“Dễ làm trước, khó làm sau” - phương châm xây dựng nông thôn mới ở huyện Lang Chánh

Với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”, thời gian qua cấp ủy, chính quyền huyện Lang Chánh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân nâng cao nhận thức và hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là của “từng thôn xóm, từng nhà và từng người dân”.
“Dễ làm trước, khó làm sau” - phương châm xây dựng nông thôn mới ở huyện Lang Chánh
 
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhân dân làng Viên, xã Giao An (Lang Chánh) đã hiến đất, mở rộng đường giao thông.
 
 
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhân dân làng Viên,
xã Giao An (Lang Chánh) đã hiến đất, mở rộng đường giao thông
.
Theo đồng chí Mạc Tuấn Anh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Phó Ban Chỉ đạo XDNTM huyện Lang Chánh: Là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí thấp, để xây dựng thành công 19 tiêu chí XDNTM, cấp ủy, chính quyền huyện Lang Chánh đã xác định, việc XDNTM là do người dân làm chủ thể, họ được bàn, được làm và được hưởng thụ. Với chủ trương trên, Ban Chỉ đạo XDNTM của huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người. Thông qua các cuộc họp thôn bản, cấp ủy, chính quyền các xã lấy ý kiến của nhân dân về việc lựa chọn, thống nhất các công trình và các tiêu chí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để tổ chức thực hiện. Ban Chỉ đạo XDNTM huyện đã phân công các ban, ngành, đoàn thể chịu trách nhiệm trực tiếp một xã cùng cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện XDNTM. Huyện cũng tổ chức phát động đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên, đoàn thanh niên, các lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia đóng góp từ 1 đến 2 ngày công để XDNTM; kêu gọi các hộ dân hiến đất để xây dựng các công trình phục vụ cho đời sống dân sinh như: mở rộng nền đường, huy động nhân dân tham gia đào cống rãnh, phát quang cây cối ở các tuyến đường liên thôn, liên xã... Trong quá trình thực hiện, huyện Lang Chánh đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn toàn huyện, so sánh với 19 tiêu chí quốc gia XDNTM, từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch thực hiện, huyện đã lựa chọn 4 xã là: Yên Thắng, Giao An, Quang Hiến và Đồng Lương để tập trung chỉ đạo điểm XDNTM giai đoạn 2011 – 2015, theo hướng làm đến đâu chắc đến đó, không ồ ạt theo phong trào.
 
Giao An là xã miền núi, mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình XDNTM, là cơ hội để người dân và chính quyền xã có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, xã đã chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch; tổ chức thành lập ban chỉ đạo XDNTM cấp xã do đồng chí bí thư đảng ủy làm trưởng ban. Để đẩy nhanh tiến độ XDNTM, xã đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu, giải pháp, lộ trình XDNTM. Trên cơ sở đó, tạo sự đồng thuận, phấn khởi, tin tưởng của nhân dân. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”; “dễ làm trước, khó làm sau”, sau một năm triển khai, đến nay 5/5 làng trên địa bàn xã đã vận động người dân tham gia đào đắp được 3,6 km đường liên thôn, mở rộng nền đường 6m, có rãnh nước 2 bên theo đúng quy hoạch NTM, với tổng khối lượng đào đắp được 10.482 m3, thu hút 1.171 người tham gia. Cùng với việc tham gia đóng góp ngày công lao động, người dân đã đóng góp được hơn 121 triệu đồng để xây dựng các cống thoát nước. Ngoài đóng góp chung với xã, nhân dân làng Trô còn mua cát sỏi để rải tuyến đường của làng với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng. Đến thời điểm này, xã Giao An đã đạt được 5/19 tiêu chí XDNTM gồm: hệ thống điện, trạm y tế, văn hóa, an ninh trật tự và trường chuẩn quốc gia. Để đạt được những tiêu chí tiếp theo, xã đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đặc biệt là phát triển nông, lâm nghiệp, phát triển trang trại gắn với sản xuất hàng hóa, phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4 đến 5%.
 
Từ những kết quả bước đầu trong quá trình triển khai thực hiện XDNTM, huyện Lang Chánh có chủ trương trích 300 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện để đầu tư cho các xã XDNTM. Ban chỉ đạo XDNTM của huyện cũng có kế hoạch triển khai thí điểm việc đưa phân bón dúi sâu và vôi bột vào để cải tạo đất, nhằm nâng cao năng suất cây trồng. Cùng với đó, trồng thí điểm 100 ha cây ngô vụ đông trên đất 2 lúa. Đặc biệt xác định cây luồng là cây chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo, huyện Lang Chánh đã quyết liệt chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã tổ chức triển khai chương trình phục tráng rừng luồng, phấn đấu hàng năm, mỗi xã phục tráng được từ 35 đến 40 ha rừng luồng, nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên cùng một diện tích... Với những cách làm trên, hy vọng chương trình XDNTM của huyện Lang Chánh sẽ có những bước tiến vững chắc.