“Đánh thức” Tu Mơ Rông bằng cây dược liệu
- Thứ năm - 17/11/2016 04:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cây dược liệu bén rễ đất cà phê
Sau 2 năm trồng thử nghiệm, sâm đương quy đã trở thành loại cây phổ biến ở huyện Tu Mơ Rông. Từ vụ mùa trước, anh A Mới ở làng Mô Gia, xã Ngọc Lây được xã cấp giống sâm đương quy để trồng xen lẫn trong vườn cà phê của gia đình. Sau 1 năm, anh thu hoạch và bán được gần 20 triệu đồng - một nguồn thu nhập rất lớn. “Sâm đương quy dễ trồng, không bị bệnh, không tốn công chăm sóc lại có thể tận dụng trồng trong rẫy cà phê. Tôi vừa làm đất xong, sẽ mua thêm 2kg giống (6 triệu đồng) để trồng thêm 5 sào sâm”- A Mới nói.
Dược liệu do người dân Tu Mơ Rông trồng được doanh nghiệp thu mua và sơ chế. Ảnh: T.T
Bằng nhiều nguồn vốn thuộc các chương trình dự án như 30a, 135, chương trình khuyến công, huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được vùng được liệu với 43ha hồng đẳng sâm, 5ha sâm đương quy, dự kiến sẽ trồng 50ha vào năm 2020. Riêng đối với sâm Ngọc Linh huyện Tu Mơ Rông phấn đấu năm 2020 sẽ trồng được 500ha.
|
20 hộ dân trong xã Ngọc Lây cũng đã liên kết thành lập Hợp tác xã sâm và dược liệu Ngọc Lây với thành viên chủ yếu là người DTTS chuyên trồng sâm đương quy, ngũ vị tử, giảo cổ lam nhằm đảm bảo hình thành vùng chuyên canh cây dược liệu cho vùng.
Theo ông Nguyễn Minh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, ngoài cây chủ lực là cà phê, đến nay chính quyền xã xác định sâm đương quy là một trong những loại cây trồng chủ lực, góp phần tạo thu nhập ổn định, xoá đói giảm nghèo cho người dân nên đã mở rộng diện tích trồng đại trà tại 10/10 thôn, làng. “Huyện, xã cũng đã làm việc với các công ty thu mua dược liệu để bao tiêu cho người dân. Hiện, một công ty đã nhận bao tiêu 50ha dược liệu cho bà con nhưng xã mới trồng được 5ha” – ông Bình cho hay.
Gỡ khó về giống
Để phát triển cây dược liệu, huyện đã ban hành Chương trình số 36, Nghị quyết số 08 về việc xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực; trong đó xác định tạo điều kiện để phát triển cây dược liệu trong dân. Tuy nhiên, nguồn giống đang gặp nhiều khó khăn. Anh A Thăng ở làng Đăk King 1, xã Ngọc Lây cho biết, muốn trồng sâm dây, sâm đương quy nhưng giống ít và đắt, trong khi đó cây tự nhiên gần như bị khai thác kiệt.
Đối với sâm Ngọc Linh, vấn đề giống càng khó hơn. Hiện tại, chỉ có Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh là nơi cung cấp giống chính cho vùng. Những năm qua nhằm bảo tồn nguồn giống quý, đơn vị không khai thác thương mại mà chỉ tập trung bảo vệ, nhân giống để mở rộng diện tích. Hạt sâm là món khoái khẩu của chim chuột, nên có năm đơn vị mất cả vụ hạt giống. Do nguồn hạt giống thu được không cao nên chưa đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích của người dân.
Theo ông Trần Văn Hảo - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh thì chủ trương của công ty sẽ mở rộng diện tích sâm bằng liên doanh liên kết với các hộ dân ở những xã có thể trồng sâm. Hiện, công ty liên doanh liên kết với người dân xã Măng Ri, xã Ngọc Lây. Ngoài được cấp giống, bà con được công ty trả lương như công nhân, các sản phẩm sâm của bà con sẽ được thu hoạch và hưởng thành quả do mình trồng.
Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay: “Trong thời gian tới UBND huyện sẽ phối hợp Sở Khoa học -Công nghệ tỉnh xây dựng các mô hình nghiên cứu về ươm cây giống dược liệu ổn định để phát triển nhằm có nguồn cung ổn định”.
Trọng Thuỷ
Theo danviet.vn