Đến Hà Tĩnh, xem những “kỹ sư chân đất” làm vườn mẫu
- Thứ ba - 10/04/2018 02:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều giám khảo của cuộc thi KDC kiểu mẫu, vườn mẫu toàn tỉnh đã cảm nhận rằng: Nông dân chúng ta là những kỹ sư, nhà làm vườn tài năng và họ đã tỏa sáng trong những khu vườn kiểu mẫu.
Vườn mẫu của ông Đinh Phúc Tiến, Hương Trà – Hương Khê, Hà Tĩnh - giành giải đặc biệt tại Hội thi KDC kiểu mẫu, vườn mẫu lần thứ nhất
Ông Đinh Phúc Tiến (thôn Đông Trà, Hương Trà - Hương Khê) - chủ nhân vườn mẫu giành giải đặc biệt trong 182 vườn mẫu tiêu biểu của cả tỉnh, được đánh giá cao bởi tay nghề lão luyện về ươm nuôi cây giống. Hàng chục loại cây đã được ông nhân giống thành công và mỗi năm hơn 5.000 cây giống từ vườn ươm của ông đã đến với người làm vườn khắp trong và ngoài tỉnh. “Hơn 20 năm gắn bó với nghề, từ sáng đến tối tỉ mẩn bên những mầm cây, trải qua không ít lần thất bại, tôi đã dần làm chủ được kỹ thuật, từng bước mở rộng mô hình” - ông Tiến chia sẻ.
Ông Đinh Phúc Tiến giới thiệu các loại cây giống và chia sẻ cách làm vườn hiệu quả
5 năm xây dựng vườn mẫu theo chương trình NTM, gia đình ông không chỉ tiếp cận với cách thiết kế, xây dựng khu vườn quy củ, bài bản mà còn được tiếp sức để ứng dụng thêm công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Cập nhật thông tin thường xuyên từ trạm dự báo khí tượng thủy văn được lắp đặt ngay trong vườn nhà, ứng dụng hệ thống tưới công nghệ cao, phù hợp với từng vùng sản xuất, vườn ươm, từng bước nâng doanh thu lên 1,2 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Trung là người tiên phong phá vườn tạp, quy hoạch vườn trồng rau, quả và ông cũng chính là người kiên trì với quy trình sản xuất hữu cơ an toàn, tạo được niềm tin của người tiêu dùng
Đến thăm vườn ông Nguyễn Văn Trung trồng rau hàng hóa ở thôn Tân An (Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) - khu vườn mẫu đạt giải A đầy thuyết phục, sẽ được nghe hành trình của người mở đường đặc biệt trong phong trào phát triển kinh tế vườn nơi đây. Ông Trung là người tiên phong phá vườn tạp, quy hoạch vườn trồng rau, quả và ông cũng chính là người kiên trì với quy trình sản xuất hữu cơ an toàn, tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Sử dụng bẫy sinh học dẫn dụ côn trùng để khử loại ruồi vàng châm quả; chế tạo dung dịch hữu cơ (riềng, tỏi, ớt cay) tiêm vào thân cây trừ sâu đục nõn, phun trừ các loại sâu cuốn lá, rầy…, ông Trung đã tạo được thương hiệu sản phẩm an toàn, thu hút nhiều đầu mối khách quen đến tận vườn mua sản phẩm.
Sử dụng bẫy sinh học dẫn dụ, khử côn trùng có hại là cách mà nhiều chủ vườn mẫu ở Hà Tĩnh đã thực hiện những năm gần đây.
Mùa nào rau đó, bàn tay của người làm vườn tài hoa không khi nào cho đất nghỉ; nhiều giống cây mới được ông đưa về thử nghiệm đã được nhân rộng ở các khu vườn hàng hóa ở Cẩm Bình. Phương pháp làm vườn, quy trình sản xuất an toàn của ông Trung đã lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều hộ làm vườn khác. “Tôi mong muốn bà con cùng phát triển kinh tế vườn, cùng thực hiện mô hình sản xuất an toàn, trước hết là đảm bảo môi trường sống cho gia đình, làng xóm mình, đồng thời cũng là để sản phẩm có được đầu ra bền vững” - ông Trung đã nhiều lần chia sẻ thông điệp này và nhiệt tình cung cấp giống cây, kinh nghiệm sản xuất cho những hộ có nhu cầu. Đến nay, 120 hộ dân phát triển kinh tế vườn ở thôn Tân An đều sản xuất theo hướng an toàn, hàng chục hộ tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ.
Còn vườn của ông Nguyễn Đình Vinh (thôn Liên Thanh, Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) lại được các thành viên ban giám khảo đánh giá cao bởi tính thẩm mỹ song song với hiệu quả kinh tế. 5 năm xây dựng vườn mẫu, ông đã thực hiện rất bài bản việc quy hoạch và tạo cảnh quan ở tất cả các khu vực: Từ khuôn viên, khu trồng cây ăn quả, rau, củ, quả… Khu trồng cây ăn quả được trang trí những góc cây cảnh, hoa như công viên thu nhỏ và những vòm cây bầu bí bố trí đan xen, đẹp mắt ở khu vườn rau cũng trở thành những điểm trải nghiệm thú vị của bất kỳ ai ghé thăm vườn. Ông Vinh chia sẻ: “Mình đi đầu làm trước nên cố gắng xây dựng khu vườn mẫu không chỉ đạt hiệu quả kinh tế mà còn là cảnh quan đẹp, môi trường sống trong lành, góp thêm vẻ đẹp cho khu dân cư NTM vùng đô thị”.
Vườn mẫu của ông Nguyễn Quang Hùng (áo vàng), thôn Sơn Bình, xã Thượng Lộc (Can Lộc) đạt giải A.
Ông Hùng đã phát huy lợi thế vùng đồi núi để trồng các loại cây ăn quả như: cam, bưởi và kết hợp chăn nuôi bò, gà…cho thu nhập 200 triệu/năm
Ấn tượng rõ nét nữa khi đến với những khu vườn kiểu mẫu, đó là không gian thoáng đãng, sự sắp xếp bài bản, hợp lý và những góc trang trí tươi tắn, đẹp mắt. Nhiều vườn cây trở thành những điểm sinh thái hấp dẫn. “Những bàn tay công nghệ trong phát triển kinh tế vườn” là cách mà Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Tình nói về những nông dân bậc thầy đã được ghi nhận qua cuộc thi như ông Mai Xuân Minh (Thượng Lộc, Can Lộc), Nguyễn Thái Sơn (Bùi Xá, Đức Thọ); Võ Công Sơn (Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh), Lê Ngọc Lâm (Đức Bồng, Vũ Quang)…
Sau hơn 3 năm triển khai tiêu chí 20, đến nay, toàn tỉnh có 2.300 vườn được công nhận đạt chuẩn và 8.178 hộ triển khai xây dựng vườn mẫu. Ngoài cái được lớn nhất là nguồn thu nhập từ kinh tế vườn, còn có rất nhiều ý nghĩa to lớn khác như đời sống tinh thần phong phú, sự thân thiện, gắn kết cộng đồng. Tất cả đang góp sức làm giàu thêm giá trị cuộc sống trên những vùng quê nông thôn mới.
Theo Thanh Hoài - Mai Thuỷ/baohatinh.vn