Đại Thành giải bài toán thu nhập
- Thứ sáu - 27/07/2012 03:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đến thời điểm này Đại Thành đã đạt 11 tiêu chí NTM. Theo kế hoạch, Đảng bộ và nhân dân Đại Thành quyết tâm hoàn thành thêm 5 tiêu chí NTM: tiêu chí giao thông, tiêu chí chợ nông thôn, tiêu chí bưu điện, tiêu chí môi trường và tiêu chí điện nông thôn vào cuối năm 2012. Phấn đấu về đích xã NTM vào cuối năm 2013, đứng vào tốp đầu trong toàn tỉnh hoàn tất công cuộc xây dựng NTM.
Những năm qua, bên cạnh việc khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình làm kinh tế hiệu quả, Đại Thành phối hợp với khuyến nông - khuyến ngư hướng dẫn người dân thay đổi cơ cấu sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời mở các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tiến bộ khoa học mới trong sản xuất và hỗ trợ cây, con giống để tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng hộ khá giàu trong thời gian tới...
Nếu như thu nhập bình quân đầu người của xã Đại Thành vào năm 2010 chỉ đạt 16,5 triệu đồng/người/năm, thì cuối năm 2011 đã nâng lên 21,5 triệu đồng/người/năm. Đó là kết quả cho thấy sự đúng đắn và tính hiệu quả của cả quá trình đầu tư xây dựng NTM.
Bộ mặt nông thôn xã Đại Thành đang đổi thay từng ngày
Để nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, chính quyền địa phương đã lồng ghép tuyên truyền phổ biến nhiều mô hình làm kinh tế có hiệu quả vào buổi sinh hoạt tổ, nhóm ở các ban ngành, đoàn thể để người dân được học hỏi và áp dụng vào thực tế.
Chị Nguyễn Thị Hồng Loan, Chi hội Phụ nữ ấp Sơn Phú, cho biết: “Nhờ tham gia Hội Phụ nữ mà tôi được các chị em trong Hội giúp đỡ vốn sản xuất, kinh nghiệm làm ăn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, đời sống gia đình tôi ổn định hơn trước rất nhiều”. Thu nhập hằng năm của gia đình chị Loan hiện đạt mức trên 100 triệu đồng nhờ vào nuôi heo, nấu rượu có hiệu quả.
Bên cạnh mô hình chăn nuôi có hiệu quả của chị em Hội Phụ nữ xã, mô hình trồng cây ăn trái của Hội viên Hội Nông dân cũng mang lại hiệu quả đáng kể. Trong năm qua, toàn xã có trên 1.170 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi với mức thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm.
Ông Bùi Văn Tứ, ở ấp Ba Ngàn A, bắt đầu trồng cam sành cách nay 10 năm và cho khoản thu nhập ổn định.
Riêng năm 2011 xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ cho bà con vay vốn xây nhà được 28 căn, nâng tổng số nhà đạt chuẩn là 2.134 căn (đạt 75,4%), giảm số nhà không đạt 3 cứng còn 696 căn. Hiện tại, trên địa bàn xã không có nhà tạm, dột nát. |
Ông Tứ cho biết: "Trồng cam sành rất dễ kiếm tiền, vì cho thu nhập quanh năm, trên diện tích 6 công thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm". Ngoài diện tích cam sành cho trái, ông Tứ đang cải tạo thêm 6 công đất còn lại để phát triển các loại cây ăn trái khác.
Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, cho hay: “Đại Thành là 1 trong 11 xã thí điểm mô hình xây dựng NTM của Hậu Giang. Đây vừa là niềm vui vừa là trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân xã Đại Thành. Trong các tiêu chí đề ra để thực hiện thì tiêu chí về hộ nghèo là khó thực hiện nhất. Khi thực hiện NTM Đại Thành hộ nghèo còn trên 14%. Hiện tại, toàn xã còn 197 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 6,96%".
Để phát huy hơn nữa kết quả đạt được, thời gian tới, Ban chỉ đạo NTM xã Đại Thành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng chủ trương, nâng cao nhận thức về xây dựng NTM trong cán bộ và nhân dân. Phát huy mọi nguồn lực, tập trung xây dựng quyết liệt các tiêu chí có khả năng đạt chuẩn trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, để đạt các mục tiêu còn lại, cũng còn nhiều khó khăn phía trước mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phải đối mặt.
Nhưng với tinh thần và sự đồng thuận cao, tin rằng việc xây dựng NTM ở xã Đại Thành sẽ có những bước tiến vững chắc.
Phương Nghi
Theo nongnghiep.vn