Dành 70.000 tỷ đồng cho vay tam nông

Dành 70.000 tỷ đồng cho vay tam nông
"Hạ lãi suất cho vay và tập trung các chương trình đưa vốn về với tam nông, là hai mục tiêu quan trọng nhất mà Agribank sẽ theo đuổi triệt để trong năm 2012 này.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo nói: Việc giảm lãi suất cho vay trên diện rộng, đối với hầu hết khách hàng vay vốn là sự chia sẻ lợi ích tài chính của Agribank đối với cộng đồng khách hàng mà chủ yếu là các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho các hộ sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn vốn vay của Agribank để sản xuất kinh doanh các ngành nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Giải ngân vốn cho khách hàng tại một chi nhánh của Agribank tại Hà Nội.

Trong đó, cho vay ngắn hạn tăng thêm trong năm 2012 là khoảng 44.000 tỷ đồng phục vụ chi phí sản xuất - kinh doanh; vốn trung, dài hạn tăng thêm 10.000 tỷ đồng, tập trung vào đầu tư các nhà máy sản xuất, chế biến nông, thủy sản, chăn nuôi với công nghệ cao; chương trình cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; cho vay kinh tế trang trại và hộ sản xuất.

Trong bối cảnh nhìn chung huy động vốn của các NH đều gặp nhiều khó khăn, trong khi Agribank sẽ tập trung nguồn vốn vào lĩnh vực tam nông, lĩnh vực được cho là chi phí cao, lợi nhuận thấp. Vậy, khó khăn này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Năm nay, chúng tôi dự kiến tổng dư nợ cho vay tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2011. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng 15% - 18%; chiếm tỷ trọng hơn 70%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Đây là một thách thức rất lớn với NH.

Vì vậy, NH sẽ đẩy mạnh huy động vốn từ nền kinh tế trong nước và nước ngoài; tập trung mọi nguồn vốn huy động và nguồn thu nợ từ cho vay lĩnh vực phi sản xuất chuyển sang để cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cho vay xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa... Năm nay, chúng tôi sẽ giảm dư nợ và tỷ trọng cho vay phi sản xuất, đối với lĩnh vực bất động sản và cho vay tiêu dùng.

Trong năm 2012, NH dự kiến dành các khoản vốn cụ thể ra sao cho các lĩnh vực sẽ được ưu tiên, thưa ông?

- Dự kiến số vốn cho vay nhu cầu chi phí mùa vụ đối với hộ nông dân trong tổng nhu cầu cho vay vốn ngắn hạn: 10.000 tỷ đồng. Cho vay ngành lương thực 20.950 tỷ đồng; thủy sản 12.100 tỷ đồng; cà phê 3.800 tỷ đồng; cao su 2.300 tỷ đồng; điều, hồ tiêu 1.600 tỷ đồng; chè 1.000 tỷ đồng; chăn nuôi gia súc, gia cầm 13.300 tỷ đồng; cho vay trung, dài hạn 2.478 tỷ đồng về giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản, thủy sản. Tổng cộng khoảng gần 70.000 tỷ đồng dành cho vay tam nông

Mặc dù đề ra những con số cụ thể, nhưng thực tế không phải các hộ nông dân có nhu cầu vay vốn đều có thể tiếp cận được nguồn vốn. Theo đánh giá của ông, nguyên nhân là gì?

- Qua tổng kết, đánh giá về công tác cho vay, chúng tôi ghi nhận được một thực tế, đó là nhu cầu vốn đối với các hộ nông dân trồng lúa, cà phê, chăn nuôi... không lớn.

Thông thường thực hiện theo Nghị định 41 thì chỉ cần đáp ứng mỗi hộ 50 triệu đồng, theo mùa vụ, nhìn chung là ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế có những hộ không đủ điều kiện như hộ nghèo và cận nghèo nếu Agribank không đáp ứng được thì sẽ được vay từ NHCSXH. Đối với các chủ trang trại, hộ sản xuất lớn nếu có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, tạo đầu ra cho nông dân thì NH vẫn ưu tiên nguồn lực.

Nếu hộ nông dân chưa làm việc với NH lần nào, lại không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ cần những điều kiện đảm bảo khác.

Năm nay, chúng tôi dự kiến tổng dư nợ cho vay tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2011. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng 15% - 18%; chiếm tỷ trọng hơn 70%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Rõ ràng trên thực tế có những vướng mắc, cản trở rất khách quan khiến người dân vẫn khó vay vốn là có thật. Vậy, trong năm 2012, NH Agribank có giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn, giúp cho nguồn vốn đến với nông dân thuận lợi và hiệu quả hơn?

- Chúng tôi sẽ cải tiến quy trình thủ tục cho vay cho phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn; theo phân loại khách hàng. Ban hành các quy định cụ thể về cho vay theo từng chương trình cho vay nêu trên; sản phẩm dịch vụ khác... phù hợp với từng thời kỳ, từng lĩnh vực ngành hàng, cho vay khép kín từ khâu trồng, chăm sóc đến khâu thu mua, chế biến, tiêu thụ... nhằm gắn kết giữa nhà nông, doanh nghiệp và ngân hàng đảm bảo tính ổn định cho người sản xuất và doanh nghiệp.

Chú trọng cho vay vốn các dự án đầu tư đưa công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; Đầu tư cho hệ thống quy trình khép kín có quy mô lớn từ nuôi trồng, chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Xin cảm ơn ông!
 

Theo Danviet.vn