Đầu tư tín dụng 2012, cần hơn nỗ lực vượt khó
- Chủ nhật - 12/02/2012 20:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nỗ lực lội ngược dòng
Chỉ thị 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô ra đời đầu tháng 3-2011. Các NHTM TƯ và toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn đồng loạt đưa chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ xuống dưới 20% để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Cùng đó, một số NHTM trên địa bàn đã phải giảm đầu tư tín dụng để rút nguồn tiền trong lưu thông về nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tác động của chính sách này đã thể hiện khá rõ rệt đối với hầu hết các chi nhánh NHTM tỉnh ta qua tốc độ đầu tư tín dụng rất chậm chạp suốt những tháng sau đó.
Trong lúc đầu tư tín dụng buộc phải thận trọng thì ở thị trường huy động vốn lại diễn ra cuộc đua lãi suất để giữ chân nguồn tiền tiết kiệm trong thời điểm lạm phát. Một thời gian dài, các giải pháp hành chính để giữ trần huy động vốn dưới 14%/năm chưa mạnh mẽ, vì vậy, những làn sóng ngầm đã đưa lãi suất huy động thực tế lên 18-19%/năm. Lãi suất cho vay vì vậy cũng lên đỉnh 20-24%/năm, khiến nhiều khách hàng không thể tiếp cận nguồn vốn. Đến cuối tháng 9-2011, tốc độ đầu tư tín dụng trên địa bàn chỉ đạt xấp xỉ 5%, con số thấp nhất trong lịch sử hàng chục năm qua của ngành Ngân hàng.
Cuộc lội ngược dòng được bắt đầu từ những cuộc họp bàn giải pháp giữa UBND tỉnh với ngành Ngân hàng. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã làm tốt vai trò tham mưu cho UBND có sự chỉ đạo quyết liệt và triển khai những giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả. Theo đó, những tháng cuối năm, các ngân hàng đã chủ động tìm kiếm khách hàng, thực hiện lãi suất ưu đãi đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, cho doanh nghiệp vay SXKD. Trong bối cánh khó khăn, các TCTD đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe phản ánh của khách hàng để đẩy mạnh cho vay một cách an toàn, hiệu quả. Chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp, HTX đầu tư cho nông nghiệp được triển khai. Mức hỗ trợ là 4%/năm, trong thời gian 3 tháng, áp dụng cho các món vay giải ngân từ tháng 10-2011 đến 31-3- 2012. Kết quả của sự vào cuộc đồng bộ của tỉnh, ngành Ngân hàng và một số sở ngành liên quan đã đưa đầu tư cho vay 3 tháng cuối năm đạt hơn 5%, tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm nhờ đó đã đạt 10,5% năm 2011.
Cần có quyết tâm mới
Năm 2012 sẽ tiếp tục là một năm đầy thử thách - một năm mà hệ thống Ngân hàng phải hết sức cố gắng để không những góp phần vượt qua khó khăn chung của nền kinh tế mà còn giải quyết được vấn đề nội tại của hệ thống Ngân hàng. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ sẽ ưu tiên cho mục tiêu lạm phát và khách hàng vay vốn chưa thoát khỏi khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư tín dụng càng cần có định hướng đúng và nỗ lực lớn. Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2012, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ yêu cầu ngành Ngân hàng cần đặc biệt quan tâm đến cho vay sản xuất và lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Sự chỉ đạo của tỉnh cũng thống nhất với định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là kiên trì theo đuổi việc chuyển đổi cơ cấu tín dụng hướng nhiều hơn vào khu vực sản xuất và kiểm soát chặt chẽ tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích ở mức hợp lý.
Ngân hàng Nông nghiệp Lộc Hà đầu tư vốn cho các hộ kinh doanh dịch vụ ở xã Thạch Châu |
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng Hà Tĩnh đặt ra cho năm 2012 là 15-17%; riêng đối với lĩnh vực cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn tăng trưởng tín dụng từ 20% trở lên. Hai nhóm giải pháp chủ yếu đã được đưa ra đó là ổn định thị trường huy động vốn, tạo cơ sở để từng bước hạ dần mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng; đẩy mạnh các giải pháp cho vay theo hướng tăng cường hoạt động tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ khách hàng về định hướng thị trường, xây dựng dự án…
Giảm dần lãi suất sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng đẩy mạnh đầu tư tín dụng |
Bài học đầu tư tín dụng năm 2011 cho thấy, việc nhận định rõ tình hình nền kinh tế để đề ra giải pháp phù hợp và triển khai quyết liệt là hết sức quan trọng. Từ đầu năm 2012 này Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức 2 cuộc đối thoại giữa các TCTD và DN và HTX để nhìn nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn vốn cho các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Còn các TCTD đang cố gắng nhận định rõ tình hình kinh tế để triển khai chiến lược đầu tư tín dụng hợp lý, tăng cường công tác thẩm định để đầu tư vốn một cách an toàn, hiệu quả. Trong thời điểm khó khăn hiện nay, các ngân hàng cần sáng suốt vận hành dòng huyết mạch nguồn vốn, hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và trách nhiệm đồng hành với nền kinh tế tỉnh nhà.
Theo baohatinh.vn