còn cao hơn. Về tồn tại hạn chế, tôi đồng tình với việc đánh giá: nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về Nghị quyết 26, 08, về Chương trình MTQG xây dựng NTM chưa đầy đủ và cá biệt nhận thức chưa đúng,
Trong những đợt kiểm tra tại cơ sở, đồng chí Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh luôn có phần “hỏi xoáy” đối với cán bộ cơ sở về những chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Qua trả lời thấy được nhận thức, hiểu biết của cán bộ cơ sở còn rất hạn chế. Có những câu trả lời của ngay cả cán bộ cốt cán xã mà "ngỡ ngàng" đến bất ngờ - cười mà đau.
Trong nhiều cuộc tập huấn, học viên được hỏi có vướng mắc gì không? phần lớn không có câu hỏi cụ thể - vì chưa nghiên cứu kỹ nên chưa biết hỏi gì.
Để đưa nhanh Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống bằng việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tôi góp ý đề xuất một số giải pháp sau:
1. Xác định rõ đối tượng cần tuyên truyền, nắm bắt được đặc điểm tâm lý của người nông dân (chủ thể chính trong thực hiện). Từ đó xây dựng nội dung, phương thức, cách thức, hình thức tuyên truyền phù hợp; có thể triển khai riêng cho các đối tượng đặc thù, như: các doanh nhân, chức sắc tôn giáo...
2. Đảm bảo yêu cầu “đúng, trúng, hay”: Truyền tải, phản ánh những quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân một cách trung thực, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, hấp dẫn, dễ thực hiện nhưng hiệu quả mang lại phải cao nhất.
3. Vận dụng sáng tạo, linh hoạt phương thức tuyên truyền lồng ghép, xen kẽ: vận dụng mọi cơ hội, thời cơ có thể, để tuyên truyền như: qua các buổi lễ, chương trình lớn, các cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao ban, nói chuyện chuyên đề, qua các hội thi, các Show Game và các hoạt động văn hóa xã hội khác...ngoài việc tăng dày tuyên truyền và lồng ghép tuyên truyền của Đài phát thanh, truyền hình, các báo, tạp chí...
Thực hiện phương châm "cả hệ thống chính trị làm công tác tuyên truyền", mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên là một tuyên truyền viên; Ngoài việc chú trọng xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở chuyên nghiệp, cần phát huy lực lượng tuyên truyền viên là giáo viên, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh...
4. Tuyên truyền mô hình tốt, cách làm hay, những nhân tố điển hình là hình thức thuyết phục cao và đồng thời cũng minh chứng nghị quyết đã bén rễ vào cuộc sống: Ngay trong từng nội dung tuyên truyền đều nên có dẫn chứng những gương người tốt, việc tốt, mô hình điển hình tiêu biều (mà những gương điển hình này ở tất cả lĩnh vực ở Hà Tĩnh đều đã có, nhất là trong sản xuất - khó của nhiều địa phương nhưng Hà Tĩnh lại làm được và làm tốt (lúc đầu "mô hình - hình mô' hoặc "mô hình - mình hô" nay thì "mô hình là ở mô cũng có hình", đến nay đã có trên 600 mô hình sản xuất doanh thu từ 500 triệu đồng/ năm trở lên), một số mô hình tốt đã được biên tập có "chỉ dẫn địa lý" để tuyên truyền, nhân rộng nhanh mô hình.
5. Tăng cường thông tin 2 chiều, nắm bắt kịp thời thông tin phản hồi từ cơ sở: Cần quan tâm cao những thông tin phản hồi về những khó khăn, vướng mắc, bức xúc trong dân. Kịp thời phát hiện để giáo dục, uốn nắn, xử lý đối với các cá nhân có biểu hiện tuyên truyền “ngược” về các chủ trương, chính sách, vì nhiều khi một ý kiến trái chiều có thể làm giảm nghiêm trọng đến hiệu quả tuyên truyền chung, tạo nên sự hoài nghi ở một bộ phận nhân dân, nhất là trường hợp người tuyên truyền “ngược” lại chính là cán bộ, đảng viên, những người có uy tín trong cộng đồng.
6. Lựa chọn và tập trung cao tuyên truyền các nội dung mang tính đột phá, trọng tâm, trọng điểm: Cần lựa chọn sắp xếp ưu tiên tuyên truyền các nội dung mang tính đột phá, trọng tâm, trọng điểm của Nghị quyết và phù hợp từng giai đoạn; như năm 2013 tuyên truyền tập trung làm rõ quan điểm, định hướng cơ bản của nghị quyết; các cơ chế, chính sách, nhất là hiểu đúng và giải pháp thực thi vai trò chủ thể của người dân, về cơ chế, chính sách mới khuyến khích phát triển sản xuất, làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng; về ý thức tham gia giao thông, ứng xử văn hóa, bảo về môi trường; về nâng cao năng lực, trình độ, nhiệt huyết của cán bộ...
7. Ứng dụng rộng rãi, hiệu quả công nghệ thông tin hiện đại trong công tác tuyên truyền: Từ trước lại nay chúng ta vẫn coi tuyên truyền miệng là hình thức tuyên truyền phổ biến và hiệu quả nhất, nhưng theo tôi giai đoạn này phải đặt vai trò quan trọng đối với tuyên truyền qua sóng, qua mạng, như thế vừa nhanh vừa hiệu quả cao.
8. Giao nhiệm vụ, trách nhiệm tuyên truyền rất cụ thể cho từng tổ chức, cơ quan; tổ chức kiểm tra đánh giá nhận thức về Nghị quyết đối với từng tổ chức, đơn vị, từng đảng viên, hội viên...
9. Phải xác định rõ tuyên truyền thực hiện Nghị quyết "tam nông", Chương trình "800" luôn là nhiệm vụ trọng tâm, phải làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ, dài lâu.
10. Công tác tuyên truyền phải hướng mạnh về cơ sở, lấy đơn vị thôn và hộ gia đình làm địa bàn, đối tượng chính trong tuyên truyền Nghị quyết "tam nông", Chương trình "800" .
Tuyên truyền Nghị quyết "tam nông"
Phải sâu, phải rộng, tinh thông mọi bề
Muốn sâu tăng mạnh chuyên đề
Muốn rộng thì phải đi về tận thôn,/,
Phải sâu, phải rộng, tinh thông mọi bề
Muốn sâu tăng mạnh chuyên đề
Muốn rộng thì phải đi về tận thôn,/,
Trần Huy Oánh
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM tỉnh