Đại sứ thiện chí Vì nông dân, nông thôn: Ước mong xây dựng nông thôn mới thành công

Đại sứ thiện chí Vì nông dân, nông thôn: Ước mong xây dựng nông thôn mới thành công
Mới đây, tại Hà Nội, sự kiện ra mắt Đại sứ thiện chí Vì sự nghiệp phát triển nông thôn mới đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân Thủ đô cũng như ở các địa phương đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
 

Đại sứ thiện chí Vì sự nghiệp phát triển nông thôn mới được phong tặng cho bà Lê Thị Hằng, Việt kiều CHLB Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Gia Bảo; bà có nhiều đóng góp cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam...

Không ngẫu nhiên, tại buổi lễ, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu (98 tuổi) viết hai câu đối tặng bà Lê Thị Hằng: “Đại sứ vươn cao Trời giúp sức/ Nông thôn đổi mới Phật đền công”.

Đón nhận món quà ý nghĩa Giáo sư trao tặng, bà Đại sứ thiện chí cảm ơn và hứa đem hết sức lực, tài năng, trí tuệ của mình góp phần đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, phát triển NTM với mục tiêu: Đưa chương trình xây dựng NTM ở Việt Nam thành công.

Bà Hằng sinh ra ở Thụy Khuê, quận Ba Đình, Hà Nội; có thời gian cùng gia đình sang định cư tại CHLB Đức. Hơn 25 năm sống và làm việc ở xứ người, bà luôn đau đáu hướng về quê hương, nhớ Hà Nội thâm trầm, sâu lắng với bao làng nghề truyền thống độc đáo nhưng còn ẩn mình, chưa có điều kiện phát triển. Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của nông thôn Việt Nam trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đổi mới để hội nhập và phát triển; bà Hằng nhiều lần về nước tìm hiểu thị trường ngành nghề, nông sản, rồi quyết định đầu tư vào sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ, gốm sứ cao cấp xuất khẩu… Bà vừa kinh doanh, vừa để quảng bá rộng rãi đến bạn bè quốc tế các mặt hàng truyền thống của làng quê Việt Nam. Rồi bà quyết định về quê hương sinh sống, muốn đem hết lòng nhiệt tình, kiến thức, kinh nghiệm học hỏi, tích lũy được sau mấy chục năm sinh sống, bươn chải ở châu Âu vận dụng vào xây dựng NTM, cống hiến cho quê hương, đất nước.

Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu tặng câu đối cho bà Lê Thị Hằng.
Bà nghiên cứu, tìm hiểu kĩ chương trình phát triển NTM của Chính phủ; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu chương trình ý nghĩa nhân văn này đến bạn bè trong nước và quốc tế; kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ, vận động tài trợ, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, tạo thêm nguồn lực giúp Việt Nam xây dựng NTM đạt 19 tiêu chí mà Chính phủ đề ra. Theo bà, trước tiên phải tuyên truyền sâu rộng cho nông dân cả nước hiểu sâu sắc tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM nhằm trực tiếp giúp nông dân cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, văn hóa, xã hội cộng đồng, yếu tố quan trọng góp phần tích cực đưa chương trình xây dựng NTM thành công.

 

Bà Hằng cho biết: Kinh nghiệm của quốc tế rất quan trọng, cần được phát huy và vận dụng phù hợp vào thực tiễn xây dựng NTM của Việt Nam. Bà kết nối với các doanh nghiệp của CHLB Đức, kí kết hợp tác, xây dựng các dự án chuyển giao khoa học kĩ thuật công nghệ mới, hiện đại của nước Đức và các nước Đông Âu để áp dụng vào nền nông nghiệp, nông thôn Việt Nam… Các dự án bà triển khai nhằm bảo vệ môi trường, làm sạch đẹp nông thôn phát triển bền vững. Cụ thể: Mở rộng, làm mới đường giao thông nông thôn; thu gom thụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để tạo ra sản phẩm phụ là than sinh học, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Đức; xây dựng nhà máy chế biến rác thải, xử lí nước thải… Bà dự kiến, thời gian tới sẽ cùng Ban điều hành dự án tỏa về các ngả đường làng quê Việt rà soát, xác định, phối hợp với các địa phương lựa chọn một số xã đang triển khai chương trình xây dựng NTM tiến hành làm điểm, rút kinh nghiệm nhân rộng; hỗ trợ hình thành các mô hình khoa học kĩ thuật, công nghệ hiện đại của CHLB Đức áp dụng vào nông nghiệp, nông thôn Việt Nam theo hướng thân thiện môi trường, như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió…

Điều bà trăn trở hiện nay là: Thực tế ở nhiều vùng nông thôn, triển khai xây dựng NTM còn nhiều lúng túng, hạn chế vì chưa có sự chỉ đạo hướng dẫn cụ thể, thống nhất… Xây dựng NTM không phải là đô thị hóa nông thôn mà phát triển theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa nông thôn, nông dân nhằm thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị. Hi vọng việc vận dụng công nghệ, khoa học kĩ thuật tiên tiến vào nền nông nghiệp Việt Nam sẽ góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển xanh, bền vững, giảm phát thải các chất gây biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đồng thời mang lại lợi ích, cải thiện đời sống nông dân, tạo điều kiện xây dựng thành công chương trình NTM.

Mai Chi

Nguồn: nguoicaotuoi.org.vn